Hát xoan được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại

08/12/2017 - 11:00

PNO - Từ loại hình nghệ thuật nằm trong danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ, hát xoan đã chính thức trở thành Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Sáng nay (8/12), phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO tiếp tục diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc. Trong đó, hát xoan Phú Thọ đã được UNESCO đưa ra khỏi danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ, trở thành Di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại. Trước đó, vào tháng 11/2011, UNESCO đã đưa hát xoan vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ tại hội nghị lần thứ 6.

Hat xoan duoc cong nhan la di san van hoa phi vat the cua nhan loai
Hát xoan được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại

Hát xoan là loại hình nghệ thuật trình diễn, bao gồm: nhạc, hát, múa... Hát xoan bao gồm 3 chặng: hát thờ (tưởng nhớ các Vua Hùng, các vị thần, những người có công với dân, với nước và tổ tiên của các dòng họ), hát nghi lễ (ca ngợi thiên nhiên, con người, đời sống sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng), hát hội (bày tỏ khát vọng trong cuộc sống, tình yêu nam nữ với những làn điệu đậm chất trữ tình, vui nhộn, được thể hiện qua hình thức hát đối đáp giữa trai, gái làng sở tại và các đào, kép của phường xoan...). Từ đó, hát xoan được xem là việc gắn liền với phon tục thờ cúng vua Hùng, thành hoàng, thờ thần.

Video clip hát xoan Phú Thọ - Trống quân:

 

Hát xoan thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân. Mỗi phường Xoan được thành lập tại một điểm nhất định tại cửa của đình làng nhằm mục đích để các làng giao lưu với nhau. Một phường xoan thường là những người có mối quan hệ họ hàng với nhau. Đứng đầu một phường Xoan là ông trùm phường - người dạy nghệ thuật hát xoan, đồng thời là người tổ chức biểu diễn. Theo hầu ông trùm là các cô đào trẻ. 4 phường xoan cổ nổi tiếng là: An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét.

Hôm qua (7/12), vào phiên họp buổi chiều, UNESCO đã công nhận nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một loại hình nghệ thuật kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Bài chòi có hai hình thức chính: chơi bài chòi và trình diễn bài chòi. Đây cũng là một hoạt động thường diễn ra trong dịp Tết. Những người lưu giữ và thực hành nghệ thuật bài chòi là các anh chị Hiệu, những nghệ nhân biểu diễn bài chòi đơn lẻ và những nghệ nhân làm thẻ bài.

Hat xoan duoc cong nhan la di san van hoa phi vat the cua nhan loai
Bài chòi Trung Bộ cũng vừa được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI