Hậu dịch, cần thiết bỏ dần những hủ tục

22/04/2020 - 07:25

PNO - Tháng Ba, đồng bào các dân tộc vùng núi Quảng Nam, Quảng Ngãi lại chuẩn bị cho những lễ hội khi bắt đầu bước vào một mùa lúa mới. Nhưng với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang căng thẳng như hiện tại, những sinh hoạt truyền thống này phải được hạn chế, và nên chăng cũng cần xóa bỏ dần, để người dân ngày càng có cuộc sống ấm no hơn.

Xử phạt và giải tán các lễ cúng trâu

Sơn Tây là huyện miền núi phía tây Quảng Ngãi, nơi phần lớn người đồng bào dân tộc K’dong sinh sống. Ở đây có tục đâm trâu mừng làm ăn phát đạt hoặc cầu mong sức khỏe, cũng có khi mừng người nào đó khỏi ốm đau bệnh tật. Đúng nghĩa thì nó không phải là một lễ hội văn hóa, mà đơn giản là mùa đâm trâu, người đồng bào gọi là lễ cúng trâu. Thế nên, cứ tháng Ba âm lịch, các thôn làng ở vùng Sơn Tây cứ rải rác lại có nhà đâm trâu.

Lực lượng chức năng huyện Sơn Tây giải tán việc tụ tập để tổ chức đâm trâu ở nhà ông Đinh Kà Mo
Lực lượng chức năng huyện Sơn Tây giải tán việc tụ tập để tổ chức đâm trâu ở nhà ông Đinh Kà Mo

Chiều 4/4, nhà ông Đinh Kà Mo (thôn Huy Mân, xã Sơn Mùa) dựng cây nêu chuẩn bị cho những ngày cúng trâu và ăn uống. Các lực lượng phòng chống dịch COVID-19 xã Sơn Mùa nắm được thông tin đã có mặt kịp thời yêu cầu gia đình hạ nêu. Công an huyện phối hợp tổ chức chốt chặn ở các ngõ thôn, thông báo nếu không phải người trong hộ gia đình thì giải tán, ra về.

Những người không đeo khẩu trang bị lập biên bản phạt 200.000 đồng. Chỉ trong vòng 10 phút, người dân đã tự giác ai về nhà nấy. Ông Đinh Kà Mo đã nhận thức được vấn đề, và tự viết cam kết không tổ chức ăn uống linh đình, nếu vi phạm sẽ phải nộp phạt tiền theo quy định từ 5-10 triệu đồng.

Một lễ cúng trâu, ngoài trâu là vật tế, người ta còn giết bốn con lợn to một thước, 20 con gà, 32 ché rượu cần, mua thêm 100 lít rượu trắng, củi thì người làng tới dự góp vào… Tính sơ sơ, mất khoảng vài chục triệu đến gần 100 triệu đồng cho một lần đâm trâu như vậy. Một gia đình đâm trâu mất khoảng 13 ngày, từ việc sửa sang nhà cửa, thông báo cho người thân, hàng xóm rồi tiến hành mổ heo, trâu để cúng, nấu rượu, tổ chức nhảy múa và ăn uống từ ngày này qua ngày khác…

Theo rà soát sơ bộ của huyện Sơn Tây, dự kiến trong nửa đầu tháng Ba âm lịch, có 11 hộ tổ chức đâm trâu. Lực lượng công an đã phối hợp với chính quyền, già làng uy tín vận động và hiện đã có 6 hộ tự giác không làm. Số hộ còn lại, chính quyền tiếp tục vận động và sẽ kiên quyết trong xử lý bằng biện pháp chốt chặn, phong tỏa từ xa; không cho tụ tập đông người. 

Ông Phan Huỳnh Sơn - Chủ tịch UBND xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây - cho biết: “Cách đây nửa tháng, cán bộ xã cùng với già làng uy tín xuống tận hộ dân giải thích để người dân hiểu, chia sẻ và chấp hành nghiêm yêu cầu công tác phòng chống dịch là không tập trung đông người. Nhiều hộ dân đồng tình, vui vẻ chấp hành. Tuy nhiên, cũng có những hộ dân chưa hiểu, vẫn lấy lý do là đã hứa với thần linh nên phải thực hiện lễ đâm trâu. Những ngày gần đây, xã đã tổ chức tuyên truyền qua loa phát thanh, phát liên tục các nội dung Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cao điểm phòng chống dịch. Dân làng đã có ý thức trách nhiệm hơn”.

Cần bỏ dần những hủ tục

Tục đâm trâu ở Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên tồn tại hay không. Chính quyền huyện Sơn Tây nhiều năm nay đã vận động đồng bào nếu tổ chức thì nên gọn nhẹ, tiết kiệm, không đâm trâu dã man, phản cảm… Chưa cần bàn cãi, cứ nhìn một số người K’dong nghèo khi tổ chức đâm trâu một lần, sau đó lâm nợ, làm thuê 4-5 năm chưa trả hết, thì sẽ có câu trả lời là nên bỏ hủ tục này.

Tục đâm trâu- hủ tục nên loại bỏ (ảnh : Internet)
Tục đâm trâu- hủ tục nên loại bỏ (ảnh : Internet)

Tại huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam), người dân tộc Cơ Tu khoảng 73% dân số toàn huyện. Người Cơ Tu ở huyện Đông Giang hay Tây Giang trước đây cũng có tục đâm trâu, nhưng nay gần như đã bỏ hết. Ông Nguyễn Văn Lê - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Giang - kể: “Những năm trước đây, tục đâm trâu của bà con còn nhiều, sau đó chính quyền vận động thì các già làng và bà con đã đồng thuận, bỏ dần hủ tục này. Thay vào đó, bà con chỉ giữ lại truyền thống cúng trâu mùa lúa mới, chỉ giết một con trâu làm vật tế chứ không tổ chức hội đâm nữa”.

Cũng theo ông Lê, đại dịch COVID-19 đang hoành hành, nên không chỉ lễ cúng trâu, mà các hoạt động khác theo phong tục địa phương cũng được người dân tạm dừng. “Việc cưới xin, ma chay ở đây bà con cũng tổ chức gọn nhẹ. Trước đây, một lễ cưới hay một đám ma, bà con tổ chức nhiều ngày và người tham gia rất đông, nay họ chỉ làm phần lễ rồi tự giác hạn chế tụ tập. Nhìn chung, với sự tuyên truyền sâu rộng của hệ thống chính quyền, cộng với ý thức của bà con rất tốt, nên công tác phòng chống dịch ở huyện cũng rất thành công. 

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI