Hậu ly hôn: khi phụ huynh… ngoảnh mặt

09/04/2019 - 01:00

PNO - Vợ chồng ly hôn, con do một người trực tiếp nuôi dưỡng, người kia có trách nhiệm trợ cấp kinh tế. Vượt trên cả quy định pháp luật, việc thăm nom, cấp dưỡng nuôi con còn là đạo lý, tình thâm của người làm cha mẹ. Thế nhưng...

Mẹ chẳng buồn thăm con 

Trong phiên xử ly hôn cách đây ba năm, vợ chẳng buồn “giành giật”, anh Tuyên (*) được Tòa án nhân dân Q.1 trao cho quyền trực tiếp nuôi con. Chị Hằng, vợ anh kháng cáo, không phải để giành quyền nuôi con mà vì căn nhà chung không được chia theo tỷ lệ mong muốn. Cuối năm 2018, cấp phúc thẩm Tòa án nhân dân TP.HCM sửa một phần bản án liên quan đến tranh chấp tài sản, quyền nuôi con vẫn thuộc về anh Tuyên. Ở yêu cầu hỗ trợ nuôi con, người đàn ông ấy không làm khó vợ: “Tôi chỉ đề nghị vợ cấp dưỡng mỗi tháng 100.000 đồng”. 

Hau ly hon: khi phu huynh… ngoanh mat

Kết hôn năm 2010, anh Tuyên - chị Hằng sinh con gái năm 2011. Sau 5 năm chung sống, cả hai nảy sinh nhiều bất đồng nên chị Hằng gửi đơn xin ly hôn. Thuyết phục vợ không thành, cha mẹ lại già yếu, anh Tuyên đưa con về sống với ông bà ở Q.5; giúp quản lý hai khách sạn gia đình. Chị Hằng ở lại căn nhà chung tạo lập trong quá trình hôn nhân, mở spa kinh doanh. Anh Tuyên cho biết, gần hai năm kể từ lúc ly thân cho đến ngày tòa mở phiên sơ thẩm, số lần vợ đến thăm con đếm trên đầu ngón tay. Tưởng vợ bận, nhưng trong ngày xét xử, anh Tuyên phát hiện bụng vợ đã… lùm lùm. “Đó là câu trả lời cho những lần con hỏi: sao lâu rồi không thấy mẹ sang thăm, hay lắm khi con bé gọi mà mẹ không nghe máy” - anh Tuyên cay đắng. 

Sau phiên sơ thẩm, chị Hằng càng… bặt tăm. Theo anh Tuyên, quãng ấy, anh không còn đối diện bao câu hỏi “khó nhằn” của con, như “mẹ đâu?”, “mẹ có em bé à ba?”, “sao con không được gặp em bé”… Anh xót xa hơn khi nghe con gái buồn buồn, kể bạn A. có mẹ đón đưa, chiếc cặp màu hồng của bạn B. do mẹ mua… Trong cả hai phiên xử, anh Tuyên đều yêu cầu vợ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 100.000 đồng; nhưng trong phiên phúc thẩm, anh quyết liệt: “Tôi chẳng cần tiền, tôi chỉ muốn cô ấy thực hiện trách nhiệm người mẹ”.

Sự ràng buộc để mỗi tháng, chị Hằng mang đến 100.000 đồng trợ cấp, anh Tuyên hy vọng, sẽ là dịp con gái được gặp mẹ, để gợi dậy mối thâm tình cốt nhục đã lạnh lẽo nơi vợ cũ với con mình. Tiếc thay, mong mỏi của anh đã trở nên vô nghĩa. Sau nửa năm kể từ phiên phúc thẩm, anh kể: “Tòa xử hôm trước, hôm sau cô ấy nhắn cho tôi: cần tôi chuyển một lần 10 năm nuôi con không? Tôi còn biết làm gì”.

Hau ly hon: khi phu huynh… ngoanh mat
 

Cha biền biệt vui duyên mới

Gửi đơn đến Báo Phụ Nữ TP.HCM, chị Lam (Q.Tân Phú) khổ sở cho hay, ngày ly hôn, chồng chị đồng ý mức cấp dưỡng nuôi con 3 triệu đồng/tháng. Suốt nửa năm sau đó, anh Quân - chồng chị - đều đặn tới thăm con, thực hiện nghĩa vụ trợ cấp. Nhưng một năm rưỡi tiếp theo, viện cớ công việc khó khăn, anh không còn đưa tiền, việc thăm viếng cũng thưa dần. Nhiều lần nhắn tin, gọi điện, chị Lam bị phản pháo: “cô đẻ thì tự nuôi đi”. Chị Lam tìm hiểu, phát hiện chồng cũ đã lập gia đình, chuyển về TP.Vũng Tàu sinh sống. Hiện tại, chị đang gửi đơn đến cơ quan thi hành án yêu cầu chồng thực hiện nghĩa vụ; song song, chị khởi kiện ra tòa nhờ xem xét cưỡng chế thi hành án đối với anh Quân.

Hau ly hon: khi phu huynh… ngoanh mat
 

Trong mỗi phiên xử, mức cấp dưỡng nuôi con được tòa tuyên thường dựa trên thu nhập của người trợ cấp. Nhiều trường hợp, người có quyền trực tiếp nuôi con được khuyên thay vì nhận trợ cấp mỗi tháng, chuyển sang đề nghị đối phương “thanh toán” một hoặc vài kỳ cho đến khi con 18 tuổi. Một thẩm phán chia sẻ: “Không nhiều người có khả năng cấp dưỡng luôn một lần, song, tôi vẫn thường khuyên nếu có thể thì nên “tất toán” luôn cho vợ/chồng đang trực tiếp nuôi con. Việc này phòng tránh không ít rủi ro sau đó”. 

Thực tế, bản án sờ sờ nhưng người thi hành có tuân thủ hay không còn tùy thuộc nhiều yếu tố. Quyền lợi của đứa trẻ, trách nhiệm của bậc sinh thành - cụ thể hóa bằng bản án, quy định của pháp luật - lắm khi vẫn bị gạt ra do sự đánh đồng với cảm xúc yêu ghét trong “thì hiện tại”.

Sự vi phạm nghĩa vụ này của người làm cha mẹ - chưa nói ảnh hưởng đến cuộc sống con cái ra sao, hay vi phạm pháp luật (điều 186 Bộ luật Hình sự ở tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, có mức phạt lên đến hai năm tù giam) thế nào; thì đạo lý, bổn phận của đấng sinh thành cũng không cho phép họ hành xử "cạn tàu ráo máng" như vậy. 

(*): Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.

 
 

TUYẾT DÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI