“Ngày xưa, tôi ôm công việc một mình, giờ thì khác bởi tôi nhận ra rằng phải để cho các bạn cùng nhóm chịu trách nhiệm, xây dựng cùng nhau. Thay vì mình quyết thì tạo điều kiện cho các bạn quyết. Câu đầu tiên tôi hay nói là cứ làm đi, sai tôi sẽ cùng chịu trách nhiệm. Thế là không còn ‘thắt nút cổ chai’, tất cả chờ vào quyết định của tôi như trước nữa”, Nguyễn Duy – CEO của Kova Trading (thành viên của Tập đoàn sơn KOVA) chia sẻ.
Cách lãnh đạo "trẻ"
Gặp gỡ Duy vào một buổi sáng đầu tuần, cứ nghĩ với vị trí CEO, người "kế vị" của một tập đoàn lớn phải chỉnh chu trong bộ vest đen, hoặc ít nhất là chiếc sơ mi trắng đóng thùng lịch lãm.
Nhưng khá ngạc nhiên, khi bước vào khu làm việc chung của bộ phận Sales - Marketing, hơn 40 con người cùng một màu áo thun trắng viền đỏ và Nguyễn Duy - "thuyền trưởng" của Kova Trading cũng một màu áo như nhân viên. Tất cả mọi người ngồi làm việc trong không gian mở, rộng rãi,… tiếng cười nói vui vẻ đã xóa đi không khí căng thẳng thường thấy ở các công ty, tập đoàn lớn.
Chọn học ngành Kinh tế - Tài chính tại Singapore, sau đó học thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Aston Business School (Anh quốc), trở về nước Duy quyết định mở công ty riêng, trực thuộc tập đoàn và bắt đầu thương mại những sản phẩm của gia đình.
Chia sẻ về Kova Trading - "đứa con tinh thần" của Duy khi bước vào kế nghiệp Kova, anh không khỏi tự hào và phấn khích, tuy là dân chuyên sinh Lê Hồng Phong, TP.HCM, từ những ngày đầu đã được gia đình - đặc biệt là người bà của mình PGS.TS Nguyễn Thị Hòe – Chủ tịch tập đoàn sơn KOVA - định hướng gánh vác sứ mệnh kinh doanh của gia đình.
|
Nguyễn Duy, CEO công ty Kova Trading. Ảnh NVCC. |
Khi mới bắt đầu xây dựng Kova Trading, Duy gặp không ít khó khăn vì thời gian đầu hầu như anh "ôm đồm" tất cả mọi việc, dẫn đến tình trạng quá tải, "thắt nút cổ chai". Tuy nhiên, nhìn nhận được vấn đề, "sai đến đâu, sửa đến đấy, Duy bắt đầu biết tận dụng sức mạnh của tập thể vào công việc, chia sẻ bớt để tập thể phát huy hết khả năng của mình. Hiện tại, ở Kova Trading theo Duy có khoảng 7-8 lãnh đạo cấp trung, tự quyết một số vấn đề trong công ty.
Bà là thầy, là "bóng lớn" cho tôi!
Chia sẻ về câu chuyện Kova, hầu như trong tất cả câu trả lời Duy đều nhắc về người bà của mình với danh xưng là ‘cô Hòe’ – như cách mà tất cả mọi nhân viên trong công ty vẫn gọi. Trong mắt Duy, "cô Hòe" không đơn thuần là người sáng lập, người truyền cảm hứng mà còn là cả một niềm tự hào đối với anh.
Cả bà và bố mẹ Duy đều từng là giảng viên của ĐH Bách Khoa Hà Nội và TP.HCM trước khi chuyển sang con đường kinh doanh. Chính vì thế, là người tiếp quản, Duy không tránh khỏi những áp lực nhất định.
- Mọi người trong gia đình đều rất kỳ vọng vào Duy. Bản thân bạn đến với công ty bằng đam mê hay trách nhiệm?
Tôi nghĩ là cả 2. Trách nhiệm về phía gia đình. Cảm giác thấy người thân trong gia đình phải vất vả rất khó chịu. Tôi luôn có mong muốn là gánh vác thay mọi người ì thấy "cô Hòe", ba mẹ phải gồng mình giải quyết rất nhiều việc, mặc dù ai cũng có những đam mê riêng. Đặc biệt là "cô Hòe" rất đam mê về nghiên cứu khoa học.
Tôi có cơ hội tiếp xúc với các đối tác nước ngoài, thực sự họ đánh giá cao, trân trọng Kova cũng như "cô Hòe". Bây giờ kinh doanh kiếm tiền không phải là mục tiêu của tập đoàn mà là giá trị bền vững. Chúng tôi muốn mang sản phẩm ra nước ngoài nhiều hơn và muốn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng người Việt Nam chúng ta có sản phẩm đi từ khoa học công nghệ, đi từ nghiên cứu và do chính người Việt làm.
- Bà và bố mẹ theo con đường nghiên cứu khoa học nhưng Duy lại theo con đường kinh doanh. Ý tưởng này từ đâu?
- Từ bé tôi đã thấy nối nghiệp gia đình là việc nên làm. Tôi đặt ra câu hỏi với ba rằng: Ba muốn con học gì, kỹ thuật hay kinh doanh? Vì tôi cũng học kỹ thuật được.
Mọi người trong gia đình tôi đều nhận ra rằng câu chuyện về thương mại hóa đang bị hạn chế, dù mọi người có thể đang làm tốt nhưng không thuận tay. Gia đình kỳ vọng lúc đầu thôi. Giờ tôi vượt qua rồi. Tôi hiện còn kỳ vọng bản thân hơn cả mọi người trong gia đình đang kỳ vọng.
- Duy có nghĩ sẽ vượt qua bóng của bà?
Nếu mình nghĩ cái bóng thì không bao giờ có thể vượt qua. Rõ ràng, bà tôi thì tôi không bao giờ vượt qua được. Ba mẹ tôi cũng vậy, đều là những người rất giỏi và tuyệt vời. Thay vì vượt qua cái bóng thì tôi ở đây để mong họ tỏa sáng hơn. Mình làm câu chuyện của mình. Mình cho mọi người thấy được thành quả khoa học kỹ thuật của bà. Nếu tôi xác định như vậy thì tôi lo ngại gì cái bóng. Lúc đầu mọi người khá kỳ vọng và e ngại nhiều thứ, mà chuyện đó qua lâu rồi. Tôi dành thời gian để làm việc khủng lắm, mọi người nói tôi đừng làm nữa.
- Qua rồi, cụ thể là sao?
Gia đình tôi rất kỹ. Tôi vừa về nước là đưa ra luật này luật kia. Tôi chấp nhận hết, khi xác định đó là câu chuyện của mình rồi thì tôi làm với vai trò của mình chứ không phải do bị áp lực.
|
Ba thế hệ tại tập đoàn Kova. |
- Nếu thế hệ trước vẫn muốn "buông rèm nhiếp chính, Duy thấy thế nào?
- Tôi thấy tốt. Tôi bắt đầu khi mọi thứ ở KOVA đã có thành quả. Mọi người trong gia đình ai cũng nghĩ là KOVA phải đổi mới nhưng nói vậy không có nghĩa cái cũ là sai, là lạc hậu. Nó đang ở đấy và phát huy. Không phải đã giao cho tôi thì không xen vào nữa vì vai trò của từng thành viên trong gia đình là một chuỗi các mắc xích, không thể không có sự ảnh hưởng qua lại.
- Quan niệm giữa các thế hệ khác nhau nhiều quá có khi nào mẫu thuẫn khó giải quyết?
Quan trọng là tình cảm gia đình, về nhà trong bữa cơm tối thì không còn công việc nữa, khi đó con là con, mẹ là mẹ, không nói tới công việc, cũng không nhắc đến những việc đã diễn ra hay những căng thẳng, nếu có.
Khi gia đình tôi làm được chuyện đó thì mọi thứ trở nên dễ dàng. Lúc làm việc ai cũng có cái tôi riêng, nhưng nhìn tới đóng góp chung bức tranh Kova như thế nào thì mỗi cá nhân tự rút kinh nghiệm và thỏa hiệp.
- Duy có thể chia sẻ về kết quả về tăng trưởng của Kova và thị trường của Kova Trading?
- Hiện tại, tôi đã đẩy đi được thị trường tiềm năng là Nga, sắp tới là Srilanka, nhưng chủ lực vẫn là Singapore và Malaysia, tăng trưởng thì phía công ty vẫn đều đều là 30-40%. Hiện tại, tỷ trọng nội địa khoảng 70-80%.
Riêng đối với các thị trường lớn như Châu Âu thì phía công ty sẽ đẩy những dòng đặc biệt như Nano vỏ trấu Kova, chứ những dòng khác thì không được, vì những thị trường đó phải có loại sơn thật sự đặc biệt thì mới có thể cạnh tranh được.
- Rất cảm ơn Duy!
Thái Nguyễn