Hậu 20/11: Mở "gói quà" phụ huynh gửi thầy cô

25/11/2016 - 10:03

PNO - Tết Biết Ơn 20/11 này, các phụ huynh gửi món quà gì cho thầy cô của con cái mình? Là tôi, ông bố có 3 đứa con đang tuổi đi học, tôi sẽ gửi tặng thày cô của con mình những món quà này.

1. Ứng trước lòng tin - đợi chờ trách nhiệm

Tôi chắc rằng thứ mà các thày cô cần nhất từ các phụ huynh chính là lòng tin mà các phụ huynh dành tặng họ. Làm sao thày cô dạy được học trò nếu như cha mẹ chúng không tin vào thày cô? Lũ trẻ nhạy cảm vô cùng.

Nếu cha mẹ chúng không tin vào thầy cô thì lấy gì để lũ trẻ tin và tôn trọng thầy cô của mình? Giữa một xã hội mà chỉ một thay đổi nhỏ về giáo dục cũng có thể tạo thành cơn địa chấn, một lời phê sai cũng thành đề tài báo chí khai thác, một hành động vô tình có thể bị gắn mác "hồi chuông cảnh tỉnh", một giáo viên sai có thể thành nghề giáo viên bạc... Thì lòng tin của phụ huynh thực sự là món quà đắt giá nhất dành cho các thày cô. Từ ứng trước lòng tin ấy, phụ huynh cần thấy "lãi" ngay bằng trách nhiệm của thày cô thể hiện trở lại. Là trách nhiệm chứ không phải nghĩa vụ.

Trách nhiệm của một con người được tin tưởng chứ không cần đến trách nhiệm của một giáo viên với những thành tích trước Sở, Bộ hay những thứ bằng khen này nọ. Tin vào thày cô đang trực tiếp dạy con mình! Đừng để sự nghi ngờ bóp chết lòng yêu trẻ, yêu nghề của các thầy cô.

Hau 20/11: Mo
Ảnh minh họa.

Ứng một lòng tin để nhận về sự tận hiến, trách nhiệm và cả lòng biết ơn của chính thầy cô với sự phối hợp, giúp đỡ này. Để tạo ra tam giác bền vững giữa Học Trò với Thầy Cô- Con cái với Cha Mẹ- Thầy Cô với Cha Mẹ. Bất cứ một cạnh nào trong tam giác này khuyết cũng sẽ dẫn đến việc thất bại trong giáo dục hôm nay.

2. Chúng không phải học trò, chúng là rất nhiều vĩ nhân - thiên tài - vip...

Thầy cô thay vì nghĩ học trò là những đứa trẻ con mình đang dạy dỗ, hãy nghĩ về chúng như những người lớn đi! Chúng có thể là một thi sỹ, một nhà văn, một nhà thiết kế thời trang, một ca sỹ, một bác sỹ, một thủ tướng, một giáo viên, một nhà tài phiệt, một đại gia... mai này.

Tôi thực lòng không thích các thày cô luôn miệng nói: Tôi coi học trò như con cháu trong nhà. Thường là sau những câu đó là giấy phép được bạo hành trẻ.

Nếu học trò của thày cô chỉ là con cháu trong nhà thì phụ huynh cho con đi học làm gì? Cha mẹ thừa khả năng để làm việc đó tốt hơn thày cô vạn lần. Thứ mà cha mẹ mong thày cô làm với con họ đó là khuyến khích chúng phát triển những tư chất đặc biệt của chúng.

Để không phải một lớp 40 cháu cả 40 cháu đều tăm tắp giống nhau. Tôi sợ những đứa trẻ viết bài văn ước mơ của em giống 39 bài văn ước mơ còn lại. Chỉ khác về ngành nghề. Thày cô thay đổi tư duy, đừng coi học trò là trẻ con để rồi câu cửa miệng ngàn năm: Trẻ con thì biết cái gì? Thày cô đối xử với học trò như cách đối xử với những thiên tài, vĩ nhân tương lai. Một lớp học vì thế sẽ giống một xã hội thu nhỏ hơn.

Và khi đó, thày cô chính là thủ tướng, điều hành đất nước của mình. Mà trong đó, em A là Bộ trưởng Bộ Giáo Dục vì em muốn làm giáo viên. Em B là Bộ trưởng Bộ Khoa Học Công Nghệ vì em muốn làm kỹ sư. Chúng ta có một xã hội với nền tảng là sự tôn trọng khác biệt trước cả nề nếp hay những quy ước định kiến kiểu nhà văn phải mơ màng hay nhà kinh tế phải biết tính toán.

Nếu thày cô ứng dụng tư duy đó cho học trò, đối xử với học trò bằng sự tôn trọng (kể cả tôn vinh) thì tôi chắc chắn mỗi ngày học sẽ là ngày vui. Ta sẽ có một thế hệ học trò không phải rúm ró sợ sệt. Thẳng lưng sẽ thẳng lòng là vậy!

3. Kiến thức không bằng tỉnh thức

Một thày cô giỏi không phải bởi kiến thức uyên thâm mà là cái Tâm Mở. Tôi nghĩ vậy! Thay vì nhồi cho đủ lượng kiến thức sách vở vào cái đầu tí xíu của lũ học trò, sao không mở cho chúng những đường chân trời?

Tỉnh thức cho chúng về những khát vọng bay cao hơn nữa. Sử dụng kiến thức để lý giải cuộc sống. Bài giảng của thày cô thay vì định lý, định luật, định nghĩa sao không là cuộc sống hàng ngày. Dạy các con lý giải thay vì bài giải. Sự tiếp nhận của các con được đánh giá không phải bằng điểm số mà bằng những chỉ điểm mà các con nhận được.

Chúng ta đã có hàng ngàn năm khoa cử để rồi đoạt Olympic này kia nhưng rồi bước vào cuộc sống chỉ thấy tiếc 12 năm đèn sách vô ích là bởi thày cô chỉ chăm chăm luyện gà nòi mà quên rằng thịt gà ngon nhất là những con gà chạy bộ, tự do chạy nhảy.

Còn nhiều nhiều nữa những món quà phụ huynh sẽ gửi từ nay đến cả sau ngày 20/11. Chẳng phải chỉ để vui cùng ngày 20/11 mà là để nói về giáo dục, chúng ta sẽ giãn cơ mặt hơn chút, bớt nhíu mày hơn chút.

Để tôn sư trọng đạo không phải bằng lệnh điều động giáo viên đi tiếp khác, ngài Bộ trưởng phải biết xù lông nhím lên khi thấy "đồng đội" của mình bị đối xử thiếu tôn trọng như thế. Đồng đội của bộ trưởng là những giáo viên chứ không phải các quan chức, làm ơn!

Hoàng Anh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI