Phiên bản Việt bộ phim Hậu duệ mặt trời hiện đã phát sóng được 12 tập trên các kênh phim trực tuyến và VTC3. Hình ảnh đẹp, trau chuốt từng phân cảnh là những điểm cộng của phiên bản Việt hóa. Kịch bản cũng có nhiều thay đổi cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Nhưng bộ phim lại gây thất vọng ở diễn xuất, tình tiết và đáng lo ngại hơn cả là những lỗi sai về pháp lý, quân sự.
|
Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt quảng bá được du lịch biển Việt Nam, nhưng lại gây thất vọng vì nhiều yếu tố khác, đặc biệt là kiến thức quân sự, pháp lý |
Ấn tượng... trồi sụt
Diễn xuất thành công nhất đến thời điểm này là Song Luân (vai đại úy Võ Duy Kiên), dù vẫn có điểm trừ ở đài từ. Còn hình ảnh bác sĩ Kang Mo Yeon (Song Hye kyo) qua phiên bản Việt - Hoài Phương (do Khả Ngân đảm nhận) lại hết sức thất vọng.
Không thể phủ nhận là Khả Ngân xinh, tạo hình bác sĩ ổn; nhưng ở rất nhiều phân cảnh “kinh điển” được chờ đợi, cô lại diễn xuất khá đơ: cảnh trò chuyện ở quán cà phê về lý tưởng nghề nghiệp và giá trị của sinh mệnh với Duy Kiên, cảnh Hoài Phương bất ngờ dõi theo nhân vật Duy Kiên đột ngột xuống ca-nô đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, cảnh căng thẳng trong phòng phẫu thuật hay cảnh “hất” điện thoại đình đám của phiên bản Hàn...
Khả năng thoại tiếng Anh của Hoài Phương cũng quá tệ. Trong tình huống kịch tính, cấp bách mà nghe nhân vật nói tiếng Anh, khán giả chỉ có thể bật cười.
Sự hài hước không nên có còn nằm ở nhiều tình tiết khác: đoàn bác sĩ TP.HCM ra đảo làm nhiệm vụ, gặp cậu bé ngất xỉu, không chẩn đoán được bệnh, phải “nhờ” đến phán đoán của “đại úy Duy Kiên”; nhân vật cậu bé suy dinh dưỡng, thiếu ăn mà thân hình hết sức mũm mĩm. Nhiều đoạn thoại khô cứng, sáo rỗng.
Hình ảnh biển đảo trong phim rất đẹp, thu hút, nhưng lại chưa đủ làm nên ấn tượng cho những bối cảnh quan trọng. Chiếc tàu đắm trên bãi biển Navagio, Hy Lạp - nơi hẹn hò của đại úy Yoo Shi Jin và bác sĩ Kang - qua phiên bản Việt lại thành cây cầu sắt đơn giản, xấu xí. Quán cà phê từng làm mưa làm gió trong phiên bản Hàn, sang Việt Nam cũng chỉ vừa đủ đẹp để quảng cáo.
Dù muốn hay không, ê-kíp Hậu duệ mặt trời Việt phải chấp nhận sự so sánh, thất vọng của khán giả. Ngoài Song Luân, diễn viên Kiến An vào vai đô đốc Phan Minh có thần thái khá thuyết phục. Nhưng ở tuyến thứ chính, vai của Hữu Vi (thượng sĩ Bảo Huy) lại chưa gây ấn tượng. Sự xuất hiện của Cao Thái Hà với gương mặt trang điểm nhợt nhạt (vai trung úy Minh Ngọc) ngay tập một đã gây hụt hẫng.
Với chất lượng cứ trồi sụt, nhiều sạn và diễn xuất còn nhiều điều để… chê, phim khó mà chinh phục được số đông.
Lỗi kiến thức
Diễn xuất gây thất vọng hay những lỗi tiểu tiết trong một bộ phim, dù tệ, cũng chưa đáng nói bằng việc phim phạm lỗi nghiêm trọng về pháp lý và quân sự.
Ở tập đầu, đội đặc nhiệm NH-1 (do đại úy Kiên làm đội trưởng) nhận nhiệm vụ giải cứu con tin trên tàu nước Đi-men đã đi vào lãnh hải Việt Nam (trong đó có sáu thuyền viên là người Việt).
Theo điều 30 về Quyền tài phán hình sự đối với tàu thuyền nước ngoài (Luật Biển Việt Nam 2012), quân đội Việt Nam có thể can thiệp trong trường hợp như vậy. Nhưng không có điều khoản nào cho phép hải giám nước bạn vào lãnh hải Việt Nam không xin phép mà còn lớn tiếng yêu cầu giao nộp con tin.
Ở tập 10, cảnh nhóm vệ sĩ nước Uganda chĩa súng vào các quân nhân và bác sĩ Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên đảo Hải Phong lại càng khó chấp nhận. Theo Luật Cảnh vệ 2017 (khoản 2 điều 10 về đối tượng cảnh vệ thì khách quốc tế đến thăm chỉ có “Người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, chính phủ; khách mời của Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; khách mời theo đề nghị của Bộ Ngoại giao” mới có chế độ cảnh vệ.
Làm sao có chuyện vệ sĩ nước bạn hạ cánh khẩn cấp nhờ cấp cứu lại có thể mang súng, hành xử như giang hồ ngay trên lãnh thổ Việt Nam? Về mặt ngoại giao, việc uy hiếp có vũ trang như vậy sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho quan hệ hai nước. Thế mà sau đó, họ quay trở lại, mang theo hai… thẻ ưu tiên quà tặng thay cho lời cảm ơn. Hai quốc gia trên phim là hư cấu, nhưng Việt Nam là có thật.
Một tình tiết gây thắc mắc khác là Duy Kiên, lúc đầu làm nhiệm vụ với vai trò là đặc công biển, nhưng sau đó lại được điều đi tác chiến trên bộ. Trong tập ba, sau khi xuống ca-nô đi làm nhiệm vụ đột xuất, Duy Kiên đã cùng tham gia… phá ổ ma túy trong rừng.
Trong phiên bản gốc, bối cảnh phim là quốc gia Uruk giả tưởng, nhiều biến động, loạn lạc. Đội đặc nhiệm Alpha và đoàn bác sĩ Hàn đến làm nhiệm vụ trong Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, rất khác với bối cảnh cụ thể là đảo Hải Phong của Việt Nam - quốc gia đang có chủ quyền.
Hàn Quốc đã dùng phim Hậu duệ mặt trời để “truyền thông, quảng bá” hình ảnh người lính Hàn và lan tỏa tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc và sống có lý tưởng của giới trẻ nước họ. Phiên bản Việt cũng trên tinh thần đó, nhưng làm chưa tới, chưa đủ thuyết phục, lại còn phạm những sai sót cơ bản, có thể gây hiểu lầm về hoạt động của quân đội nói chung, lực lượng cảnh sát biển nói riêng thì thật đáng trách.
Diệp Nguyễn