Hậu ly hôn không một lời nói xấu nhau

12/06/2023 - 06:27

PNO - Anh rất ghét ai nói xấu vợ cũ. Anh luôn xây dựng cho con hình ảnh đẹp về mẹ. Bé Đ. không hề có cảm giác bị mẹ bỏ rơi.

Trước đây, tôi hơi e dè khi cho con chơi với những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn hoặc mẹ đơn thân. Đó là vì tôi sợ vợ chồng đổ vỡ hay nói xấu nhau, nhồi nhét vào đầu con trẻ những điều tệ hại của đối phương để kiếm đồng minh và cho hả giận. Họ không biết rằng mình đang nhuốm đen tâm hồn trong sáng của các con, làm đứa trẻ nhìn cuộc sống bằng màu u tối thông qua nhân sinh quan của bố mẹ.

Thế nhưng tôi đã lầm, vẫn còn đó những cặp vợ chồng dù chia tay họ vẫn kìm nén được cái tôi vị kỷ, luôn nói tốt về nhau trước mặt con cái. Có lẽ vì họ vẫn còn dành cho nhau chút trân trọng sau quãng thời gian từng chung chăn xẻ gối. Hoặc đơn giản, họ đang bảo vệ con cái mình, không để chúng bị tổn thương bởi sai lầm của người lớn.

Đâu phải cặp vợ chồng nào cũng nắm tay nhau được tới cuối con đường hạnh phúc. Khi chia tay, mấy người vẫn còn dành cho nhau sự trân trọng? (ảnh minh hoạ)
Đâu phải cặp vợ chồng nào cũng nắm tay nhau được tới cuối con đường hạnh phúc? (ảnh minh hoạ)

Trường hợp của anh đồng nghiệp tôi là một trong những cặp đôi như thế. Anh P. và chị Q. cưới nhau năm 1993. Tôi vẫn nhớ hồi ấy, rất đông anh em trong cơ quan đi dự lễ thành hôn của hai anh chị. Anh P. khi ấy 32 tuổi, hơn chị Q. tận 8 tuổi. Ai cũng mừng thay cho anh lấy được vợ trẻ và xinh.

Vì anh là kỹ sư công trình nên hay phải công tác xa nhà. Chị vợ bỗng dưng chuyển việc qua làm kế toán cho một công ty nước ngoài. Anh chị có một bé trai tên là Đ., khi bé 3 tuổi thì tất cả bạn bè bất ngờ nghe tin anh chị ra toà ly hôn.

Anh P. nuôi con, vẫn ở căn nhà cũ. Theo như chúng tôi biết, căn nhà này do anh tự mua được từ trước khi lập gia đình. Chị vợ chỉ sau 1 đêm, công khai trở thành vợ bé của ông sếp nước ngoài tại công ty mới.

Đến thăm cha con anh P., chứng kiến cảnh gà trống nuôi con ai cũng xót lòng. Đ. không chịu ăn, cứ khóc đòi mẹ. Mỗi lần đi công tác, anh gửi con ở nhà đồng nghiệp. Nhìn hoàn cảnh của cha con anh chúng tôi đều ái ngại.

Vậy mà tuyệt nhiên, chưa một lần nào anh P. nói xấu vợ cũ. Mãi vài năm sau, khi trở nên thân thiết, trong một lần anh em chúng tôi ngồi uống rượu, một người buột miệng hỏi về lý do anh và chị Q. ly hôn. Lúc này, anh P. trầm ngâm, lặng thinh rõ lâu.

Tưởng anh sẽ trách móc người vợ, nào ngờ anh nói: “Cô ấy bỏ đi vì lỗi của mình. Mình đi làm xa nhà suốt, không chăm lo cho mẹ con cô ấy chu đáo. Cô ấy không hạnh phúc khi ở với mình. Mình có níu kéo nhưng cô ấy hết tình cảm rồi, không giữ được”. 

Sau đó, anh P. kể rằng, tuy ly hôn nhưng cô ấy vẫn rất thương, trách nhiệm với con. Cuối tuần, anh P. và chị Q. vẫn cùng nhau đưa con đi chơi. Sinh nhật nào của thằng bé chị cũng tới. Thậm chí, nhà cửa bố con anh bừa bộn, chị tới thăm vẫn xắn tay dọn dẹp. Anh P. bảo anh chị không hề ghét nhau, chỉ tiếc là duyên vợ chồng tới đó thôi. Anh mong chị ấy sẽ được thương yêu, hạnh phúc hơn khi ở với mình.

Cha con anh P. rất ghét ai nói xấu chị Q.. Anh luôn xây dựng cho con hình ảnh đẹp về mẹ. Bé Đ. không hề cảm thấy mình bị mẹ bỏ rơi.

Đ. chưa từng thấy mình bị bỏ rơi dù cha mẹ ly hôn (ảnh minh hoạ)
Đ. chưa từng thấy mình bị bỏ rơi dù cha mẹ ly hôn (ảnh minh hoạ)

Cách đây 2 tháng, anh P. phát bệnh ung thư dạ dày. Lúc này, chị Q. tới lui thăm nom, thuê người chăm sóc anh ở bệnh viện. Bé Đ. kể với tôi rằng mẹ cháu có 2 người con với chồng sau. Ba cháu luôn nói 3 đứa là anh em, dù không cùng cha nhưng chung một mẹ, đừng ghét nhau. 3 anh em cháu thân với nhau, hôm vừa rồi 2 đứa em mới vào viện thăm cha cháu.

Lần gặp chị Q. ở bệnh viện, chúng tôi đã ra quán cà phê ngồi. Sau vài câu hỏi thăm xã giao, chị biết gia đình tôi chơi thân với anh P., hồi bé Đ, còn nhỏ, anh đi công tác nên hay gửi con cho vợ chồng tôi, chị Q. tỏ ra thân thiện.

Chị nói: “Anh ấy là người tốt, cha tốt. Ly hôn là lỗi tại chị. Có lẽ do bọn chị duyên số tới đó thôi”.

Chị kể, lúc chia tay, anh P. bảo chị và con giữ lấy căn nhà, nhưng chị không đồng ý. Nhà là tài sản anh làm ra từ trước khi cưới, chị không muốn giành giật tài sản của anh. 

Bé Đ. lớn lên trong gia đình cha mẹ ly hôn, nhưng được nuôi dưỡng trong sự bao dung, bản lĩnh của người cha và sự tử tế của người mẹ. Cậu bé nói với tôi: “Cha con dặn sau này lấy vợ, phải dành nhiều thời gian cho gia đình, đừng như cha, tối ngày công tác rồi ăn nhậu. Cha nói mẹ từng chịu thiệt thòi nhiều”.

Anh P. mới mất cách đây vài ngày, đám tang của anh có cả vợ cũ, 2 đứa con riêng của chị. Quanh chúng ta, mấy ai ly hôn còn giữ cho nhau được sự trân trọng, hành xử đẹp đẽ như thế? 

Phạm Bình

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI