Hậu kiểm quảng cáo thuốc không thể "muốn đăng gì cũng được"

26/06/2024 - 18:41

PNO - Chiều 26/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có phát biểu giải trình, tiếp thu, làm rõ một số vấn đề các ĐBQH nêu về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình, làm rõ ý kiến của ĐBQH tại phiên thảo luận, chiều 26/6
Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình, làm rõ ý kiến của ĐBQH tại phiên thảo luận chiều 26/6

Trước đó, nhiều ĐBQH bày tỏ băn khoăn với quy định cho phép bán thuốc trên sàn thương mại điện tử. Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ, cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, trải qua dịch COVID-19… việc kinh doanh, mua sắm trên internet, giao dịch điện tử ngày càng phổ biến. Để kiểm soát chất lượng thuốc, dự thảo luật cũng quy định, chỉ cho phép các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh theo phương thức truyền thống thì được phép kinh doanh thêm thương mại điện tử.

Trong dự thảo luật cũng chỉ cho phép các thuốc không kê đơn được phép kinh doanh bằng phương thức này.

Tại phiên thảo luận chiều cùng ngày, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho hay, dự thảo luật đề xuất thay đổi cơ chế từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với hoạt động thông tin và quảng cáo thuốc. Các nội dung quảng cáo thuốc không cần yêu cầu phải được Bộ Y tế xác nhận.

ĐBQH lo ngại: "Thực hiện chế độ tiền kiểm mà chúng ta vẫn còn đang vướng, khó quản lý như vậy thì liệu rằng khi chuyển sang chế độ hậu kiểm, chúng ta có thể quản lý được không".

Về vấn đề này, tư lệnh ngành y tế cho hay, đối với thuốc kê đơn không được quảng cáo, đối với thuốc không kê đơn thì được quảng cáo và phải đúng với giấy phép đã được Bộ Y tế cấp đối với sản phẩm đó.

Các nội dung quảng cáo phải đúng theo nội dung Bộ Y tế cấp, bảo đảm theo quy định chứ không phải “muốn đưa nội dung gì lên cũng được”.

Về ô xy y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói, hiện về quan điểm quản lý ô xy y tế có 2 luồng ý kiến. Thứ nhất, coi là trang thiết bị và đề nghị đưa vào Luật Trang thiết bị để xây dựng trong thời gian tới. Thứ hai, coi đây là thuốc đưa vào Luật Dược.

"Chúng tôi đã có báo cáo, giải trình gửi cho các ĐBQH. Tuy nhiên, chúng tôi thấy thế này, chúng ta phải quản lý ô xy y tế phải có sự chỉ định của bác sĩ với liều lượng nhất định. Chúng tôi cũng đề xuất đưa đầu mục ô xy y tế vào luật để mai sau có căn cứ hướng dẫn. Nếu ĐBQH cho rằng, đưa ô xy y tế vào dự án luật không phù hợp thì trong kết luận của Quốc hội cũng cho phép Chính phủ sẽ ban hành một nghị định riêng về quản lý ô xy y tế. Chúng tôi muốn làm sao để minh bạch trong quản lý cũng như triển khai thực hiện nhiệm vụ ô xy y tế” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Giải trình về quản lý giá bán buôn toàn chặng, Bộ trưởng thông tin, vấn đề này cũng đã quy định trong Luật Dược 2016. “Trong thời gian vừa qua thì giá thuốc rất thấp so với CPI hằng năm và Việt Nam được Đông Nam Á đánh giá là nước có giá thuốc tăng thấp nhất. Tiếp thu ý kiến các ĐBQH, chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm và giải trình thêm hoặc bổ sung thêm để làm sao chúng ta đạt được vấn đề quản lý giá theo Luật Giá, tránh việc tăng giá thuốc” - Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI