Đủ loại gói khám hậu COVID-19
Gia nhập “hội hai vạch” và khỏi bệnh cách đây gần một tháng, gần đây, đọc các thông tin trên mạng xã hội về hậu COVID-19, chị N.T.H. (Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) bỗng thấy lo lắng. Chị cho hay, mở mạng xã hội mỗi ngày, chị đều thấy hàng chục bài viết về tình trạng xơ phổi, nhiễm khuẩn, khó thở… sau khi khỏi bệnh COVID-19. Đáng nói, nhiều bài viết nhấn mạnh tình trạng bệnh âm thầm, không có các biểu hiện rõ rệt và chỉ được phát hiện sau khi tới bệnh viện thăm khám. Do đó, các “cựu F0” nên khám tổng quát để sớm phát hiện các vấn đề sức khỏe.
|
Nhiều người đi khám tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức) đề nghị được tầm soát hậu COVID-19. Tuy nhiên đối với những trường hợp không có biểu hiện bệnh lý thực thể, các bác sĩ chỉ giải thích và trấn an tâm lý, không cần phải khám tầm soát Ảnh: N.Q.C |
Sau khi tìm hiểu “một vòng” trên mạng xã hội, chị H. quyết định đưa cả gia đình gồm bốn người tới một bệnh viện tại Q.Nam Từ Liêm khám tổng quát. Gói khám này gồm khám đa khoa nội, xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp X-quang, siêu âm, chi phí khám sau khi đã giảm giá 10% là 3,5 triệu đồng/người. “Khi đến khám, chúng tôi được giới thiệu gói khám cao cấp hơn, trong đó có thêm dịch vụ chụp cắt lớp tim, phổi với giá 7 triệu đồng/người, nhưng chúng tôi chọn gói cơ bản để phù hợp với túi tiền”.
Theo khảo sát của chúng tôi, “gói khám tổng quát” ở TP.Hà Nội có rất nhiều mức giá, trong đó phổ biến là từ 500.000 - 3 triệu đồng/người. Điểm chung của các gói khám này là bao gồm các dịch vụ xét nghiệm máu, chụp X-quang và bệnh nhân có thể được tư vấn để thực hiện thêm những dịch vụ khác như chụp cắt lớp vi tính, đo khuếch tán phổi, thăm dò chức năng hô hấp...
Trong vai một phụ huynh có con đã khỏi bệnh được ba tuần, chúng tôi liên hệ với một bệnh viện tư ở Q.Thanh Xuân để hỏi về gói khám tổng quát. Sau khi tiếp nhận thông tin trẻ không ho, sốt, chỉ ăn kém hơn so với trước khi mắc bệnh, nhân viên y tế tư vấn, trẻ không cần thực hiện gói khám hậu COVID-19 nhưng nên thực hiện gói khám tổng quát dành riêng cho trẻ với giá hơn 2 triệu đồng, giảm giá 30%. “Do bé nhà chị từng bị COVID-19 nên cần làm thêm xét nghiệm nhiễm khuẩn. Chi phí này nằm ngoài gói khám tổng quát” - nhân viên bệnh viện tư vấn.
Tại một phòng khám khác, sau khi nghe chúng tôi than phiền về tình trạng khúc khắc ho sau gần một tháng khỏi bệnh COVID-19, chúng tôi được nhân viên phòng khám tư vấn nên khám tổng quát để kiểm tra tình trạng phổi và chức năng hô hấp. Phòng khám này cũng đang giảm giá 10% gói khám, còn gần 2 triệu đồng/người.
Cái gì cũng đổ cho hậu COVID-19
Sau khi mắc COVID-19, bệnh nhân vẫn có thể mắc các bệnh lý khác không liên quan gì tới COVID-19. Thế nhưng, nhiều người đang bị ám ảnh quá mức, cái gì cũng đổ cho hậu COVID-19 mà bỏ qua nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.
Bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh - Phó khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) - cho biết cứ mười phụ huynh đem con tới khám bệnh thì có ít nhất ba người muốn trẻ được tầm soát hậu COVID-19 dù không có triệu chứng gì. Sáng 24/3, bác sĩ Nguyên Anh tư vấn cho mẹ của một bé trai bốn tuổi. Bé này mắc COVID-19 và khỏi bệnh cách đây hai tháng, bị ho, sổ mũi ba ngày nay. Bà mẹ cứ khăng khăng cho rằng con bị di chứng hậu COVID-19, đòi bác sĩ chỉ định cho bé chụp X-quang phổi để tầm soát.
Bác sĩ Nguyên Anh giải thích: “Bé đã khỏi COVID-19 lâu rồi. Ở tuổi này, trẻ viêm hô hấp trên, thỉnh thoảng hắt hơi, sổ mũi, ho là rất bình thường; lúc chưa có dịch COVID-19, các bé vẫn bị như vậy. Do đó, khi chưa có biểu hiện gì đặc biệt thì không cần phải chụp X-quang vì vừa tốn tiền, vừa không có lợi cho sức khỏe của bé”.
Sáng cùng ngày, một phụ huynh khác cũng nằng nặc đòi bác sĩ cho con gái năm tuổi khám hậu COVID-19. Khi bác sĩ hỏi bé có biểu hiện gì bất thường không, bà mẹ lắc đầu. Qua thăm khám, bác sĩ cũng không ghi nhận trẻ có dấu hiệu lạ. Thế nhưng, bà mẹ vẫn chưa an tâm bởi nghe hàng xóm nói nhiều ca chẳng có biểu hiện gì nhưng lúc phát hiện ra, chụp X-quang thì phim phổi trắng xóa, không cứu kịp.
|
Trẻ khám hậu COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội - Ảnh: Thu Trang |
Bác sĩ Nguyên Anh khuyến cáo, phụ huynh không nên nghe tin đồn thiếu cơ sở khoa học. Nếu phổi có vấn đề thì chắc chắn trẻ phải có một trong các biểu hiện ho kéo dài, sốt, mệt, tức ngực, khó thở, thở bị hụt hơi. Không thể có chuyện vẫn đang sinh hoạt bình thường, tự dưng chụp ra phổi trắng xóa. Một số bé sau khi khỏi COVID-19, vẫn húng hắng ho kéo dài vài tháng mới dứt hẳn. Đó chưa hẳn do phổi mà chỉ đơn giản là phản xạ ho khi vùng hầu họng của trẻ bị tổn thương mà thôi.
Ngoài ra, bác sĩ Lê Quang Mỹ (Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 2) cũng cảnh báo, phụ huynh không nên chăm chăm nghĩ tới hậu COVID-19 mà bỏ qua các bệnh lý nguy hiểm, khiến trẻ bị lỡ thời gian vàng trong điều trị. Ông kể, mới đây, một bé gái bốn tuổi được đưa từ tỉnh Đắk Nông đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch. Bé này có triệu chứng đau đầu từ cuối tháng 1/2022 nhưng gia đình không nghĩ là nghiêm trọng. Cách đây một tháng, bé mắc COVID-19 và khỏi bệnh sau đó khoảng một tuần. Bấy giờ, bé than đau đầu nhiều hơn, đi đứng loạng choạng, kèm triệu chứng nôn ói. Gia đình nghĩ con bị hậu COVID-19, chờ xem bé có tự khỏi không. Khi tình trạng bệnh không thuyên giảm, cha mẹ mới đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Kết quả khám ghi nhận, bé bị một khối u não đường kính gần 5cm chèn ép vùng tiểu não, khả năng ác tính cao. Hiện nay, bé đang được điều trị bằng thuốc và chuẩn bị mổ bóc tách khối u. Bác sĩ Lê Quang Mỹ nói: “Tôi rất tiếc cho trường hợp của bé. Nếu phụ huynh đưa bé tới đây ngay từ khi có biểu hiện đau đầu thì bệnh nhi đã được can thiệp kịp thời. Diễn tiến của những khối u não rất nhanh, tính bằng tuần. Kích thước khối u lúc này đã rất to, chèn ép làm ảnh hưởng chức năng thăng bằng khi đi đứng của bé và việc bóc tách khối u cũng phức tạp hơn”.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Duy Tài - Phó giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM) - cho biết hiện nay, mỗi ngày, Trung tâm Phục hồi chức năng vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu sau nhiễm COVID-19 của bệnh viện tiếp nhận từ 50-70 trường hợp. Trong đó, 70% người đến khám chưa hiểu đúng về hậu COVID-19. Không phải cứ mắc COVID-19 xong là phải đi khám hậu COVID-19. Nhiều người không có dấu hiệu gì bất thường cũng đến khám. Với những trường hợp này, bác sĩ sẽ giải thích, trấn an họ.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Tài, những đối tượng cần khám và điều trị hậu COVID-19 là những bệnh nhân từng mắc COVID-19 nặng phải nhập viện, thậm chí nằm hồi sức, thở máy lâu ngày khiến hệ hô hấp bị tổn thương, xơ phổi, xẹp phổi, teo cơ do hạn chế vận động.
Lợi dụng hậu COVID-19 để kiếm tiền
Thời gian qua, Bệnh viện Nhi Trung ương (TP.Hà Nội) đã ghi nhận một số trường hợp mắc hậu COVID-19 nặng, đặc biệt là mắc phải MIS-C. Tuy vậy, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Minh Điển - Giám đốc bệnh viện này - cho rằng không phải trẻ em nào từng mắc COVID-19 cũng cần đi khám hậu COVID-19: “Hầu hết bệnh nhi mắc COVID-19 đều có thể tự vượt qua. Chỉ những trẻ có các dấu hiệu bất thường sau khi khỏi COVID-19 như ho kéo dài, tức ngực, khó thở mới nên đi khám. Các bác sĩ sẽ khám tổng thể, sau đó có chỉ định phù hợp với tình trạng của trẻ”.
|
70% người đến khám chưa hiểu đúng về hậu COVID-19 |
Về tình trạng có nhiều cơ sở quảng cáo các gói khám tổng quát, trong đó có những gói khám lên tới cả chục triệu đồng, cho người từng mắc COVID-19, phó giáo sư - tiến sĩ Trần Minh Điển cho rằng, đây là việc đặc biệt gây lãng phí và khuyên không nên tiêu tốn vào việc không cần thiết: “Là một bác sĩ nhi khoa, khi chứng kiến một đứa trẻ 3-4 tuổi đang chạy nhảy, chúng tôi không có lý do gì để chụp phổi cháu hay lấy máu thử. Những việc này không béo bổ gì mà còn gây ra căng thẳng cho trẻ”. Ông khẳng định: “Có một số đối tượng đang lợi dụng hậu COVID-19 để kiếm lợi”.
Đồng quan điểm, phó giáo sư - tiến sĩ Hoàng Thị Phượng, giảng viên cao cấp, Phó Chủ nhiệm bộ môn nội, Trường đại học Y Dược, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội - khuyến cáo: “Không phải ai mắc COVID-19 cũng có triệu chứng hậu COVID-19 và cần thăm khám”. Theo bà, hiện nay, vắc-xin ngừa COVID-19 đã được phủ rộng rãi, tức là những triệu chứng nặng đã được kiểm soát, tỷ lệ phục hồi hoàn toàn của bệnh nhân rất cao. Do đó, người dân không nên quá hoảng hốt, lo lắng với cái gọi là “hậu COVID-19”.
Cũng theo bà, nhiều nghiên cứu của giới y học trên thế giới đã chỉ ra rằng, chỉ có 10 - 20% số ca mắc có biểu hiện của hậu COVID-19. Tỷ lệ này khác nhau giữa trẻ con và người lớn. Ví như ở Anh, hậu COVID-19 chỉ xảy ra với khoảng 30% người lớn nhưng chỉ 15 - 20% trẻ nhỏ. Việc phục hồi ở trẻ tốt hơn, nhất là với trẻ không có bệnh nền. Nguy cơ mắc hậu COVID-19 rơi vào nhóm bệnh nhân có bệnh nền, từng nhập viện và phải nằm ở khoa hồi sức tích cực dài ngày khi mắc COVID-19.
“Các bệnh nhân COVID-19 nặng thường bị hội chứng hậu COVID-19, còn bệnh nhân nhẹ hoặc không triệu chứng hầu như ít gặp. Những bệnh nhân có nguy cơ cao bị xơ phổi hậu COVID-19 là người tuổi cao, nam giới, thời gian nằm viện dài và có bệnh phổi kẽ nặng từ trước, phải thở ô-xy, thở máy. Nếu tất cả người từng mắc COVID-19 đều đi khám thì sẽ rất lãng phí” - phó giáo sư - tiến sĩ Hoàng Thị Phượng nhận định.
Hiểu về hậu COVID-19 để không sợ hãi Sau khi khỏi COVID-19, rất nhiều người đi khám, kể cả trẻ dưới một tuổi cho đến cụ già. Khi đi khám, người ta quan tâm nhất có tổn thương phổi không, đặc biệt là xơ phổi. Tuy nhiên, xơ phổi chỉ gặp ở những bệnh nhân COVID-19 có viêm phổi, tôi nhấn mạnh là có viêm phổi. Bởi với những bệnh nhân COVID-19 chỉ viêm đường hô hấp trên, tức là không bị viêm phổi, thì không có biến chứng hậu COVID-19 xơ phổi. Xơ phổi hậu COVID-19 cũng tương tự như các tình trạng viêm phổi do các vi-rút khác gây nên, đó là di chứng tất yếu sau viêm phổi, thông thường 80% hồi phục từ sáu tháng đến một năm. Hiểu về tình trạng này để không sợ hãi. Thực tế, hằng ngày tôi khám nhiều bệnh nhân sau COVID-19, hầu hết khỏe mạnh bình thường, nhưng sự lo lắng thì có thật. Đặc biệt không ít trường hợp bị xơ phổi mọi người dễ bị hoảng loạn, nghe theo nhiều lời đồn thổi tự điều trị. Đã đến lúc chúng ta coi COVID-19 như bệnh lý chuyên khoa, vì thế chúng ta cần hiểu sâu sắc hơn về bệnh lý này để đối mặt với nó. Trước đó, nhiều người bị mắc cúm, sốt vi-rút mức độ nặng và hầu hết chẳng có ai đi khám, nhưng khi COVID-19 xuất hiện thì lại khác. Mọi người đang bị ám ảnh hậu COVID-19 nên dẫn tới câu chuyện trở nên căng thẳng như vậy. Bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội) |
Huyền Anh - Thanh Huyền