Hậu COVID-19 da đổi màu đen sạm phải làm sao?

15/05/2022 - 06:43

PNO - Hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân mắc các vấn đề về da như mẩn đỏ, ngứa nổi mề đay, chấm xuất huyết, ban xuất huyết, viêm mạch, hoại tử… đến khám.

Khỏi COVID-19 khoảng một tháng, chị D.T.M. (27 tuổi, ở Q.Gò Vấp, TPHCM) phát hiện dưới cánh tay, cổ, bắp đùi nổi vài mẩn đỏ. 

Ban đầu, chị không chú ý nhiều, sau đó các mảng đỏ dần lan ra toàn thân, nhất là ở những vùng da mỏng. Chờ mãi mà các vết đỏ không khỏi, chị M. lo lắng và đến Bệnh viện Da Liễu TPHCM khám bệnh.

Chị M. kể: “Bác sĩ nói tôi bị di chứng hậu COVID-19, gây dị ứng da, uống thuốc chống dị ứng sẽ khỏi nhưng tôi khá sợ. Bởi đến nay đã bảy tháng, các nốt mẩn trên người không gây ngứa nhưng đổi màu, có nốt đen sạm lại, tôi rất mất tự tin. Hơn nữa, tôi không hiểu vì sao da cứ chuyển màu. Như lúc mình mệt mỏi, hoặc bị bệnh thông thường thì các mảng da đen đậm hơn lúc khỏe”.

Bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo, Bệnh viện Da Liễu TPHCM, thông tin, tình trạng của chị M. cũng tương tự với nhiều bệnh nhân tại đây. Hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân mắc các vấn đề về da như mẩn đỏ, ngứa nổi mề đay, chấm xuất huyết, ban xuất huyết, viêm mạch, hoại tử… đến khám. Khai thác bệnh sử, rất nhiều người là “cựu F0” và gặp phải một trong những triệu chứng trên từ sau khi mắc COVID-19.

Hiện tại, các bệnh nhân được điều trị tương tự như điều trị các bệnh lý về da, chưa phát hiện trường hợp bệnh nhân nặng. Các biểu hiện này nhiều khả năng có liên quan đến độ nặng của bệnh COVID-19, chúng có thể xuất hiện sớm ngay sau khi dương tính với SARS-CoV-2, hoặc vài tuần, vài tháng sau khi một người mắc COVID-19. 

Lý giải về tình trạng này, bác sĩ nói thêm, da là một trong những yếu tố phản ánh rõ nét nhất sức khỏe. Khi cơ thể khỏe mạnh, được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, da sẽ căng sáng, hồng hào.

Ngược lại, nếu một người mắc bệnh, nhất là các F0, không chỉ ảnh hưởng về dinh dưỡng, giấc ngủ mà các sinh hoạt cũng đảo lộn theo. Chưa kể nhiều F0 quá lo lắng, căng thẳng rơi vào mất ngủ, rối loạn tâm lý, phải dùng thuốc điều trị có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường, chất béo và mất cân bằng điện giải, rối loạn nội tiết tố… gây các vấn đề về da.

Tuy nhiên, người bệnh không nên quá lo lắng bởi đa phần các bệnh lý hậu COVID-19 đều có thể tự biến mất sau khoảng từ 2 - 6 tháng. Người bệnh cần giữ tinh thần thoải mái, ăn uống điều độ, đủ chất dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. 

Trong trường hợp tình trạng da không cải thiện hoặc gặp vấn đề nghiêm trọng kéo dài, người bệnh cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, không tự ý bôi, uống thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt không sử dụng các phương pháp dân gian, truyền miệng, thảo dược không rõ nguồn gốc để đắp, ủ da, dưỡng da… bởi nguy cơ nhiễm trùng, viêm da, dị ứng da rất cao. 

Sỹ Lý

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI