Hậu phương của những người mẹ lính

22/02/2019 - 11:30

PNO - Sáng 21/2, 4.400 thanh niên của TP.HCM vào quân ngũ. Trong Ngày hội tòng quân, bên cạnh người thân, còn có nhiều cán bộ Hội Phụ nữ.

Tự nguyện dấn thân

“Tuổi trẻ nên tự nguyện dấn thân” - tân binh Nguyễn Đức Duy, 23 tuổi, ngụ ở P.4, Q.3, cựu sinh viên khoa Văn hóa học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đã bày tỏ quyết tâm của mình như vậy trong đơn tự nguyện nhập ngũ và trở thành một trong hơn 150 tân binh ở Q.3 trong đợt tuyển quân này. 

Gặp chúng tôi tại Ngày hội tòng quân do Hội đồng Nghĩa vụ quân sự Q.3 tổ chức chiều 20/2, Nguyễn Đức Duy trông già dặn hơn so với tuổi khi vận trên người quân phục. Gia đình Duy có bốn người, cha mẹ đang làm công nhân ngành in, em trai năm nay đang học lớp 12. Trước khi làm đơn tự nguyện xin nhập ngũ, Duy từng có thời gian tham gia công tác Đoàn, nên sớm ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với Tổ quốc. Duy có hai bác ruột là liệt sĩ ngã xuống trong chiến tranh biên giới Tây Nam, một người cậu ruột cũng từng là chiến sĩ đặc công tham gia giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. "Em được biên chế về đơn vị phòng không 367. Em sẽ phấn đấu rèn luyện thật tốt, đáp lại mong mỏi của ba má và em trai" - Duy chia sẻ.

Hau phuong cua nhung nguoi me linh
Tân binh Nguyễn Đức Duy (P.4, Q.3) rạng rỡ trong bộ quân phục mới

Là một trong năm đảng viên trong số 155 tân binh Q.10 trúng tuyển nghĩa vụ quân sự đợt này, Trần Tiến Long - sinh năm 1999, ngụ ở P.14 -  cũng đã tự nguyện viết đơn xin nhập ngũ. Trong Ngày hội tòng quân, được phát bộ quân phục, Long phải nhờ các dì, chị ở Hội LHPN P.14 sửa lại cho vừa với thân hình cao to của mình. Long mong ước, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, sẽ được giữ lại đào tạo thành sĩ quan, phục vụ lâu dài trong quân đội. 

Những ngày này, khi Long và các tân binh chuẩn bị nhập ngũ, những hình ảnh, tư liệu về cuộc chiến tranh vệ quốc 40 năm trước ở biên giới phía Bắc như tiếp thêm lửa, tiếp thêm niềm tự hào để thế hệ trẻ hăng hái lên đường nhập ngũ. "Em muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng, không nên chờ được gọi mới nhập ngũ mà hãy tự nguyện xin nhập ngũ. Đó là nghĩa vụ của người trẻ đối với Tổ quốc".

Đêm trước ngày con lên đường

22g ngày 20/2, khi tiếng kẻng thu quân vang lên trên sân vận động Khánh Hội (Q.4), con trai cùng 150 trại sinh tập kết, cách ly gia đình, đôi mắt chị Nguyễn Thị Hồng Yến bất chợt đỏ hoe, nước mắt lăn dài trên má. 24 tuổi, dù chưa là trụ cột kinh tế gia đình, nhưng Ngô Chí Trung - con trai chị Yến - đã là chỗ dựa cho cha, mẹ, em gái, ông bà nội, ngoại bởi tính cách luôn vui vẻ, yêu đời của mình. Trung tốt nghiệp Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM và đã về công tác Đoàn tại P.8, Q.4 hơn một năm qua. Lần này, Trung lén cha mẹ, tự nguyện viết đơn xin nhập ngũ. Hay tin này, cả gia đình chị Hồng Yến sững sờ. Nhưng chị Yến nói: “Nhìn con rạng rỡ, tự tin, vợ chồng tôi theo con vậy”. 

Hau phuong cua nhung nguoi me linh
Chị Hồng Yến (bìa phải) và con trai Ngô Chí Trung

Nghe con rủ rê, chị Yến vào luôn hội trại tham gia hội thi nấu ăn. Chị chọn món canh chua và cá khô tộ - món mà Chí Trung thích nhất - để dự thi. Giữa cái nắng nung người tháng Hai, hai mẹ con từng bước hoàn thành các công đoạn. Chí Trung trước giờ chỉ biết nấu mì gói và chiên lạp xưởng, nay vã mồ hôi cùng mẹ xắt cá, rửa rau. Trong lúc đó, cha và bà ngoại đứng bên ngoài “chỉ đạo” .

Hội trại tòng quân tại 24 quận, huyện diễn ra đêm 20 và ngày 21/2 là nơi hội tụ của tình thân và tinh thần xung kích. Nhiều cán bộ, hội viên, tình nguyện viên tham gia hội trại bằng cả tấm lòng. Từ sáng sớm, hàng trăm quầy cắt tóc, gian sửa trang phục chiến sĩ đã được Hội LHPN 24 quận, huyện bố trí ngay các sân hội trại. Buổi chiều, những đôi tay “có nghề” nhất của Hội LHPN các xã, phường, thị trấn toàn thành phố đã cùng góp những món ăn ngon cho bữa tiệc liên hoan ấm áp. Đêm xuống, các dì, chị lại cùng các chàng trai trẻ hát vang những bài ca, hòa mình vào từng điệu múa. 

Đêm trước ngày con lên đường, có lẽ không người mẹ nào cầm được nước mắt. Tại Q.6, 203 trại sinh, là thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ ngồi theo từng nhóm gia đình, bè bạn rải rác khắp sân Trường trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi. Có những người mẹ không có người thân đi cùng được cán bộ Hội, cán bộ Đoàn thanh niên các xã, phường ngồi cạnh, chuyện trò. Giờ phút ấy, nhiều người mẹ len lén đưa tay quệt nước mắt. 

Hoài An - Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI