Hầu như không có bệnh nhân nào hồi phục hoàn toàn sau khi nhiễm COVID-19

17/08/2022 - 13:11

PNO - Một số nghiên cứu đã phát hiện những dấu hiệu bất thường trong thành phần máu của các bệnh nhân bị các triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài.

 những người chưa được tiêm ngừa COVID-19 nếu mắc căn bệnh này sẽ có nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch cao hơn đáng kể
Những người chưa được tiêm ngừa COVID-19 nếu mắc căn bệnh này sẽ có nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch cao hơn đáng kể

Nghiên cứu mới, được đăng dưới dạng bản thảo vào đầu tháng Tám, có quy mô mẫu khá nhỏ gồm 99 người có triệu chứng COVID-19 kéo dài.

Hầu hết bệnh nhân đều trải qua sự mệt mỏi, bị sương mù não và các triệu chứng khác, đồng thời có hàm lượng cortisol (một loại hormone căng thẳng giúp cơ thể kiểm soát tình trạng viêm, hàm lượng glucose, chu kỳ ngủ…) ở mức thấp. 

Số lượng tế bào T (một loại bạch cầu thuộc dòng tế bào lympho, có nguồn gốc từ tế bào gốc tạo máu tủy xương và phát triển ở tuyến ức, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể) cũng sụt giảm mạnh, cho thấy hệ thống miễn dịch của các bệnh nhân đang phải “chiến đấu” chống lại “những kẻ xâm nhập không xác định”. 

Các nhà nghiên cứu cho biết, đó có thể là các ổ chứa virus SARS-CoV-2 hoặc các mầm bệnh đang “sống lại” của virus Epstein-Barr (còn gọi là EBV, 1 trong 8 loại virus trong nhóm Herpes và là một trong những loại virus phổ biến nhất ở người).

Một số nghiên cứu khác về bệnh nhân hậu COVID-19 cũng đã ghi nhận những phát hiện tương tự trong năm nay. Cụ thể, những người có các vấn đề về hô hấp kéo dài do COVID-19 thường có hàm lượng cortisol thấp, những bệnh nhân có vấn đề về thần kinh thì các mầm bệnh như EBV thường hoạt động trở lại. 

Dự án nghiên cứu các triệu chứng COVID-19 kéo dài (dự án Long Covid) được bắt đầu vào cuối năm 2020, do nhà miễn dịch học Akiko Iwasaki (Đại học Yale) phối hợp với David Putrino (một nhà sinh lý học thần kinh tại Trường y Icahn thuộc hệ thống bệnh viện Mount Sinai, New York, Mỹ) phối hợp thực hiện.

“Chúng tôi gần như không tìm thấy bệnh nhân nào hồi phục hoàn toàn sau khi bị nhiễm COVID-19. Nhiều tình nguyện viên sau cho biết mình vẫn khỏe mạnh sau khi bị bệnh, nhưng sau đó họ lại thừa nhận không thể thực hiện các bài tập thể dục bình thường như trước”, Pitrino chia sẻ.

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã so sánh 39 tình nguyện viên đã bị nhiễm COVID-19 và hồi phục với 116 người đối chứng.

Kết quả cho thấy, bệnh nhân trải qua các triệu chứng COVID-19 kéo dài có hàm lượng cortisol khá thấp, chỉ bằng khoảng một nửa mức bình thường. Các mẫu máu của những bệnh nhân này cũng bị suy giảm tế bào T. “Cơ thể của họ đang phải tích cực chống lại một thứ gì đó. Và “trận chiến” này sẽ khiến cho bệnh nhân mắc chứng viêm mãn tính”, Putrino giải thích.

Qua phân tích, các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận sự hoạt động trở lại của virus Epstein-Barr và các loại virus Herpes khác. 

Putrino và Iwasaki cho rằng cần phải thực hiện thử nghiệm các liệu pháp điều trị mới cho các triệu chứng COVID-19 kéo dài, dựa trên những phát hiện này. Một số phương pháp điều trị mà họ khuyến nghị bao gồm: bổ sung cortisol; liệu pháp nhắm vào virus Epstein-Barr; sử dụng thuốc kháng virus Paxlovid, vốn đang được kê đơn cho bệnh nhân COVID-19 cấp tính.

Một nghiên cứu mới khác cho thấy những người chưa được tiêm ngừa COVID-19 nếu mắc căn bệnh này sẽ có nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch cao hơn đáng kể, và có thể kéo dài đến 1 năm sau khi nhiễm bệnh.

Các biến chứng tim mạch kéo dài bao gồm đột quỵ, loạn nhịp tim, bệnh viêm tim, thiếu máu cục bộ, suy tim, các biến cố huyết khối. Những nguy cơ này gia tăng ở cả nam giới và phụ nữ.

Nghiên cứu được công bố vào giữa tháng Tám trên tạp chí eClinical Medicine. 

“Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các bác sĩ lâm sàng và bệnh nhân chưa được tiêm ngừa bị nhiễm COVID-19 nên chú ý hơn đến sức khỏe tim mạch của họ về lâu dài”, tiến sĩ Weijie Wang (Đại học Y khoa Chiết Giang, Hàng Châu, Trung Quốc), thành viên chính của nhóm nghiên cứu, khuyên.

Nhất Nguyên (theo Science)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI