Hậu ly hôn đừng nói lời cay đắng

05/11/2024 - 12:20

PNO - Hậu ly hôn, nhiều người “hạ bệ” hình ảnh chồng cũ/ vợ cũ trong lòng con cái bằng lời lẽ rất khó nghe...

Con trẻ chịu ảnh hưởng tâm lý nhiều sau khi ba mẹ chia tay. (ảnh minh họa)
Con trẻ chịu ảnh hưởng nặng nề khi cha mẹ chia tay (Ảnh minh họa)

Anh H.T. (Châu Thành, Tiền Giang) cho biết anh và vợ chia tay khi các con đang học cấp III. Lúc chị đề nghị chia tay, anh sợ việc này ảnh hưởng đến tâm lý và việc học của con. Lần lữa mãi, anh quyết định ngồi nói chuyện với các con trên tinh thần tôn trọng ý kiến trẻ.

Con gái anh nói: “Nếu ba mẹ đã không còn yêu thương nhau nữa thì chia tay. Tụi con vẫn là con của ba mẹ”.

Anh nhói lòng. Đứa con gái ngày thường ít nói và chỉ lặng im mỗi lần ba mẹ cãi vã, khi nói câu ấy, nước mắt con không rơi mà chỉ đượm buồn.

Sau ý kiến của con, anh và vợ ra tòa. Anh dọn ra ở riêng, thường xuyên gọi thăm hỏi hay gặp riêng các con. Nhưng vợ anh luôn dùng lời lẽ nặng nề chì chiết về anh khi con cái hay người thân đề cập tới, nào là “ba nó theo gái”, "hắn ta không có tư cách"…

May mắn rằng con gái anh hiểu chuyện. Cháu hay tâm sự và an ủi, mong ba cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn và hứa sẽ khuyên mẹ bình tĩnh để không xúc phạm ba.

Anh nói: “Sau thời gian chia tay, tôi mới chiêm nghiệm đúng sai. Chuyện hơn thua được mất với vợ không quan trọng nữa. Tuổi của tôi không còn nhỏ để làm lại từ đầu. Các con đã giúp tôi nghĩ tích cực hơn, chu toàn cho cuộc sống ở quãng đời sau này”.

Thu Nhung (32 tuổi, ở Long An) làm mẹ đơn thân đã 4 năm. Cậu con 4 tuổi, thường theo mẹ đi làm công việc dựng rạp đám cưới. Bé lanh lợi, vui tính thật đáng yêu. Khi hỏi về ba của bé, chị Nhung cho biết: "Từ lúc sinh bé, ba và cả nhà nội không ai đoái hoài. Ông bà ngoại chăm sóc từ khi thằng bé đỏ hỏn tới bây giờ. Đã thế, nhà nội còn dè bỉu rằng, đẻ hoang thì tự nuôi... Ba bé cũng buông lời nhẹ tênh: "Nếu con tôi thì ẵm nó về đây tôi nuôi, còn trốn tránh như vậy thì chắc gì là máu mủ nhà này…"".

Chị chia sẻ, cha mẹ chị có thời gian suy sụp vì điều tiếng từ xóm giềng, nhưng khi đứa cháu kháu khỉnh ra đời, ông bà đã dần quên chuyện thị phi. Chị Nhung cũng nguôi ngoai chuyện cũ, tập trung lo làm ăn và nuôi con nên người. Tiếng cười, giọng nói bi bô của con khiến chị quên đi sầu muộn.

“Làm mẹ đơn thân vất vả, nhưng sự hỗ trợ của ông bà ngoại khiến mình tự tin hơn. Tình thương của con là động lực giúp mình vượt lên tủi hờn ngày trước” - chị Nhung nói.

“Thương nhau cau sáu bổ ba. Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”, vì lẽ đó mà nhiều cặp đôi sau khi chia tay không còn tình mà nghĩa cũng cạn.
“Thương nhau cau sáu bổ ba. Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”, vì lẽ đó mà nhiều cặp đôi sau khi chia tay không còn tình mà nghĩa cũng cạn (Ảnh minh họa)

Nước mắt chan cơm mỗi tối lại là trường hợp của chị Khánh Linh (Bình Chánh, TPHCM). Chồng cũ của chị Linh theo dõi vợ cũ sát sao, dù họ đã ly hôn. Con gái vào lớp Hai anh mới chu cấp, nhưng anh thường mua đồ sẵn chứ không đưa tiền vì sợ chị “nuôi trai”. 5 năm một mình nuôi con, lương công nhân thấp nên chị phải gói ghém nào tiền học, tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt… Tính chất công việc của chị đi sớm về muộn nên phải gửi con ngoài giờ, tốn thêm một khoản tiền. Nay con 8 tuổi, ba của bé mới để mắt tới con một chút mà đã tỏ thái độ coi thường chị.

Chị Linh nói thêm, không còn yêu thương thì mỗi người chọn lối đi riêng, nhưng chồng cũ khiến chị mệt mỏi, áp lực. Mỗi lần vào công ty, chị lại bị chồng cũ kiểm soát, lâu lâu anh nhắn tin: “Nhắn tin với thằng nào mà lúc nào cũng cầm điện thoại?”, “Nói chuyện với trai là hớn hở”...

“Thương nhau cau sáu bổ ba. Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”, vì lẽ đó mà nhiều cặp đôi sau khi chia tay không còn tình mà nghĩa cũng cạn. Ngoài những người làm bạn, chăm sóc con trong văn minh, những tủn mủn của cuộc sống vật chất, của lòng đố kỵ... đã khiến không ít người đối xử với nhau hậu ly hôn theo kiểu "cạn tàu ráo máng".

Tâm Huỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI