Hậu COVID-19 mà tưởng mãn kinh sớm

07/12/2021 - 06:16

PNO - Rối loạn kinh nguyệt, xuất hiện các cơn bốc hỏa, ớn lạnh, nhiều chị em hoang mang tưởng mình tiền mãn kinh sớm nên vội vàng tự bổ sung nội tiết tố. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết đây chỉ là các rối loạn thoáng qua giai đoạn hậu COVID-19 và cơ thể sẽ dần hồi phục, vì thế không nên tự ý điều trị…

Hoang mang vì tưởng bị tiền mãn kinh quá sớm

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết trong một tháng qua đã ghi nhận trên mười trường hợp tới khám do nghi bị rối loạn nội tiết tố (da khô, tóc rụng, uể oải thiếu sức sống). Đặc biệt, trong quá trình thăm khám, các bệnh nhân chia sẻ sau khi khám da xong họ sẽ đi khám sản phụ khoa, vì đang có các triệu chứng giống tiền mãn kinh. Điều đáng nói, những bệnh nhân này đều là F0 đã khỏi bệnh.

Nhiều phụ nữ bị nhiễm COVID-19 sau khi khỏi bệnh có dấu hiệu giống như tiền mãn kinh  - Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Nhiều phụ nữ bị nhiễm COVID-19 sau khi khỏi bệnh có dấu hiệu giống như tiền mãn kinh - Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Điển hình là trường hợp chị P.T.T.D. (39 tuổi, ngụ tại Q.10), đã khỏi COVID-19 cách đây một tháng. Chị lo lắng kể với bác sĩ rằng, thời gian gần đây chị bị các cơn ớn lạnh hành hạ nên ngủ không ngon giấc. Vừa bị ớn lạnh, bốc hỏa, kèm theo các dấu hiệu khô da, rụng tóc khiến chị D. hoang mang nghĩ mình còn trẻ mà đã tiền mãn kinh rồi. Bệnh nhân tự ý mua các sản phẩm thực phẩm chức năng bổ sung nội tiết tố về uống hy vọng kéo dài được thời gian trước khi mãn kinh thực sự xảy ra.

Bác sĩ Lê Thị Bích Hường, Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cũng tư vấn cho hơn chục ca liên quan tới rối loạn nội tiết tố giai đoạn hậu COVID-19. Gần đây là trường hợp của chị P.T.C.A., 40 tuổi, hai tháng nay bị chậm kinh. Ngoài ra, chị A. còn thêm các triệu chứng khô rát âm đạo gây khó khăn khi sinh hoạt vợ chồng, mất hứng chuyện chăn gối. Chị và gia đình mới khỏi COVID-19 vào giữa tháng 11. 

Tương tự, chị L.T.T., 27 tuổi, chưa lập gia đình, thế mà sau khi mắc COVID-19 thì kinh nguyệt bị rối loạn. Tháng đầu tiên sau khi khỏi bệnh, chị T. không thấy kinh nguyệt. Tới tháng thứ hai thì chậm kinh 15 ngày và lượng máu rất ít, sau đó thì rong kinh kéo dài. Chị lo lắng vì sợ kinh nguyệt rối loạn sẽ ảnh hưởng tới chức năng sinh sản sau này.

Chủ yếu do căng thẳng quá độ

Bên cạnh những trường hợp F0 bị rối loạn kinh nguyệt, xuất hiện triệu chứng bốc hỏa, ớn lạnh, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm, chuyên khoa sản phụ khoa Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết đã ghi nhận hơn chục bệnh nhân gọi điện xin tư vấn vì bị trễ kinh, rong kinh sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Bác sĩ Thắm nhận định đây chỉ là rối loạn thoáng qua, chỉ đánh giá qua quan sát chứ chưa có nghiên cứu cụ thể.

Tuy nhiên, các bệnh nhân này sau đó đều tự hồi phục. Nguyên nhân gây ra sự rối loạn như trên chính vì mọi người quá căng thẳng. Tâm lý lo âu quá độ về dịch bệnh, nghĩ ngợi nhiều cũng sẽ làm nội tiết tố trong cơ thể thay đổi. Tình trạng này thi thoảng xảy ra khi phụ nữ quá tải trong công việc và cuộc sống.

Bác sĩ Lê Thị Bích Hường cũng cho rằng nguyên nhân gây ra cơn bốc hỏa, ớn lạnh, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ sau khi khỏi bệnh COVID-19 hoặc sau khi tiêm vắc xin đa phần phát sinh từ yếu tố tâm lý. Do đó, các chị em không cần điều trị gì cả, chỉ cần ăn uống, sinh hoạt điều độ, giữ cho tinh thần thoải mái thì chỉ khoảng ba tháng sau các triệu chứng sẽ giảm dần. 

Đặc biệt, bác sĩ Hường khuyến cáo chị em không được tự ý bổ sung các viên uống nội tiết tố khi chưa có chỉ định. Thành phần chính của các sản phẩm nội tiết tố chính là estrogen. Nếu dùng estrogen quá độ (cường estrogen) có thể khiến những khối u tiềm ẩn trong cơ thể phát triển nhanh hơn (u vú, u xơ cổ tử cung…), làm nội mạc tử cung tăng sinh, từ đó dẫn đến nguy cơ ung thư nội mạc cổ tử cung. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI