“Dẫu con đi trăm nẻo/Vẫn hướng về mẹ thôi’’
Sinh ra và lớn lên tại TPHCM trong một gia đình gốc miền Trung có 11 người con, từ nhỏ, cô gái út Đoàn Thị Kim Hồng đã được thừa hưởng nền tảng giáo dục sâu sắc từ gia đình.
Mẹ chị - bà Nguyễn Thị Hội - là một phụ nữ cả đời hy sinh vì chồng con, luôn nhẫn nại dạy con tình yêu thương, sự tận tâm với gia đình. Ba chị - ông Đoàn Chiến - luôn lấy nhân nghĩa làm đầu, để lại cho con những bài học quý giá về cuộc sống. Ông thường khuyên con: "Một điều nhịn chín điều lành". Ông còn nhắc nhở: "Cái tốt hôm nay chưa chắc là cái xấu ngày mai và cái xấu hôm nay cũng chưa chắc là cái xấu của ngày mai" như một cách nhìn nhận sự biến đổi của cuộc sống với tâm thế bình thản. Lời dạy của ba giúp Kim Hồng có thêm nhiều kiến thức để sau này quản trị, đánh giá về con người.
|
Chị Kim Hồng bên mẹ của mình. Ảnh chụp năm 2019 |
Khi ba qua đời, Kim Hồng càng nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm báo hiếu mẹ. Đã nhiều lần tôi có dịp tham dự lễ mừng thọ mẹ chị. Hình ảnh bà Nguyễn Thị Hội với gương mặt hiền lành, phúc hậu giữa vòng tay yêu thương của 11 người con và các cháu nội ngoại luôn để lại ấn tượng khó quên trong tôi.
Một lần từ Mỹ về Việt Nam đón Noel và tết dương lịch, trên chuyến bay về nhà, bất ngờ nhận tin mẹ bệnh phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, lòng dạ rối bời, chị chỉ biết cầu nguyện cho mẹ vượt qua. Đổi lại, chị sẵn sàng ăn chay 3 năm. Điều kỳ diệu đã xảy ra khi mẹ chị bất ngờ hồi phục. Đêm giao thừa năm ấy, chị nhìn mẹ, xúc động viết nên bài thơ Về bên mẹ:
“Con mong mẹ mãi khỏe
Làm chiếc neo cuộc đời
Dẫu con đi trăm nẻo
Vẫn hướng về mẹ thôi.”
Thời điểm dịch COVID-19 ập đến, chị cố gắng bên mẹ từng giờ, từng ngày. Mẹ qua đời trong lòng chị. Vào thời khắc đầy khó khăn ấy, chị đã viết nên những dòng thơ xúc động:
“Giờ mẹ đã về nơi xa lắm
Chúng con bơ vơ trên quãng đường đời
Trái tim mẹ bao la đã ngừng đập
Để lệ chảy dài trong tiếng nghẹn mẹ ơi...”
(Chiều nay nhớ mẹ)
Nhớ lại hình ảnh mẹ trong những mùa Vu Lan trước, Kim Hồng đã tiếp nối những việc làm đẹp đẽ ấy. Chị mời gần 400 gia đình khó khăn tại phường Đông Hưng Thuận (quận 12, TPHCM) cùng người dân 10 phường lân cận đến nhận những món quà nhỏ đầy tình người gồm gạo, mì và gia vị (trị giá mỗi phần quà gần 500 ngàn đồng). Chị tâm sự, mẹ chị luôn dạy làm việc thiện không cần to tát, quan trọng là phải xuất phát từ lòng thành. Chị xúc động chia sẻ: "Tôi tin mẹ sẽ cảm nhận được tình yêu tôi dành cho mẹ. Tôi mong rằng những việc làm nhỏ bé này sẽ mang lại phước lành không chỉ cho mẹ mà cho cả những mảnh đời khó khăn".
Với Kim Hồng, báo hiếu không chỉ là nghĩa vụ của một người con mà còn là cách giữ lại và lan tỏa những giá trị nhân văn mẹ chị đã gìn giữ trọn đời.
Lan tỏa chữ Hiếu đến nhân viên, cộng đồng
Với Kim Hồng, chữ Hiếu là nền tảng của mọi đạo lý, là cội nguồn của nhân cách. Chị cho rằng ở bất kỳ hoàn cảnh hay vị trí nào, ai cũng phải ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ bởi có cha mẹ mới có mình trên đời này.
Trong vòng xoáy thương trường, các doanh nhân dễ bị cuốn vào guồng quay công việc, ít có thời gian chăm sóc cha mẹ. Từng là Phó Chủ tịch Hội Quảng cáo Việt Nam, Kim Hồng thường chia sẻ với các doanh nhân rằng đừng để khi cha mẹ mất đi mới báo hiếu bằng những mâm cỗ to đầy mà hãy ở bên cha mẹ thật nhiều. Đó chính là món quà lớn nhất các đấng sinh thành cần ở con cái.
|
Mẹ của chị Kim Hồng bên 11 người con |
Khi cha mẹ không còn, mọi sự hối hận đều muộn màng. Với chị, sự thành đạt không thể đo lường bằng tiền bạc hay danh vọng, mà nằm ở khả năng giữ trọn chữ Hiếu, cân bằng trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Những doanh nhân thành công nhất, theo chị, là những người biết lấy chữ Hiếu làm kim chỉ nam. Sự yêu thương và biết ơn cha mẹ không chỉ là động lực mạnh mẽ để họ vươn lên mà còn giúp họ thấu hiểu giá trị của lòng nhân ái. Những giá trị ấy là nguyên tắc sống của Kim Hồng, được chị lan tỏa đến nhân viên.
Chị Trần Kim Thoa - Giám đốc tài chính Công ty CIAT - cho hay, trước đây, vì cuộc sống khó khăn, phải lo cho gia đình chồng, chị ít có thời gian chăm sóc mẹ ruột. Chứng kiến hình ảnh người chị, người lãnh đạo của mình dù bận rộn vẫn hiếu thảo, chị quyết định mỗi tháng phải về Long An một lần để thăm, chăm lo cho mẹ. “Năm 2018, mẹ tôi bị bệnh nặng, bệnh viện Long An chẩn đoán khó qua khỏi. Vậy nhưng chị Hồng đã bảo tôi “còn nước còn tát”. Chị giúp tôi chuyển mẹ từ Bệnh viện Long An lên Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM), nhờ đó mẹ tôi bình an thêm được 3 tháng” - chị Thoa nhớ lại.
|
Chị Kim Hồng (thứ 4 từ phải sang) tổ chức phát quà cho bà con ở quận 12, TPHCM. |
Anh Nguyễn Văn Sửu - nhân viên lái xe Công ty CIAT - đã xa quê hương Thừa Thiên - Huế hơn 20 năm. Vì cuộc sống mưu sinh vất vả, anh không có thời gian về thăm quê. Biết được điều này, khi tổ chức festival tại Huế năm 2000, chị Kim Hồng đã đưa anh Sửu vào thành viên của đoàn để anh có cơ hội về thăm nhà. Khoảnh khắc người cha già nhận ra con trai và hỏi: "Mày có phải thằng Sửu không, sao bao năm nay không về?" đã khiến anh lặng người trong sự ăn năn.
Anh Sửu kể: "Sau lần đó, chị Hồng thường cho tôi tiền, quà gửi biếu cha mẹ tôi. 3 năm sau, mẹ tôi mất. 6 năm sau, ba tôi mất. Nhờ chị Hồng mà tôi có dịp về thăm gia đình trước khi ba mẹ qua đời. Nếu không có lần đó, có lẽ bây giờ tôi ân hận lắm. Với tôi, chị không chỉ là lãnh đạo mà như người thân trong gia đình".
Chị luôn chia sẻ với nhân viên rằng yêu thương cha mẹ hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, mọi lúc, mọi nơi. Khi cha mẹ nhân viên bị bệnh, chị luôn khuyến khích họ về chăm sóc và vẫn tính ngày công. Dịp sinh nhật cha mẹ nhân viên, chị thay mặt công ty gửi quà, như một cách nhắc nhở họ trân trọng và báo đáp đấng sinh thành.
Từ những câu chuyện đời thường, nữ doanh nhân ấy đã lan tỏa tình cảm hiếu thảo trong lòng những người xung quanh, biến chữ Hiếu thành một giá trị đẹp, tạo nên sức mạnh gắn kết trong gia đình, cộng đồng. Với chị, chữ Hiếu chính là hạt mầm của tình yêu thương và trách nhiệm ở mỗi doanh nhân.
Thể lệ cuộc thi Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình Bài viết tham dự cuộc thi phải giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình trong việc giữ gìn nếp sống hiếu đạo đối với bậc sinh thành và người thân trong gia đình, đóng góp cho cộng đồng. Họ có thể là doanh nhân người Việt, gốc Việt đang sinh sống, kinh doanh trong nước và/hoặc các quốc gia khác. Bài viết thể hiện lối sống của doanh nhân đối với người thân là: ông bà, cha mẹ, vợ con, cháu trong gia đình; thông qua các câu chuyện/tình huống ứng xử trong gia đình, giúp doanh nhân luôn cân bằng giữa công việc ngoài xã hội với việc chăm sóc gia đình. Tác phẩm dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào khác, chưa được đăng báo. Nhân vật trong bài viết có thể đã được ghi nhận gương điển hình trong các bài viết trên báo chí, là nhân vật trong các cuộc thi viết khác, giải thưởng khác. Bài viết về doanh nhân phải được sự cho phép của nhân vật. Mỗi tác phẩm từ 800 đến không quá 2.000 chữ, được đánh máy bằng tiếng Việt. Bài viết có hình ảnh (nhân vật, hoạt động liên quan tới việc chăm sóc bậc sinh thành, người thân...) phù hợp với nội dung (cần ghi rõ nguồn, tên tác giả ảnh). Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 20 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 5 triệu đồng/giải. - 5 giải Khuyến khích, trị giá 3 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết được yêu thích do bạn đọc bình chọn (tính theo lượt like lượt share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM) trị giá 1 triệu đồng. Cùng với giải thưởng hiện kim, các tác giả còn được trao giấy chứng nhận của ban tổ chức cuộc thi. Các tác phẩm được trao giải và đạt chất lượng sẽ được tuyển chọn để xuất bản thành sách (sách giấy và sách điện tử). Bài dự thi (bao gồm file bài viết, file hình ảnh) gửi về email: doanhnhanvachuhieu@baophunu.org.vn. Điện thoại: 0966182727. |
Tâm An