Hậu ly hôn đàn ông nuôi con: Chồng quyết liệt giành con rồi giao cho bà nội

31/07/2022 - 17:26

PNO - Ngày ra tòa, anh hùng hổ giành quyền nuôi con. Chị cố gạt nước mắt nhìn con xa mẹ. Vậy mà có ai ngờ…

Ngày ly hôn, chị đã nghĩ anh sẽ chăm bẵm cho con thật tốt (Ảnh minh họa)

Ngày ly hôn, chị đã nghĩ anh sẽ lo cho con thật tốt (Ảnh minh họa)

Hai vợ chồng sống với nhau không nổi nữa, dùng dằng ly thân, thêm một thời gian cố hàn gắn không được, chị cũng phải ra tòa. Xét về nhà cửa, anh có tài sản cha mẹ thừa kế để lại. Xét về công việc, anh ổn định hơn khi là trưởng phòng một công ty tài chính. Xét về các mối quan hệ, anh có thừa những người quen tư vấn luật pháp để hỗ trợ anh làm các thủ tục có quyền nuôi con.

Chị chẳng có gì. Cưới chồng xong, có bao nhiêu vàng bạc chị nghe lời anh bán đi, mua sắm vài thứ linh tinh trong nhà, đầu tư cho anh chiếc xe hơi mới mà theo anh là “lên chức đi cho oách”.

Khi có bầu, anh ngọt ngào nói chị nghỉ công việc tư vấn, ở nhà phụ anh lo chuyện nhà cửa, giữ sức khỏe mà sinh con. Chị bị những lời đường mật đó đánh gục dù trước đó chị cũng là một nhân viên giỏi trên đà thăng tiến. Nghỉ một năm ở nhà, rồi hai năm, ba năm, chị dần dần chỉ biết bỉm, sữa, những bữa ăn cho con và cho cả nhà chồng.

Chị cố chăm bẵm đến khi con tròn tuổi vào lớp mầm thì bàn với anh đem gửi con ở nhà trẻ để chị đi làm. Một mặt, anh đứng ra kiếm trường cho con, mặt khác, anh bảo chị giờ cứ lo ở nhà, đi làm lại vất vả. Thêm nữa anh cũng có ý định muốn sinh bé thứ hai.

Chị lại một lần nữa nghe anh ngọt nhạt, cho tới ngày thấy anh càng lúc càng coi thường vợ. Tình yêu, sự tôn trọng chồng trong chị cứ cạn dần. Đôi lúc nghĩ lại, chị hoài nghi anh ngoại tình, rồi chị vẫn thấy mình may mắn vì không dính bầu ngay thời điểm đó.

Anh bỏ bê gia đình ngày càng nhiều, đi sớm về khuya, say mê chè chén. Chị giận, anh cũng mặc. Đến tận khi chị đòi ly hôn thì anh nói một câu làm chị chết lặng: “Em muốn đi đâu thì đi, con để anh nuôi”.

Chị nhìn đi nhìn lại thấy mình chẳng có gì sau khi bước ra khỏi cuộc hôn nhân này. Nhà cửa không, công việc không, chị càng không có cách nào chứng minh được rằng mình sẽ nuôi con và đảm bảo cho con có điều kiện tốt.

Trong khi đó, anh là người đăng ký cho con theo học một trường tư, học phí cao, mọi thứ ổn định. Nếu giờ để con về quê, phải theo mẹ, phải vào một môi trường mới với quá nhiều đổi thay bỡ ngỡ, chị không đành.

Suy đi tính lại, chị đứt ruột để anh nuôi con. Ngày ký vào tờ giấy thỏa thuận, chị chỉ ước gì trước kia mình sống vững vàng độc lập để đường hoàng giành con ở trước tòa. Còn giờ đây, dù đã cắt đứt tình cảm với chồng, chị vẫn phải nhún nhường anh nhiều điều để có thể được gặp con vào những ngày cuối tuần vội vã.

Thế mà chỉ sau vài tháng, chị biết anh chẳng thèm chăm sóc con như anh nói. Mọi việc anh đẩy hết cho bà nội. Từ cái quần cái áo, cái cặp sách của con, cho đến những bữa ăn, giấc ngủ… Nhiều hôm ghé thăm con, chị thấy con đầu tóc bù xù, chân tay có sẹo, mấy câu nói ngây ngô than thở của con cũng làm chị xót lòng.

Nhìn con luôn lủi thủi một mình, chị càng đau lòng và hối hận (Ảnh minh họa)

Nhìn con luôn lủi thủi một mình, chị càng đau lòng và hối hận (Ảnh minh họa)

Chị từng ngây thơ tin rằng hậu ly hôn, với tiềm lực tài chính tốt, với máu mủ của mình, anh sẽ yêu thương và chăm sóc con tốt hơn chị. Nhưng hóa ra không phải thế. Anh đi rêu rao rằng anh lo hết, thực tế thì anh "thảy con" cho bà nội. Anh vẫn ham vui, say sưa mỗi ngày, có thêm vài ba mối tình chóng vánh đủ bận rộn để quên đứa con bé bỏng ở nhà.

Chị muốn đón con về, nhưng anh làm khó dễ. Rất nhiều đêm nhớ con, được ôm con ngủ cũng là mong muốn cháy lòng chị. Có những ngày chị đi làm quần quật, ráng cống hiến, tăng ca, ráng để có thể tiết kiệm, tạo ra chút tài sản. Tất cả những nỗ lực ấy chỉ là để một ngày gần nhất, chị có thể xin đổi quyền nuôi con tại toà và đón con về.

Hôm nay chị lại quần quật làm, lại nhớ con và đau cái nỗi đau từng tin tưởng chồng lần cuối.

T.Nhi (TP. Thủ Đức)

 

Hậu ly hôn, để con cho cha nuôi con thì người mẹ là tồi tệ? Đàn ông nuôi con thì con thì chỉ toàn thiếu thốn, buồn tủi?

Từ những vụ án giành con hậu ly hôn gần đây, rất nhiều ý kiến cho rằng "mẹ đâu con phải ở đấy", "không thể cho con sống chung với dì ghẻ"...

Mời bạn góp các ý kiến, câu chuyện quanh nội dung: "Hậu ly hôn con có nên ở với cha?". Bài viết xin gửi về email: online@baophunu.org.vn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI