Vợ chồng Thảo vừa xây được nhà. Sẵn con còn bé, chồng đề nghị đón bố mẹ vào ở cùng cho vui, tiện thể chăm hộ cháu. Ông bà đã vất vả cả đời, nay con cái có chút điều kiện, cũng nên báo hiếu.
Có ông bà, quả nhiên nhà cửa sạch sẽ hơn, vợ chồng đi làm về là có cơm nóng canh sốt chờ sẵn, thức ăn mua hàng ngày, không phải trữ đông hàng tuần như trước, thực đơn cũng phong phú hơn. Càng sướng nữa là hôm nào về muộn, chỉ cần alô cho bố mẹ là yên tâm.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Ở chưa được tuần lễ, ông bà bảo: “Nhà chúng mày to thế ở sao hết, trong khi chị Liên (là chị ruột của chồng) phải ở nhà thuê, con gửi nhà trẻ. Bảo chúng nó về đây, tiện thể bà trông đám trẻ luôn. Cháu nào cũng là cháu mà đứa chăm đứa bỏ, chị gái anh rể tủi thân!”.
Bà đã nói vậy, chồng Thảo đâu dám từ chối. Vậy là vợ chồng chị dọn đến ở. Nhà có gì cũng phải chia đôi. Ngay tủ quần áo trong phòng anh chị vợ chồng Thảo cũng phải mua, với lý do "nhà của vợ chồng mày, chúng nó ở nhờ còn bắt mua sắm, sau này xây nhà có mang đi được đâu".
Cứ thế, mọi thứ đều phải mua thêm, Thảo chỉ biết thở dài. Tiền vay xây nhà còn trả chưa xong, mua sắm gì vợ chồng cũng phải tính toán chán chê. Giờ có thêm anh chị, bố mẹ chồng cứ nghĩ con trai có nhà là có của núi, phải có trách nhiệm sắm sửa cho
anh chị.
Anh rể làm ca, giờ giấc thất thường; chị đi làm xa, về đến nhà là kêu mệt, than ngoại thành đường sá chán ốm, không như thành phố. Con đã giao ông bà đón đưa, chị về là lên phòng tắm rửa rồi lăn ra ngủ. Thảo loay hoay cơm nước một mình, đến bữa còn phải lên đánh thức chị dậy.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Một vài ngày không nói, cả tháng trời chị cứ ca cẩm đúng một bài ấy, như thể mọi người đã có lỗi khi “bứng” chị từ nội thành ra ngoại thành xa xôi. Thảo nín nhịn, chỉ nhẹ nhàng: “Chị đi làm về nghỉ ngơi chút rồi phụ em cơm nước”. Chị chồng thản nhiên: “Tôi khẩu vị khác, nấu ra mất công bị chê!”. Thảo lại bảo: “Không thì chị phụ nhặt rau cỏ, em còn bận cho thằng bé ăn. Ông bà trông cháu cả ngày cũng mệt rồi”.
Chị chồng tức thì ngoe nguẩy: “Phải mà, phải chăm cháu đích tôn chứ. Phận ở nhờ sao dám cãi chủ nhà! Từ mai tôi đi làm về, cần sai phái gì cứ việc, tôi sẽ không dám cãi lời!”. Thảo tức phát khóc, nói chồng thì chồng bảo thôi nhịn một tí cho yên nhà. Thảo bực. Nhịn là nhịn thế nào?
Nhà mình mà đi làm về phải cắm đầu vào bếp phục vụ một đống người. Ông thì không nói làm gì, bà thì trông đám trẻ cả ngày đã mệt, đâu dám để bà phải lo bữa tối cho đại gia đình. Vì thế, về đến nhà, chưa kịp thay quần áo, Thảo đã cắm mặt vào bếp cho đến hơn bảy giờ mới xong.
Nhà sáu người lớn, bốn đứa trẻ mà mình Thảo lau dọn, nấu nướng. Vợ chồng chị chồng cứ như khách trọ “có cơm đánh bát, có hát nghe nhờ”, không phụ lau dọn nhà cửa đã đành, quần áo có máy giặt rồi cũng không phơi, khô cũng không buồn gấp. Hai đứa con lấy bút màu vẽ đầy tường, Thảo nhắc thì bị nói mát nói mẻ, còn đâm thọc với bà.
Mẹ chồng lại ngọt nhạt nói Thảo, cô đành nín nhịn cho qua. Thảo biết mình là dâu, dù mẹ chồng có quý đến mấy cũng không bằng con ruột. Chị chồng nói gì, bà không cần hỏi lại, mặc nhiên xem là Thảo có lỗi, cần phải chỉ bảo uốn nắn cho vừa với “nếp nhà này”. Thảo đâm ra thành khách trong chính nhà mình, phải đi nhẹ nói khẽ cười duyên, không được phản kháng hay ý kiến.
Bố mẹ chồng ở quê có cái quán bé tí bán dăm ba thứ lặt vặt cho trẻ con trong xóm, kiểu bán buôn cho có việc để làm. Nay đóng cửa đi bế cháu, hàng tháng Thảo đưa ông bà bốn triệu, nạp thẻ điện thoại, xăng đổ đầy bình. Mỗi tháng, vợ chồng chị chồng đưa hai triệu, coi như phụ tiền ăn, còn bảo “anh rể làm ca bữa ăn bữa không!”.
Cơm không nấu đã đành, đến bữa còn chê canh nhạt cá mặn. Lại còn chê ngoại thành không có nước máy, xài nước giếng vàng hết quần áo… Chiều nay, thằng con chị chồng bị trượt ngã trong nhà tắm, khóc váng lên.
Chị chồng xót con, quay ra oán Thảo để nhà tắm trơn ướt làm thằng bé ngã sưng tướng đầu, không khéo chấn thương sọ não. Chồng Thảo nổi nóng quát: Không thích thì vợ chồng chị chuyển đi đi, ngày nào cũng càm ràm không chán à?
Chị chồng sững người, bố mẹ chồng tái mặt. Thảo xuống bếp nấu cơm còn nghe trên nhà nói gì đó. Khả năng của anh chị không phải không thể ra riêng, chỉ tại bố mẹ thương con nên muốn ôm đồm. Thật tình, Thảo cũng không biết mình có thể nhịn chịu được bao lâu nữa. May mà chồng Thảo đã lên tiếng. Có thể anh chị không dọn đi, nhưng ít ra cũng biết ý tứ hơn để trong nhà yên ổn.
Thái Phan