Hậu COVID-19: Những dịch chuyển mới… bất bình thường

28/06/2020 - 20:53

PNO - Hậu COVID-19 ở nước ta ghi nhận một sự dịch chuyển rất đáng chú ý của thị trường từ phía trung tâm về vùng ven.

Sự bình thường được lập lại một cách chủ động ở Việt Nam bộc lộ những chuyển động tự thân rất… bất thường của thị trường. Dịch bệnh và giãn cách xã hội dường như đã "quy hoạch" lại những yếu tố căn cốt của nền kinh tế. Và thú vị là, "bất thường" này bộc lộ trên từng con phố, ở lựa chọn của chủ cơ sở kinh doanh và trong hành vi hằng ngày của từng người dân...

Đường Nguyễn An Ninh, Q.1 lúc 18g30 thứ Bảy ngày 30/5 - ảnh: ái Mỹ
Đường Nguyễn An Ninh, quận 1 lúc 18g30 thứ Bảy ngày 30/5 - Ảnh Ái Mỹ

 

Kỳ 1:  Phố xá đã “đi” đâu?

Buổi chạng vạng vắng tanh. Đường Nguyễn An Ninh lẽ ra đang bắt đầu đông đúc trong cái nhập nhoạng của buổi chiều tối lẫn ánh đèn đường, đèn xe - nhưng vắng ngắt. Mấy tiệm bán đồ cho người Mã Lai đã đóng cửa. Đoạn đường vốn dày đặc khách sạn, tiệm mát-xa, quầy bán các sản phẩm cho khách du lịch, giờ chỉ còn vài căn sáng đèn. Mới chỉ hơn sáu giờ chiều mà đứng bên này nhìn sang cửa Bắc, suốt dãy hiên bên hông chợ Bến Thành không một bóng người. Toàn bộ dãy phố vốn đông đúc, nhộn nhịp, đắt đỏ nhất TPHCM giờ im ắng bất thường.

Sự đông đúc đã rời bỏ trung tâm 

Đó là khu Bến Thành hậu COVID-19. Vào lúc chúng tôi đến, cả dãy đường Nguyễn An Ninh nhộn nhịp trước đây giờ chỉ quán Ốc Vân là còn chút sức sống. Nhiều căn nhà vốn là tiệm mát-xa giờ chỉ còn là một mặt bằng trống. Chủ tiệm đã trả mặt bằng, ngừng kinh doanh. Thấy chúng tôi lao xao nhìn về hướng những cửa tiệm giờ chỉ trống hoác những dấu vết của biển hiệu đã bị tháo gỡ, chị phụ quán ốc nói: “Cái tiệm kia thuê nhà hợp đồng 25 năm, giờ mới tới năm thứ mười mấy mà phải trả mặt bằng, chịu không nổi". Hầu như mọi tiệm đều sập cửa. Con phố im lìm.

Ốc Vân như có cả dãy vỉa hè để làm “mặt bằng” tiếp khách. Họ rộng rãi đặt cho chúng tôi một chiếc bàn cách xa vị trí đang có khách. Chưa bao giờ quán ốc nổi tiếng đắt khách này lại rộng và thoáng đến thế. Nhưng đổi lại, đội nhân sự hùng hậu giờ chỉ còn vài ba người. Nhân viên nghỉ về quê hết. Lượng khách ở quán cũng không đủ để phải thuê thêm người. Quán ốc vốn “không có chỗ chen chân", bán quần quật đến 2g sáng giờ “chỉ đến 11g30 là hết khách".

Rời khỏi Ốc Vân, chúng tôi vẫn vướng lại cái im lìm lạ lùng của khu phố này cho đến tận đầu đường Trương Định. Ở đó, quán kem Baskin Robbins vốn sáng choang sắc hồng pha xanh cũng đóng cửa.
 

 

Không chỉ khu Bến Thành mà Takashimaya, chợ An Đông, các siêu thị lớn ở trung tâm dường như đang có những cuối tuần rất lạ. Chị Hoa - một tiểu thương ở chợ An Đông nói: “Làm như ở nhà riết người ta quên đường vô chợ rồi hay sao". Lúc đó là 2g chiều - một trong những “giờ vàng" ở khu chợ sầm uất này. Vậy mà hàng quán vắng tanh. Từng ki-ốt còn mở cửa cũng chỉ có duy nhất người chủ hàng ngồi buồn thiu. Hàng bánh kẹo nhìn vui mắt nhất, do hầu hết các gian hàng đều mở cửa và bày ăm ắp từng món hàng - nhưng vẫn không một bóng khách.

Ở hàng quần áo, một chị chủ hàng nào đó ngồi khuất sau những chồng áo xếp cao, chép miệng nói: “Tầm này là khách miền Bắc phải đặt đồ lạnh rồi, mà sao năm nay hổng thấy?”. Hình ảnh một “chợ đầu mối", một trung tâm phân phối hàng hóa hàng chục năm trời càng lúc càng trở nên khó hình dung trước thực tế ế ẩm, quạnh quẽ của ngôi chợ giữa trung tâm quận 5 này.

“Vắng đến mức đánh mất mình" là cảm giác của chúng tôi về một quán bia Bỉ nổi tiếng ở đường Lê Quý Đôn. Đó vốn là một nhà hàng xinh đẹp, bày biện và phục vụ tinh tế với đa dạng các loại bia được trình bày kiểu cách. Quán hầu như lúc nào cũng đông khách. Giai đoạn thành phố thực hiện Nghị định 100, xử phạt hành vi sử dụng bia rượu khi lái xe - quán chỉ… vắng xe. Khách vẫn đến quán bằng taxi. Tưởng chừng, cuộc sàng lọc từ Nghị định 100 đã chứng minh sức sống của quán bia ngoại ở ngay trung tâm này. Nhưng hậu COVID-19 lại bày ra những thực tế khác. 

Hôm tôi đến, quán không một bóng người. Tập thực đơn mấy trang giờ chỉ còn vài dòng. Tôi gọi vài món ăn quen, nhân viên lần lượt nói “dạ không có món đó". Tôi gọi vài cái tên bia Bỉ - thương hiệu mà cũng là lý do tồn tại của quán này. Nhưng, “không có hàng", “quán đã ngưng bán mặt hàng này" - bạn nhân viên lần lượt nói. Cuộc gọi món hoàn toàn thất bại. Bạn nhân viên ái ngại tình thật: “Lượng khách chưa phục hồi nên quán cũng gói gọn dịch vụ lại, vì bia và thức ăn này có hạn sử dụng rất ngắn, mong chị thông cảm".

Kỳ thực, sự “gói gọn” này cũng dễ hiểu. Nhưng cách cầm cự này rất có thể là một sự... cáo chung cho cả một nhà hàng vốn đang nỗ lực vượt qua mùa hậu dịch bệnh.

Hai tháng gần đây, phố kinh doanh ở đường Lê Lợi, Q.Gò Vấp trở nên sầm uất - ảnh: phùng huy
Hai tháng gần đây, phố kinh doanh ở đường Lê Lợi, quận Gò Vấp trở nên sầm uất - ảnh: phùng huy


Thời của “cà phê xóm"


Tưởng chừng, những hình ảnh ảm đạm ở khu trung tâm đang bày ra một gương mặt bi quan của ngành dịch vụ hậu COVID-19. Nhưng càng đi về các cửa ngõ, hình ảnh ở vùng ven thành phố lại kể một câu chuyện hoàn toàn khác.

Đường về chợ Bà Điểm đông nghẹt. Ngay từ những ngày còn giãn cách xã hội, con đường Phan Văn Hớn từ quốc lộ hướng về phía chợ Bà Điểm đã đông đúc một cách bất thường. Trở lại nơi này sau hơn một tháng kể từ ngày dỡ lệnh giãn cách, tôi mới bắt chuyện với chị Thảo - một người bán rau lưu động ngoài rìa chợ. “Ở đây hổng nói dịch bệnh gì hết hả chị? Đông suốt hè?”. Chị sửa sửa cái quai nón, che kín hết phần dưới mắt trước khi trả lời: “Dịch cũng phải ăn uống, người ta cũng đi chợ bình thường hà. Em coi, đâu phải riêng chỗ chợ này mà dọc dọc vô lối kia quán nào cũng đông”. 

“Dọc dọc” theo lối chị Thảo chỉ, tầm nhìn chỉ độ vài mét. Đường sá đông nghẹt. Rẽ sang đường Thái Thị Giữ, mấy quán cà phê xóm để xe tràn ra gần đến vỉa hè. Đây có lẽ là con đường điển hình của một “trung tâm giải trí cấp xóm", theo kiểu đường nhỏ, dân cư co cụm nhưng lại tập trung dày đặc các quán cà phê. Thái Thị Giữ không phải là trục đường chính của xã Bà Điểm, nhưng chỉ tính tầm 500m từ đầu Phan Văn Hớn, con đường này đã có không dưới 10 quán cà phê lớn nhỏ. Quán nào cũng đông nghịt.

Đầu đường, quán cà phê Xe Cổ nằm khuất sau cánh cổng cầu kỳ vẫn kín khách. Tiến vào chút nữa là những quán cà phê đủ mọi cung cách: quán cóc, cà phê mang đi, ghế đẩu, rồi cả sân vườn. Chúng tôi không tìm được một quán nào đủ thoáng đãng để vào chọn một chỗ ngồi. Tần ngần trước quán 2T, tôi vừa nói “quán đông quá" để chuẩn bị quay ra, một chị có vẻ là hàng xóm đứng gần đó cũng thốt lên: “Hổng biết người ở đâu mà nhiều dữ!”. 

Buổi sáng chật vật tìm chỗ ngồi thảnh thơi ở vùng ven Sài Gòn coi bộ bất thành, tôi quay vào quán đông đúc nhất, nhưng rộng rãi nhất trên con đường này. Đó là quán cà phê Mỳ Quảng mới mở của chị Hạ Vi. Có lẽ, chính cái quán non trẻ, vừa ra đời đã gặp mùa COVID-19 này là một mẫu chuẩn để đo lường sự chuyển hóa của loại hình dịch vụ ăn uống ở vùng ven giai đoạn này.

Quán của chị Vi mở từ trước Tết Canh Tý. Từ thời điểm mở quán đến ngày giãn cách xã hội là tầm ba tháng, chị Vi chỉ bán cầm chừng. Những tháng đầu, cảm giác phải chia lại khách hàng với gần chục quán cà phê tương tự trên một trục đường khiến chị khá hoang mang. Cho rằng lượng khách đã bị định mức do vị trí tách biệt, không thuộc trung tâm, cũng không nằm trên con đường lớn, thông thương; chị từng nghĩ ra bao nhiêu giải pháp để tăng cường khai thác mặt bằng, bù lại chị phí.

Nhưng sau 30/4, vừa hết giãn cách, khách bất ngờ đông lên. Cả mặt bằng hơn 200 mét vuông lần đầu được phủ kín vào cuối tuần đã xốc lại tinh thần của bà chủ. Nhưng sau cái “Chủ nhật thần thánh" hồi đầu tháng Năm đó, sự đông đúc vẫn không dừng lại, cũng không còn chu kỳ. Đến lúc này, hầu như ngày nào quán cũng đông kín vào buổi sáng.

“Bán cho hàng xóm cũng đủ mệt" là lời đùa của một vị khách quen của quán ALÊ (P.25, quận Bình Thạnh). Chiều thứ Hai, quán gần kín khách ở khu vực ngoài trời lẫn phòng máy lạnh. Nhìn cô bé phục vụ sấp ngửa chạy sượt ngang chỗ gốc cây có bốn người đang ngồi, ông Hai Chí cười vẻ thông cảm: “Bán cho hàng xóm thôi cũng đủ mệt rồi". Ông Hai Chí cũng là một “hàng xóm" của quán cà phê này. Thói quen cà phê hằng ngày đã có từ hàng chục năm trước, nhưng trước đây, ông Chí hay sang quận 1 uống cà phê với một nhóm bạn tennis.

Từ đợt giãn cách xã hội, ông phải tập tennis tại nhà. Thói quen tụ tập bạn bè cũng bị gián đoạn, ông Chí chợt phát hiện ra rằng “uống một ly cà phê gần nhà cũng là một cái thú". Từ một vị khách hay mua “cà phê mang đi", sau giãn cách, ông Chí trở thành khách quen tại quán ALÊ. Với kinh nghiệm hơn một tháng ngồi uống cà phê một mình ở quán này, ông nhận ra hầu hết khách hàng là người trong khu phố.

Nói đùa, nhưng kỳ thực, “bán cho hàng xóm" là một phát hiện hay về tình hình kinh doanh ở các khu dân cư như xã Bà Điểm (H.Hóc Môn) hay phường An Lạc (quận Bình Tân), P.25 (quận Bình Thạnh). Đảo một vòng khu vực chung cư Lê Thành A và Lê Thành B (P.An Lạc, quậnBình Tân), dễ thấy, hàng quán tại chỗ buôn bán nhộn nhịp. Quán cà phê dưới chân chung cư Lê Thành A đông nghịt. Khách hàng quen mặt nhau, và quen cả với chủ quán. Họ đều là cư dân trong chung cư, hoặc người ở khu dân cư ngay gần đó.

Theo chị Nguyễn Phương (cư dân sống trên đường số 1, P.An Lạc, quận Bình Tân), trước đây chị hay vào quận 1, quận 3, đi trung tâm thương mại vào cuối tuần. Nhưng từ đợt giãn cách, chị hầu như chỉ giải trí ngay trong khu phố. Cuối tuần muốn ăn uống gia đình thì sang… chung cư Ehome 3 ở gần đó.
 

Sự đông đúc của quận trung tâm Tp.HCM đã dịch chuyển sang quận ven Gò Vấp - ảnh : P.HUy
Sự đông đúc của quận trung tâm TPHCM đã dịch chuyển sang quận ven Gò Vấp - ảnh : P.HUy

 

Những “thượng đế bản địa"

Nằm như một dải đất bị “cô lập" giữa lưu lượng lớn giao thông của tam giác Võ Văn Kiệt - An Dương Vương - Hồ Ngọc Lãm, hàng quán ở khu dân cư quanh chung cư Lê Thành An Lạc hầu như chỉ phục vụ cho chính cái dải đất tam giác đó. Thế nhưng, càng đi vào các ngõ ngách, quán xá càng nhộn nhịp. Riêng con đường số 1 dẫn vào chung cư, các quán cà phê cũ mới dày đặc, lại phủ kín khách. Khi các chuyên gia kinh tế và cả những doanh nghiệp còn đang thăm dò thị trường sau biến cố COVID-19, các quán cà phê xóm trong cụm cư dân này đã mạnh dạn ra đời.

Ở đây là một quán cà phê đang đông khách, thì ở đó, cách vài bước chân là một công trình quán cà phê đang xây dựng. Khi dịch bệnh COVID-19 khiến nền kinh tế thế giới như đang trôi dốc trong cái biểu đồ hình sin, khu trung tâm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thì riêng tại phường An Lạc (quận Bình Tân), số trường hợp được cấp giấy phép kinh doanh trong tháng 5/2020 là 19 cơ sở - gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019 (10 cơ sở). Quan sát những diễn biến kinh doanh ở những hẻm ngõ, xóm ấp vùng ven, nhiều người không khỏi kinh ngạc về sức tiêu dùng dịch vụ tại chính những nơi vốn tưởng chỉ để ở này.

Sự kinh ngạc đó, mặt khác, lại dành cho những nơi vốn có một lịch sử đông đúc, đắt đỏ như trung tâm thành phố. Trước COVID-19, khó có ai ngờ một quận1 với những khu người Mã Lai, khu chợ Bến Thành không - có - khách. Tiểu thương chợ Bến Thành đóng sạp. Chợ An Đông vắng hoe. COVID-19 với những “phép tự vệ" của con người đã xét lại về sức mạnh thương mại của những nơi vốn là biểu tượng đắt khách này.

COVID-19 vốn đã đặt một dấu chấm hỏi về quán tính toàn cầu hóa, tạo một nỗi hoài nghi về sự xê dịch, làm lay chuyển niềm khao khát về những “địa phương tinh hoa" (vốn vẫn khiến những con người yêu khám phá, học hỏi phải đến thăm, du học, hoặc di cư sang). COVID-19 từng khiến con người sực nhớ lại nhu cầu được về nhà, được sống trong không gian sinh thành, hay trở lại thành phố quê hương.

Xu hướng này không hẳn là tốt. Nhưng có lẽ, nó cũng chi phối phần nào tâm lý con người, để từ đó chi phối cả những hành vi nhỏ nhất của những người từng bị phủ sóng bởi nỗi sợ COVID-19. Có thể, sức tiêu dùng dịch vụ đang tản mác khỏi những khu trung tâm mà dịch chuyển về những khu dân cư là một trong những biểu hiện của sự “giải trung tâm" đó. Người tiêu dùng có thể đã thoát khỏi cái “trung tâm" trong phạm vi của họ. Họ tập trung vào nhu cầu, vào bản thân sản phẩm - họ không còn quán tính phải vào trung tâm, phải đến nơi “vạn người đến" để mua những sản phẩm mà họ có thể mua được ngay gần nhà mình. “Trung tâm" không còn là một giá trị cộng thêm cho sản phẩm.

Riêng về mặt nhu cầu, những đợt giãn cách đã củng cố mối quan tâm của con người với những nhu cầu thiết yếu, với cái thường nhật vốn hay bị phủ lấp bởi những nhu cầu xa xỉ và bề nổi hơn. Điều này đồng thời cũng đặt ra một thách thức, một cuộc sàng lọc (có thể chỉ tạm thời) với các dịch vụ, sản phẩm không thiết yếu. Diễn ra đồng thời với xu hướng tạm gọi là “giải trung tâm" nọ, tiêu chí của sự sàng lọc có khi lại chính là “sự hữu ích với khách hàng bản địa".

Giai đoạn này, người địa phương gần như đã trở thành khách hàng độc quyền, thành những “thượng đế bản địa" quyết định sự sống còn của sản phẩm, dịch vụ. Nếu giá trị dịch vụ không phù hợp với người địa phương, thì trong cơn bất trắc khi không có những khách hàng từ bên ngoài, thì sản phẩm dịch vụ đó cũng khó có chỗ đứng trên thị trường.

Tất cả những biến chuyển đó có thể chỉ tạm thời. Có thể, khi các cửa ngõ quốc gia được thông thương, khách du lịch nước ngoài trở lại - thì chính khách hàng bản địa cũng bị thu hút bởi sự đông đúc mà tái lập thói quen giải trí, mua sắm ở khu trung tâm. 

Tuy nhiên, sự chuyển đổi tích cực của các dịch vụ tại khu dân cư lại nhiều khả năng là một sự thay đổi dài hạn. Dường như, COVID-19, những đợt giãn cách, cùng với những mệnh lệnh “làm việc tại nhà", “hạn chế ra đường" đã cho con người thêm nhiều cơ hội để khám phá không gian sống của chính họ. Mỗi người đều có một cuộc khám phá, và phát hiện những lựa chọn mới cho nhu cầu vật chất lẫn tinh thần ở - ngay - khu - nhà - mình.

Những nhu cầu có thể thay thế được bằng dịch vụ tại chỗ thì sẽ được thay thế. Nhiều người cho rằng, sự thay đổi này là biểu hiện của cuộc “tiết kiệm tập thể". Khi thu nhập bị ảnh hưởng, người ta sẽ chọn cách giải quyết nhu cầu thiết yếu bằng những sản phẩm, dịch vụ tiện lợi, tiết kiệm nhất. Dich vụ ngay tại khu dân cư đáp ứng được những điều này.

Dù vì lý do gì thì về mặt xã hội, sự dịch chuyển trong hành vi sử dụng dịch vụ của người tiêu dùng cũng là một hiện tượng tích cực. Nó hỗ trợ sự cân bằng giữa các khu vực, tạo động lực để mọi thành phần xã hội có những dịch chuyển tương ứng, giảm áp lực lên khu trung tâm. Những con đường cũng đỡ bận bịu.  Đặc biệt, với từng người dân, việc phân bổ nhu cầu về những dịch vụ tại chỗ khiến họ dễ dàng, tiện lợi, ít tốn thời gian và nguồn lực hơn. Và có lẽ, họ cũng sẽ dễ hạnh phúc hơn. 

Minh Trâm

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI