"Tui không dám gọi để nó yên tâm làm nhiệm vụ''
“Hôm qua, nó gọi điện về nói với con gái nhỏ là 2 ngày nữa ba về. Tui nghe vậy chứ không biết nó nói thật không. Sáng, mấy chú sếp qua nói hôm nay nó lên máy bay. Nay lên máy bay mà sao mai mới về đến nhà, gì mà xa dữ vậy?” - bà Mai Thị Tú - ở phường 13, quận 4, mẹ của thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo - hỏi. Trước đó, khi nghe thủ trưởng của con trai báo tin con sắp về, bà Tú mừng lắm. Nhưng, nỗi lo lắng của người mẹ vẫn khiến bà buồn vui lẫn lộn.
|
Những ngày qua, bà Mai Thị Tú - mẹ của thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo - lúc nào cũng mong ngày về của con - Ảnh: Tam Nguyên |
Bà mang cái bếp dầu cũ ra lan can, tháo rời từng bộ phận để xem nó hư chỗ nào. 10 ngày qua, bà cứ ra vô, kiếm những chuyện như thế để làm chỉ cốt sao đừng rảnh rang vì cứ rảnh là trông điện thoại từ Thổ Nhĩ Kỳ. “Mấy đêm nay, tui không ngủ được. Nó gọi về báo tin nhưng chỉ nói được đôi ba câu rồi tắt máy. Tui không dám gọi, để nó yên tâm làm nhiệm vụ. Ngày nào, tui cũng canh giờ coi thời sự trên ti vi. Hôm qua thấy nó ngồi gặm bánh mì mà thương” - bà nói.
Bà Tú cho biết, sức khỏe của con trai bà không tốt do cuộc sống khó khăn từ nhỏ. Những năm 1990, vợ chồng bà rời tỉnh Thanh Hóa vào TPHCM lập nghiệp. Khi đó, anh Nguyễn Hữu Đạo ở lại quê, vừa học vừa chăm bà nội. Sau khi bà nội qua đời, anh mới chuyển vào ở cùng cha mẹ, chưa được bao lâu thì có lệnh nhập ngũ. Anh làm nghĩa vụ 2 năm, sau đó tiếp tục học trung cấp rồi được phân công về đội cứu hỏa.
Nhiều lần theo dõi tin tức, thấy con lao vào chỗ hiểm nguy, bà Tú lo lắng rồi tự nhiên hờn lẫy bâng quơ. Bà kể: “Có lúc khuyên nó không được, tui giận lẫy. Nhưng giận lẫy với nó không xong đâu, nó cũng đi à. Dù sao, nó cũng làm những việc có ích nên giờ tui chỉ biết dặn nó có đi đâu, làm gì cũng phải cố gắng giữ gìn sức khỏe. Nói thì nói vậy chứ nó có bao giờ nghe mình đâu”.
Khác với những biểu hiện của mẹ chồng, niềm vui và tự hào hiện rõ trên nét mặt của chị Hoàng Thị Hạ. Chị dự tính, tối 19/2, chị sẽ đưa con theo lãnh đạo PC07 ra sân bay Tân Sơn Nhất đón chồng. Chị kể, hơn 12g trưa ngày 9/2, chị nhận điện thoại của thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo: “Mẹ chuẩn bị cho ba mấy bộ đồ để ba đi Thổ Nhĩ Kỳ”. Chồng cúp máy, chị gấp vội mấy bộ đồ, lật đật đưa con đi học để kịp ghé tiệm thuốc tây mua mấy liều thuốc bỏ vào túi đồ cho chồng. 14g, chồng chị về đến nhà thì xách đồ đi luôn, không kịp ăn uống gì.
Chị Hạ chỉ kịp nói với chồng một câu: “Con còn nhỏ, ba làm gì cũng nhớ cẩn thận”. Chị cho biết, trong 12 năm qua, không ít lần, chồng nói đi là đi, nhưng lần này, chị có những cảm xúc rất khác, bởi cảnh đổ nát, chết chóc quá sức nặng nề và biết đâu dư chấn động đất vẫn còn, chực chờ người lính cứu hộ, cứu nạn. Chồng chị lại là trinh sát, lúc nào cũng đi trước để tìm phương án cứu hộ, cứu nạn. Nhưng như bao lần trước, chị cố nén chặt lo lắng vào lòng: “Mình cố gắng tỏ ra bình thường để động viên mẹ và để anh không phải bận tâm”.
Nín thở dõi theo tin tức chồng
Trong căn nhà thuê cũ nát trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, 10 ngày qua, chị Phạm Thị Thắm thức, ngủ theo giờ giấc của chồng dù hai bên chênh lệch múi giờ. Chị Thắm là vợ của trung tá Nguyễn Chí Thành - Phó đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ TPHCM.
|
Chị Phạm Thị Thắm - vợ của trung tá Nguyễn Chí Thành - vui mừng khi nghe tin chồng đã hoàn thành nhiệm vụ - Ảnh: Tam Nguyên |
“Hôm bữa, sau khi cứu được bé trai sống sót trong đống đổ nát, anh gọi về, nói “mừng quá, cứu được 1 em bé” rồi tắt máy, tiếp tục làm việc, không cho mình kịp nói câu gì. Anh lúc nào cũng dốc lòng để tìm cái còn trong cái mất” - chị Thắm kể rồi khóc vì thương chồng.
Chị kể, mười mấy năm làm vợ của lính cứu hộ cứu nạn, không ít lần, chị đứng ngồi không yên vì không thể liên lạc được với chồng. Đó là đợt trung tá Nguyễn Chí Thành tham gia tìm kiếm nạn nhân rơi xuống hang sâu 280m ở xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang vào tháng 3/2020.
Trước khi đi, anh nói chỉ ra khảo sát hiện trường nhưng ra đến nơi, anh quyết định chui xuống hang sâu. Ở nhà, chị không rời điện thoại, canh thời gian chồng lên khỏi hang để gọi nhưng điện thoại không có tín hiệu. Sau đó, qua tin tức trên báo chí, truyền hình, chị mới biết chồng mình gần như đối diện với cái chết. Hay trong lần lặn sông cứu nạn trong vụ lật phà Dìn Ký dưới độ sâu 30m, bình dưỡng khí cạn, may là anh vẫn ngoi được lên mặt sông Sài Gòn.
Nín thở dõi theo tin tức của chồng và nhìn 2 đứa con thơ mong ngóng khi chưa thấy cha về, không ít lần, chị Thắm bất an, mong anh bỏ nghề. Chị bộc bạch: “Mỗi lần như vậy, anh đều nói công việc cứu hộ rất ý nghĩa, anh sẽ theo đến khi nào không còn làm được nữa mới thôi. Tôi tôn trọng và cố gắng luyện cho mình tâm lý mạnh mẽ, kiên cường để chấp nhận công việc của chồng”.
|
Đôi lúc hờn lẫy về việc con chọn làm nghề cực nhọc, nguy hiểm nhưng bà Mai Thị Tú - mẹ của thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo - vẫn tự hào về công việc đầy ý nghĩa của con trai (trong ảnh: Bà Mai Thị Tú khoe tấm ảnh chụp con trai trong một lần làm công tác chữa cháy) - Ảnh: Thu Lê |
Chị quyết định ở nhà chăm sóc, đưa đón con học hành để chồng chuyên tâm làm nhiệm vụ. Do vậy, cuộc sống của gia đình anh chị còn nhiều khó khăn bởi đồng lương lính cứu hộ khá khiêm tốn. “Nhà chẳng có gì ngoài bằng khen và huy chương” - chị cười khi chỉ tay vào 4 bức tường loang lổ màu vôi cũ. Đồng nghiệp của trung tá Thành tiết lộ, mấy năm trước, thấy điều kiện sống của anh khó khăn, đơn vị định hỗ trợ tiền xây nhà cho anh nhưng anh lại chưa có đất.
Điều kiện sống còn eo hẹp nhưng chị Thắm khẳng định, chị mãn nguyện với cuộc sống hiện tại bởi chồng mạnh khỏe, 2 con học hành đàng hoàng. Sau nhiều năm được cha huấn luyện, 2 con gái của anh chị nay đã thành vận động viên bơi lội chuyên nghiệp. Những ngày cuối tuần, nhìn chồng bơi lội cùng con, chị thấy lòng bình yên.
Chia sẻ của chị Thắm khiến tôi nhớ đến lời bộc bạch của trung tá Nguyễn Chí Thành cách đây 2 năm trong buổi lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức: “Với người lính cứu hộ, để trụ được với nghề, trước hết phải có lòng yêu thương con người, lòng dũng cảm, gan dạ, bản lĩnh để đối diện mọi khó khăn. Thêm một động lực lớn nữa giúp tôi vượt qua những khó khăn trong nhiệm vụ là tình cảm từ phía gia đình, đặc biệt là cha mẹ, vợ con. Họ luôn ủng hộ công việc mà tôi đang làm”.
|
Đại tá Huỳnh Quang Tâm (thứ hai từ trái sang) - Trưởng phòng PC07, Công an TPHCM - đến thăm và tặng quà cho gia đình thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo - Ảnh: Tam Nguyên |
5 chiến sĩ thuộc PC07 Công an TPHCM tham gia cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ gồm trung tá Nguyễn Chí Thành - Phó đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ TPHCM, thiếu tá Nguyễn Hữu Đạo (Đội Chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực 1), đại úy Nguyễn Trường Nam, thượng úy Nguyễn Văn Trung và thượng úy Nguyễn Nhật Phương đều thuộc Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. |
Tặng quà, cảm ơn gia đình 5 chiến sĩ Ngày 18/2, lãnh đạo PC07 Công an TPHCM đã đến thăm, tặng quà cho 5 gia đình có cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đại tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng phòng PC07 - ghi nhận, cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của gia đình để các cán bộ, chiến sĩ có thêm động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông thông tin: “Đây là nhiệm vụ cứu nạn quốc tế ở một quốc gia xa xôi, có địa hình nguy hiểm, nên phải chọn các chiến sĩ có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là những người đã có kinh nghiệm tham gia nhiều cuộc giải cứu nguy hiểm trong nước. Đoàn đã tìm được 14 thi thể và cứu sống được 1 em nhỏ 14 tuổi. Đoàn công tác đã được nước bạn đánh giá cao bởi tính chuyên nghiệp và sự nhiệt tình”. Chiều 19/2, đoàn cán bộ làm công tác cứu hộ, cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ về đến Việt Nam. Trong đó, 5 người thuộc PC07 Công an TPHCM về tới sân bay Tân Sơn Nhất lúc 20g. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng - Phó giám đốc Công an TPHCM - đã dẫn đầu đoàn ra sân bay đón tổ công tác. |
Thu Lê