Một phản hồi chung chung
Để khôi phục nền kinh tế sau dịch, nhiều chỉ đạo, chính sách, nghị quyết… đã được đưa ra. Du lịch cũng đang rục rịch phục hồi… Thế nhưng, có vẻ như khu vực văn hóa - nghệ thuật vẫn đang “vượt khó” một mình.
Biết khó nên mới chờ đợi, mới trông ngóng phản hồi của cơ quan đầu tàu là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL). Bởi lẽ, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này có nỗ lực kết nối, tìm kiếm sáng kiến và chia sẻ nguồn lực, tinh giản nhân lực và tối đa hóa nguồn lực để có thể sống sót sau đại dịch bao nhiêu; thì họ vẫn cần một bàn tay chỉ đạo có tầm hoặc một chia sẻ thiết thực nhất. Nếu không, với tác động vượt quá một khủng hoảng thông thường như COVID-19, số phận phập phù trong một vài năm tới, thậm chí kết cục được báo trước là điều khó có thể tránh khỏi.
|
Các rạp phim vẫn chưa về trạng thái “bình thường mới” sau COVID-19 - Ảnh: Diễm Mi |
Thế nhưng, nơi họ muốn gửi gắm đó, dường như đang “án binh bất động” trong chính sân nhà của mình.
Tại buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện với lãnh đạo các đơn vị khối nghệ thuật trao đổi về những giải pháp tổ chức các hoạt động sau dịch COVID-19 diễn ra ngày 19/5 mới đây tại Hà Nội, quanh đi quẩn lại cũng chỉ nói về các đơn vị nghệ thuật thuộc bộ. Nào là bộ thống nhất sẽ hỗ trợ tài chính cho các nhà hát của bộ tổ chức biểu diễn, nào là các nhà hát chưa có địa điểm biểu diễn cố định sẽ được bộ bố trí biểu diễn ở các địa điểm của các nhà hát khác. Nào là bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ VH-TT&DL bố trí mua vé ủng hộ các chương trình trên…
Điều quan trọng nhất đặt ra đối với ngành nghệ thuật biểu diễn, theo vị tư lệnh ngành, là “phải có những tác phẩm hay, chất lượng”; lại là một yêu cầu của nghệ thuật mọi thời đại, chứ không phải thời hậu dịch. Chưa vội bàn tới chiến lược lâu dài, thay vì cần một chỉ đạo cụ thể, thiết thực, trước mắt là ứng phó với giai đoạn này, ông lại nói một cách rất “chung chung”.
Vậy, những tổ chức văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo, những cá nhân ngoài công lập ở đâu, trong tầm nhìn, chỉ đạo cũng như kịch bản phục hồi ngành của bộ?
Tầm nhìn trước mắt, lâu dài
Theo Tổng cục Thống kê, nước ta có khoảng 47.000 doanh nghiệp, tổ chức liên quan đến văn hóa nghệ thuật và sáng tạo (thuộc 12 ngành công nghiệp văn hóa). Trong một báo cáo của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, phần lớn trong số này có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, không có nguồn lực tài chính lớn, chủ yếu thuê nhà đất/văn phòng/nhà xưởng từ tư nhân…
Các tổ chức văn hóa nghệ thuật độc lập cùng lúc cũng đối diện với nhiều khó khăn tương tự, như chi phí thuê địa điểm của tư nhân không được miễn, giảm; không có hoạt động dẫn đến không có nguồn thu, tư cách pháp nhân chưa có và lao động chủ yếu là tự do, nên vẫn cần những hỗ trợ chuyên biệt và lâu dài hơn từ Chính phủ cho lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, được cho là khu vực chịu ảnh hưởng lớn không kém các ngành khác như du lịch, vận chuyển, sản xuất… và chịu tác động lâu và sâu hơn sau khi dịch kết thúc.
|
Vì COVID-19, vở ballet "Hồ Thiên Nga" phải hoãn kế hoạch lưu diễn toàn quốc một cách vô thời hạn |
Trong khi đó, nhằm thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, Chính phủ cũng đã ban hành các quyết định như Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4, hay Nghị định số 41/2020/CP ngày 8/4…
Theo đó, các đối tượng thụ hưởng, các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh gia đình và cá nhân là các lao động có hợp đồng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo, có thể nhận được sự hỗ trợ dưới hai hình thức trợ cấp thất nghiệp, mất thu nhập, giảm thu nhập… trực tiếp và trợ cấp qua gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất của Chính phủ. Tuy nhiên, các đối tượng thụ hưởng này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng nhân lực (cả trực tiếp lẫn gián tiếp) của ngành này. Đó là chưa kể những thủ tục có phần nhiêu khê nếu muốn nhận được những hỗ trợ đó của Nhà nước.
Tại hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Giờ là lúc lò xo bị nén lại sẵn sàng để bung ra. Cần tập trung hơn nữa khởi động nền kinh tế… Các bộ, ngành phải xắn tay áo, địa phương phải tháo gỡ cho doanh nghiệp”. Không biết, Bộ VH-TT&DL đã thực sự “xắn tay áo”, đồng hành với công cuộc khôi phục toàn diện đất nước hay chưa?
Tất nhiên, muốn nói gì thì nói, trước hết phải khôi phục “mặt tiền” của ngành, đó là các đơn vị trực thuộc bộ. Nhưng trong vị trí cơ quan tham mưu, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hóa trong phạm vi cả nước, nếu chỉ quẩn quanh “sân nhà”, liệu Bộ VH-TT&DL có “quên” vai trò đầu tàu của mình?
Ngoài những sắc thuế, phí cần miễn, giảm; ngoài sự đồng hành mang tầm vĩ mô của Chính phủ thông qua các nghị định, nghị quyết, chỉ thị… ở bình diện quốc gia, đây là cơ hội để các bộ, ngành “thay máu” chính mình, trước hết thích ứng với trạng thái “bình thường mới” sau dịch COVID-19. Văn hóa - nghệ thuật là một lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi những chính sách đặc thù. Kịch bản phục hồi, cũng không nằm ngoài những đặc thù ấy.
Một lần nữa, bài học tình thế và chiến lược lại đặt ra thời hậu dịch. Làm sao có thể “điều hòa lại” nhịp sinh học cũ của ngành, đồng thời, chuẩn bị, rào đón những cuộc khủng hoảng tiếp theo? Hơn cả chuyện Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu tiền, giảm bao nhiêu thuế (giải pháp tình thế), chính là chuyện cần thiết lập một hệ thống hỗ trợ văn hóa - nghệ thuật ứng phó với khủng hoảng một cách tổng thể, toàn diện và bền vững (mang tính lâu dài). Có như thế, ta mới xây dựng được năng lực, nguồn lực cho các tổ chức văn hóa, nghệ thuật, đối phó với những cuộc khủng hoảng tiếp theo. Dĩ nhiên, khi đó, không phải là bị động ứng phó, mà chính là chủ động ứng phó.
Lộ trình phục hồi theo kiến nghị của Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam Với chức năng nghiên cứu, tư vấn chính sách và chiến lược về văn hóa, nghệ thuật… Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đưa ra những kiến nghị ngắn hạn, trung và dài hạn nhằm phục hồi văn hóa, nghệ thuật thời hậu COVID-19. Với kế hoạch trước mắt, viện đã đưa ra một lộ trình về miễn thuế VAT trong năm nay và giảm thuế năm 2021; hoãn nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho tất cả tổ chức văn hóa nghệ thuật trong thời gian sáu tháng. Đồng thời, miễn thuế thu nhập cá nhân trong hai năm 2020-2021 cho các cá nhân nghệ sĩ, người thực hành văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam. Các tổ chức văn hóa nghệ thuật được hưởng lãi suất ưu đãi đặc biệt các khoản vay ngân hàng. Ngoài ra, hỗ trợ miễn phí, giảm phí việc sử dụng các công nghệ số cho hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Với các đơn vị sự nghiệp công lập, tạm dừng áp dụng tự chủ 10% trong năm 2020-2021 cho các đơn vị sự nghiệp văn hóa nghệ thuật truyền thống; tạm dừng lộ trình tự chủ toàn bộ trong năm 2020 với các đơn vị sự nghiệp văn hóa nghệ thuật và các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật. Miễn thuế doanh thu trong năm 2020 cho mọi đơn vị sự nghiệp văn hóa nghệ thuật; đồng thời, thực hiện giảm 50% thuế doanh thu trong năm 2021 để các đơn vị này có thể bù lại tổn thất nặng nề do dịch gây ra. Ngoài ra, giảm 50% số tiền các đơn vị sự nghiệp này thu được từ hoạt động bán vé tham quan, biểu diễn… (đối với bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc…). Với các tổ chức văn hóa nghệ thuật ngoài công lập, miễn thuế môn bài trong năm 2020 và 2021, miễn hoặc giảm tiền thuê mặt bằng kinh doanh, áp dụng các chương trình cho vay không lãi từ các ngân hàng. Về kiến nghị trung và dài hạn, thành lập Quỹ hỗ trợ văn hóa nghệ thuật ứng phó với khủng hoảng (nguồn từ ngân sách nhà nước và từ xã hội hóa). Xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thực hành văn hóa - nghệ thuật ở Việt Nam. Bên cạnh đó, xây dựng những chương trình có sự hợp tác công - tư dài hơi và tổng thể, tạo điều kiện cho nghệ sĩ, các không gian văn hóa ngoài công lập có môi trường thuận lợi để sáng tạo và góp phần lớn hơn vào sự nghiệp phát triển bền vững của kinh tế, xã hội và văn hóa đất nước. Huy động nguồn lực hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân thực hành văn hóa nghệ thuật. Cốc Vũ |
Đậu Dung