edf40wrjww2tblPage:Content
Bà Mai Hương thường ngậm ngùi ngắm di ảnh của đứa con gái vắn số
Oằn gánh thâm tình
Kể chuyện đời mình, bà Hương ít khi nhớ chính xác. Nhưng có lẽ nhờ “quên được”, bà mới sống nổi. Trong ký ức bừa bộn, rách bươm của bà, hầu như mỗi cái tên người thân là một nỗi đau thắt ruột: chồng chết trong cơn bão dữ chỉ bảy ngày sau khi bà sinh đứa con út; cặp song sinh con bà cũng rủ nhau ra đi chỉ trong ba ngày vì bệnh và đói. Con gái út qua đời ở tuổi 24. Đã ba năm, bà vẫn chưa nguôi ngoai, lòng luôn day dứt vì để vuột mất con trong khi vẫn có thể cứu được nếu chạy lo tiền mổ. Trước đó, con gái bà bị tai nạn giao thông gây nhức đầu kinh niên, bà mua thuốc cho uống để làm dịu cơn đau chứ không đưa đi bệnh viện khám. Nào ngờ, một ngày, cô tựa vào vai bà, gục chết. Như biết trước sự ra đi, vài hôm trước, cô đã đem hình của mình và mẹ đi họa lớn để… thờ.
Năm 2011, cách ngày con gái út mất chỉ hai tuần, em trai bà cũng ra đi. Trong một đêm mưa, người em câm điếc bẩm sinh xui rủi bị xe cán chết khi chạy tìm các con đang lần dò ăn xin trên đường phố Cà Mau. Người em dâu bị bệnh tâm thần từ nhỏ, giờ nhồi thêm cú sốc mất chồng nên bệnh tình càng trầm trọng và đã bỏ nhà đi biệt tích trong một cơn cuồng loạn. Gia đình của người em dâu cũng có ba người tâm thần nên không thể cưu mang đàn cháu nhỏ: đứa lớn 13 - đứa nhỏ mới ba tuổi. “Sẩy cha theo chú, sẩy mẹ bú dì”, thương sáu đứa cháu mồ côi, bà Hương dang tay bao bọc chúng trong cảnh “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”. Tai ương dồn dập và nhất là sự ra đi đột ngột của cha khiến cậu con trai cả Nguyễn Thanh sốc nặng, phát bệnh tâm thần. Thanh vào ra lóng ngóng, tới cơn là la hét, rượt đánh người thân. Có đợt Thanh bỏ đi mấy ngày, may nhờ gặp người quen nên họ đưa về nhà. Những khi tỉnh, Thanh lại trầm ngâm ngồi hàng giờ bên mộ ba, lau mộ sạch bóng, rồi lẻn vào nhà bà con trộm chén cơm nguội, rắc muối trắng để cúng.
Chưa vơi nỗi đau này, nỗi đau khác lại ập đến. Mấy lần tiễn người thân, bà đau khổ đến phát cuồng, đập đầu vào tường, xé nát quần áo. Bao nhiêu năm, trên đôi môi khô hạn, nụ cười đã bỏ bà đi mất. Mảnh đất quê hương chất chứa quá nhiều kỷ niệm buồn cộng với công việc làm thuê làm mướn bấp bênh, bà Hương quyết định đưa mẹ già và đàn cháu lên TP.HCM tìm kế sinh nhai. Dù được nhiều người tốt giúp đỡ, nhưng cái khổ dường như đã quen mặt quen tên, cứ bám riết bà.
Bữa cơm của gia đình bà Mai Hương với thực đơn quen thuộc - nước tương
Cho cháu một ngày mai
Căn phòng trọ nhỏ xíu của bà Hương hầm hập nóng, tám người chen chúc như “cá mòi hộp”. Bà không có nổi chiếc ti vi, quạt máy; chiếc xe đạp cũng mượn của người quen. Khi chụp hình, tôi gợi ý bà thay bộ quần áo khác cho “ăn ảnh”, bà âm thầm bước ra sào, lặng lẽ vắt cho ráo bộ quần áo vừa giặt, đang phơi. Tôi nao lòng, bà không có tới bộ quần áo thứ ba. Bữa ăn toàn cơm nước tương, có khi được cải thiện bằng nắm rau muống ngắt vội ven đường. Những người ở trọ cùng khu cứ tưởng nhà bà ăn chay. Nhiều bữa bà bệnh, nghỉ làm, nhà không có cả gạo để nấu cháo.
Chắt chiu đồng lương tạp vụ ít ỏi, bà đem trả món nợ mượn làm đám tang, mua đất chôn cất em trai mấy năm trước. Lãi mẹ đẻ lãi con, món nợ mấy chục triệu như dây thòng lọng lửng lơ trước mặt bà. Nhiều khi cùng quẫn, bà muốn quyên sinh, nhưng nghĩ đến cảnh các cháu sẽ bị chủ nợ đánh đập, bà lại cố sống. Tiền trả nợ, bà đặt lên hàng đầu, tiền mua gạo chỉ là thứ yếu, nói gì đến mua thuốc điều trị cho mẹ già bị tai biến - hen suyễn, các cháu đứa bị tâm thần, đứa tê thấp, đứa đau gan… Có lần, bà đi bán máu để đổi gạo, nhưng do sức yếu, đói rã, bà ngất xỉu ngay ở cổng bệnh viện. Khi tỉnh dậy, tiền đã bị ai lấy trộm mất, bà thất thểu ra về. Nhà lại thiếu gạo, bà lại nhịn ăn nhường phần cho mẹ, cho cháu. Bà chỉ nặng 25kg là vì thế.
Các cháu bà Hương thường ra đứng xớ rớ trước quán cơm gần cổng công ty để ngửi mùi thơm thức ăn. Chúng đứng lì, bà kéo về không được. Ngại với đồng nghiệp, mỗi khi thấy chúng đứng “dòm miệng”, bà Hương liền lấy khúc cây dọa đánh. Miệng dọa, tay quơ đuổi cháu về mà ruột bà đau quặn. “Tụi nó đói quá mới vậy. Mình mà còn thèm nói gì tụi nó đang tuổi ăn tuổi lớn” - bà Hương bùi ngùi.
Vì thương mẹ, thương lũ cháu khờ, bà quyết không để số phận dìm chết. Vất vả đến mấy, bà cũng cố gồng gánh, chu toàn. Buổi trưa, vừa xong việc ở công ty, bà vội đạp xe về để nấu cơm, giặt giũ, săn sóc các cháu, cho mẹ già uống thuốc điều hòa huyết áp. Bà cụ bước qua tuổi 74 đã yếu sức và bị lẫn, nhiều lúc đánh cả bà Hương. Sợ mẹ và cháu Thanh lên cơn bỏ nhà đi mất, không còn cách nào khác, khi đi làm, bà đành khóa trái cửa, nhốt mấy bà cháu trong phòng trọ lợp tôn nóng như rang. Bà dắt theo hai cháu nhỏ (đứa sáu tuổi, đứa bảy tuổi) để chúng không bị anh “bạo hành”. Buổi tối, cũng đèo theo hai cháu nhỏ, bà vào quán ăn xin rửa chén để kiếm thêm tiền. Tháng trước, cháu ngoại bị bệnh suyễn, gan, phải nhập viện, bà vừa chạy lo mượn tiền vừa đi làm, vừa chăm cháu. Con gái lớn, núm ruột duy nhất còn lại của bà cũng bệnh tim, gia cảnh thiếu trước hụt sau nên nhiều lúc vẫn cần bà bao bọc.
Buồn chán, hờn trách số phận cũng không ích gì, mỗi ngày, bà tập cười cho đời bớt khổ. Niềm an ủi cho bà là các cháu đều ngoan hiền, hiếu thảo. Nguyễn Thanh khi tỉnh thường nắm tay dặn “cô Hai đừng chết, cô ráng sống để nuôi tụi con”. Thấy bà tỏ vẻ âu lo, Thanh hỏi “có phải người ta đòi nợ không cô Hai?” và cậu cũng thức suốt đêm để “phụ buồn” với bà. Cậu em kế Thanh tên Nguyễn Bình cũng sớm quàng gánh với bà bằng việc bán vé số. Mỗi ngày, cậu lặn lội hàng chục cây số, đi bán đến tận khuya để kiếm mấy chục ngàn phụ cô nuôi các em. Ai rủ đi làm xa với đồng lương cao, việc nhàn, cậu nhất quyết từ chối vì sợ ở nhà cô Hai xỉu nửa đêm, không ai lo. Các cháu nhỏ theo bà Hương vào công ty phụ làm những công đoạn đơn giản, được các cô chú thương, cho ít quà bánh. Ai cho gì ngon, các cháu cũng để dành bà nội, cô Hai. Các cháu thường hát những bài nhạc chế để chọc cô cười, giúp cô khuây khỏa.
Sợ các cháu thiếu thốn, làm điều bậy bạ, bà Hương luôn nhắc nhở “không có thì xin, chứ đừng ăn cắp của người ta”. Nghèo khổ đã đành, làm chuyện xấu sẽ mang thêm cái nhục, không dám ngẩng mặt nhìn ai. Dù cái ăn đã khó, bà Hương luôn mong các cháu được học hành, không mù chữ như bà. Trong buổi chuyện trò khá lâu với tôi, bà chỉ tươi cười một lần khi khoe mới gửi được hai cháu nhỏ vào Làng SOS (Q.Gò Vấp, TP.HCM). Bà hy vọng hai cháu sẽ có tương lai tốt đẹp. Nghĩ về các cháu lớn, bà lại nhủ mình cố gắng hơn nữa để một ngày nào đó gia đình sẽ qua cơn bĩ cực, các cháu sẽ được trị hết bệnh, tiếp tục đường học dang dở.
TÔ DIỆU HIỀN
Quan tâm đến hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Mai Hương, bạn đọc vui lòng liên hệ qua
ĐT: 01638810974, ĐC: 90/4B Dương Công Khi, ấp 4, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ: vuotlennoidau@baophunu.org.vn