Ba bệnh. Tôi rón rén ngồi xuống, khẽ khàng hết mức có thể. Tôi nhìn ba rồi nhìn thật lâu sang cái màn hình nhỏ như quyển tập học sinh với những chỉ số theo dõi tình trạng nhịp tim, huyết áp… cứ nhún nhảy đều đặn như những con sóng ngoài khơi.
***
Có những chuyện trên đời này ai cũng biết, cũng tự trấn an mình mỗi ngày nhưng không phải khi nó đến là có thể bình thản đón nhận. Bệnh tật của tuổi già là một trong số ấy. Biết bao lần tôi nghe xung quanh mình, nghe từ chính ba mẹ mình cái phẩy tay nhẹ hẫng: “Sinh, lão, bệnh, tử mà con, có gì đâu!”. Nhưng lần nào ba vướng phải bệnh tật, tôi đều thấy ba rất chật vật để đi qua. Thậm chí, có khi tôi còn kịp thấy cả cái quay đi thật nhanh để giấu giọt nước nơi khóe mắt già nua nhiều mệt mỏi.
Sau phẫu thuật, tay chân còn chằng chịt dây nhợ, túi ống, đêm, ba vẫn tự nhích từng bước đi vệ sinh. Ghé vai đỡ nửa thân người cho ba, tôi nghe được sự run rẩy của từng khối cơ, nghe được nhịp đập loạn xạ nơi trái tim, thấy mồ hôi túa ra vì đau. Vậy mà ba luôn miệng nói ba tự làm được, ba đỡ nhiều, ba ăn ngon, ngủ đi con…
Nằm với ba trong phòng bệnh, nửa đêm, tôi giật mình thấy cái mền trên bụng ba đã ở trên bụng mình từ lúc nào. Tinh sương đã nghe ba gọi điện thoại, thều thào với mẹ rằng “con nhỏ nằm còng queo lạnh lẽo, chắc ngủ không được”; rằng “tại tui mà con nó bơ vơ ở nhà, không có ai đọc sách hay dạy học”, rằng “chắc nó phải nghỉ làm”… Sau đó một hai hôm là ba kiên quyết không cho chị em tôi ngủ lại, rằng “tụi con ở nhà đi, ba khỏe rồi!”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
***
Mẹ tôi cũng vậy. 5 lần mang nặng đẻ đau, bà sinh toàn con gái. Tình thương của người mẹ đối với con gái không chỉ là sợi dây mẫu tử thiêng liêng mà là sự thấu cảm sâu sắc trọn đời. Cô con gái dù bao nhiêu tuổi vẫn luôn là đứa con nằm sâu trong trái tim người mẹ bằng một niềm thương sâu sắc.
Ngày con dậy thì loay hoay sợ hãi, mẹ hướng dẫn tỉ mỉ cho con. Mẹ đi làm mà lòng dạ vẫn không yên. Ngày con mắt lúng liếng chải tóc, hẹn hò, mẹ ngồi nhìn, ý nghĩ này tiếp nối ý nghĩ kia, vui buồn lẫn lộn.
Ngày con theo chồng, lần nào cầm tay từng đứa con trao cho mẹ chồng, lúc quay đi, bóng lưng mẹ dường như chùng xuống một chút, đôi chân mẹ như mượn của ai, đoạn đường mẹ ra xe đi mãi không tới. Ngày các con vào phòng sinh, mẹ thức trọn quãng thời gian đợi cháu, không nói gì cũng không ăn uống gì, đứng lên ngồi xuống không yên. Có lần tôi đã nghĩ những lúc chị em tôi “đi biển mồ côi” trong ấy, mẹ dường như không còn sống đời hiện tại.
Từng ấy lần, từng ấy tháng năm, trái tim mẹ để ngoài cơ thể mình như vậy, sao có thể chịu nổi?
Cơn hen suyễn thường xuyên đánh ngã mẹ. Những lúc đổi mùa, mẹ phải uống rất nhiều loại thuốc nhưng vẫn âm thầm gánh chịu những cơn ho oặt người mãi đến khi phải gọi xe cấp cứu vì kiệt sức. Trước đó, tất cả cuộc gọi của chị em tôi đều nhận được câu trả lời: “Ôi, mẹ khỏe, ho có mấy tiếng mà! Người già nào chẳng vậy!”.
Tôi biết, ba mẹ sợ chúng tôi vất vả lo lắng, sợ chúng tôi đau lòng, sợ là gánh nặng cho những đứa con mà suốt đời ông bà nghĩ mình phải dang tay chở che chứ không phải sợ những cơn đau của chính mình. Nỗi sợ của ba mẹ đã nhiều lần khiến mấy chị em tôi hờn giận. Hết đứa này nói ba mẹ kỳ cục, đứa kia trách 2 người đổi tánh, lẩm cẩm.
Ba mẹ sinh con và nuôi lớn, con còn khỏe, chăm lo khi ba mẹ già yếu thì có gì mà phải bận lòng?
***
Cho đến khi chúng tôi lần lượt sinh ra, nuôi lớn những đứa con của chính mình…
Con tôi nghịch ngợm bị thương ở bàn tay, vùng vẫy không khâu được, bác sĩ chỉ định gây mê. Tôi ở ngoài, 2 mắt căng ra hết cỡ, chăm chăm nhìn 3 chữ “phòng hồi sức” không rời, tim như ngừng đập mỗi lần ai đó mở cửa, thấp thỏm nghe gọi tên. 30 phút con bên trong, mẹ bên ngoài ngỡ như 30 năm trôi qua. Tôi nhớ mình không màng đến việc chân không giày dép, túi xách không nhớ để ở đâu, không quan tâm ai nhìn mình, nước mắt lem nhem, tóc tai rũ rượi…
Cháu tôi bị sốt xuất huyết. Cơn sốt này cứ nối tiếp cơn sốt khác, cơ thể nóng như một hòn than. Gần 10 ngày, bất cứ khi nào mở mắt ra, tôi cũng thấy em gái mình ngồi chăm chăm nhìn thằng bé. Lát sờ tay, lát sờ chân, lát lau mát, lát bế, lát ru… Nằm với 2 mẹ con, tôi mong đỡ đần cho em nhưng không bao giờ cháu ọ ẹ mà tôi ngồi dậy kịp với em tôi. Cô em út được cưng chiều, mê ăn mê ngủ nhất nhà bật dậy như một chiếc lò xo rất chuẩn xác, luôn biết con cần gì.
Không nói ra nhưng tôi hiểu, toàn bộ trái tim và tâm trí của em, của tôi hay tất cả những ai làm mẹ, những lúc đó chỉ có một ước nguyện duy nhất: lãnh được những cơn đau, những cơn sốt, những bất trắc cho con. Khi ấy, chúng tôi không mảy may nghĩ về mình nữa.
Tôi nhớ, trong đêm tối, mình đã lặng người khi nghe em thì thào ru con: “Ví dầu cầu ván đóng đinh…”. Khi đó, tôi có cảm tưởng như đang ngồi xem một bộ phim về những ngày xưa trong ký ức, thuở chị em chúng tôi là những đứa trẻ, cũng sốt, cũng gặp những tai nạn, đau đớn… Ba mẹ cũng như tôi, như em tôi bây giờ - cũng bế, cũng hát và cũng đau.
Hóa ra nỗi sợ già, sợ bệnh, sợ bất trắc… cùng với tất cả những nỗi sợ hãi của những người làm cha làm mẹ trên thế gian này có mấy khi là cho bản thân. Tình yêu thương của ba mẹ dành cho con có lẽ là thứ gia sản quý giá vô cùng, là đặc ân đi theo mỗi người từ khi chào đời đến hết cuộc đời này. Nếu không có, nếu ta đánh mất… thì sẽ ra sao?
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
***
Mới đây, em gái tôi chơi thể thao không may bị tai nạn, phải phẫu thuật nối dây chằng. Hễ tựa vào nạng, đặt chân xuống để tập từng bước đi là nước mắt nó chảy dài. Đỡ em ngồi xuống, mãi hồi lâu tôi vẫn nghe tiếng rấm rứt. Tôi xoa xoa chân, nhè nhẹ dỗ dành em như ngày còn bé hay bế nó đi chơi: “Nín đi, lát hết thôi mà!”. Như cái đập bị ai tháo nước, nó khóc rống lên: “Út nhớ ba quá! Chắc mấy lần mổ, ba đau biết chừng nào mà mình đâu có hiểu”.
Hiểu thấu lòng ba mẹ mình đâu dễ hả em? Đôi khi phải chờ trải nghiệm, đợi thời gian. Tất nhiên, hầu hết khi ta hiểu ra thì mọi việc đã qua, thậm chí 2 đấng sinh thành không còn trên đời này nữa. Những xúc cảm thương nhớ, ân hận, tiếc nuối luôn đi theo con người âu cũng là lẽ đời. Đôi khi, tôi cố an ủi bản thân hay nói với chị em mình như vậy. Biết đâu nhờ thế đó mới là cuộc sống!
Hạt mưa từ trên cao rơi xuống chứ không từ dưới đất trồi lên. Ba mẹ tôi từng nhiều lần cười và nói đi nói lại với chúng tôi như một sự trấn an. Điều đó luôn đúng nhưng có lẽ chưa đủ. Những cái cây đón nhận những hạt mưa trở nên tươi tốt, mạnh mẽ. Hãy để chúng tỏa hơi nước góp sức cho những cơn mưa.
Tình yêu thương và lòng biết ơn của con người nhất định không thể thiếu trong cuộc đời này. Đón nhận tình yêu, lòng biết ơn và sự chăm sóc của con dành cho mình là thừa nhận con trưởng thành. Điều đó nên mà, phải không?
Triệu Vẽ