Tôi còn nhớ những ngày cuối cùng chồng cũ ở nhà mình trước khi dọn đi. Khi ấy, chúng tôi đã thỏa thuận ly hôn nhưng chưa xong thủ tục và anh ấy còn nán lại nhà vài ngày, trong thời gian chờ thuê nhà mới.
Chúng tôi ngủ riêng, tôi ngủ trên phòng, còn anh ngủ sofa ở phòng khách dưới đất. Con gái, khi ấy 5 tuổi, ngủ với mẹ, nhưng hay chạy xuống chơi với bố, gọi mãi chẳng chịu lên.
Có một đêm tôi gọi con lên ngủ, con vừa bước lên cầu thang vừa tấm tức khóc: “Mai mốt bố còn dọn đi luôn nữa chứ!”.
Hình ảnh buồn bã của con đêm đó, đến giờ đã sau nhiều năm, tôi vẫn không sao quên được, tôi nhớ cả màu áo con mặc, mái tóc con cột thế nào…
Khoảnh khắc ấy đã cứa vào lòng tôi một nỗi đau sâu sắc đến mức không thể nào lãng quên.
|
Việc sống với bố hay mẹ sau khi gia đình tan vỡ luôn khiến trẻ giằng xé. Ảnh minh họa. |
Có lẽ với bất kỳ đứa trẻ nào, việc chọn ở giữa bố và mẹ luôn là một lựa chọn đầy khó khăn và nhiều nước mắt. Nên thường, bố mẹ chúng sẽ chọn thay, tùy họ thấy đứa trẻ ở với ai sẽ tốt hơn. Phần lớn các đứa trẻ hậu ly hôn sẽ được giao cho mẹ vì mẹ được mặc định là sẽ chịu thương chịu khó, hết lòng vì con.
Tôi có chị bạn, sau ly hôn một mình ôm hai con gái sang Canada theo dạng công nhân kỹ thuật cao, một mình vừa đi làm vừa chăm sóc hai con nhỏ. Sau ba năm, chị đã ổn định cuộc sống nơi xứ người, hai con gái phát triển khỏe mạnh, học hành giỏi giang, ai nhìn vào cũng phải ngưỡng mộ.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là các ông bố không thể nuôi con giỏi, như trường hợp anh chị họ tôi. Anh rể tôi kiên quyết giành quyền nuôi con và chỉ ly hôn khi được nuôi con. Ban đầu, chị tôi cũng co kéo và đấu tranh, nhưng dần buông xuôi và chấp thuận.
Cháu gái tôi ở với bố, được chăm sóc đàng hoàng từ miếng ăn, giấc ngủ và nay đã vào đại học. Không ai nói ra nhưng gia đình tôi luôn ngầm hiểu cháu ở với bố sẽ tốt hơn, vì chị tôi tuy tốt tính nhưng thích tiệc tùng, sẽ khó có thể chăm sóc con tốt như anh rể.
|
Bố và mẹ sẽ phải cân nhắc ai là người phù hợp hơn để nuôi dưỡng con sau ly hôn (Ảnh minh họa) |
Một câu chuyện khác, cô bạn học thời cấp III của tôi đã chủ động từ bỏ quyền nuôi con khi ly hôn, vì cô ôm mộng lấy chồng Tây và sinh sống ở nước ngoài. Vì vậy: “Để cháu nó ở với ông bà nội và ba sẽ tốt hơn cho cả mình và cháu”, bạn tôi lý giải cho quyết định của mình. Và đến nay, con của bạn vẫn đang được phía chồng cũ nuôi dạy rất tốt.
Sẽ không có câu trả lời là đúng hay sai cho bất kỳ trường hợp nào, mà chỉ có phù hợp hay không. Quyết định tốt nhất sẽ là quyết định phù hợp nhất cho cả đứa trẻ và người bố hoặc mẹ trực tiếp nuôi dưỡng con.
Phù hợp ở đây nghĩa là đứa trẻ phải thấy thoải mái và được yêu thương khi ở cùng bố hoặc mẹ mình; đồng thời, người bố hoặc mẹ được lựa chọn ấy phải muốn nuôi con, muốn ở gần con, muốn chăm sóc con và đủ điều kiện kinh tế lẫn thời gian dành cho con.
Ở với bố hay mẹ không quan trọng, mà quan trọng là người bố hoặc mẹ ấy có thật sự muốn và có thể nuôi con hay không, đồng thời phải hòa hợp ở một mức độ nhất định với con mình.
|
Dù ở với bố hay mẹ, sự phát triển lành mạnh của con là điều quan trọng nhất. Ảnh minh họa. |
Vậy nên, các bậc cha mẹ một khi đã đi đến quyết định ly hôn, cần phải cân nhắc thật kỹ về việc con sẽ sống với ai. Nếu muốn nuôi con và kiên quyết giành nuôi con, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ đặt hạnh phúc của con lên trên hạnh phúc của mình và sẽ làm tất cả để con có cuộc sống tốt nhất.
Ngược lại, như cô bạn tôi, nếu xác định rằng mình không thể và cũng không muốn mang con đi theo trên hành trình mới của cuộc đời, hãy dũng cảm để con ở lại cho “đối tác”. Bạn vẫn luôn có thể chu cấp, thăm nom con thường xuyên và can thiệp khi cần, nếu thấy con không ổn. Đừng nên cố gắng ôm con, nếu sức mình không đủ, vất vả cho bạn đã đành mà lại vô cùng thiệt thòi cho trẻ!
Ly hôn thật sự là một bước ngoặt khó khăn nhưng nếu với bạn khó 1 thì với trẻ, khó đến tận 10. Thế nên, hãy chuẩn bị cho cuộc sống hậu ly hôn của con thật thuận lợi và dễ chịu, để những tổn thương được xoa dịu và trẻ có thể phát triển lành mạnh trên hành trình trưởng thành.
Trần Khoa Yêng Hạ
(Q.4, TPHCM)
Hậu ly hôn, để con cho cha nuôi con thì người mẹ là tồi tệ? Đàn ông nuôi con thì con thì chỉ toàn thiếu thốn, buồn tủi? Từ những vụ án giành con hậu ly hôn gần đây, rất nhiều ý kiến cho rằng "mẹ đâu con phải ở đấy", "không thể cho con sống chung với dì ghẻ"... Mời bạn góp các ý kiến, câu chuyện quanh nội dung: "Hậu ly hôn, con có nên ở với cha?". Bài viết xin gửi về email: online@baophunu.org.vn |