Hạt hòa bình từ hoa lửa chiến tranh

12/01/2018 - 09:54

PNO - Mẹ, mãi là bông hoa rạng ngời trong lửa đạn, gieo xuống những đứa con ngọn hùng anh tiếp nối cho công cuộc hòa bình. Họ, từ lúc hoài thai cho đến khi cái chết xông đến, luôn khát khao sống một lần cho lẽ yêu thương.

Tôi gặp “Em bé giải phóng quân” Trần Diệp Dũng hôm nào vào thời điểm Sài Gòn đang hồi hộp chờ Quốc hội khóa XIV “bấm nút” thông qua dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm để phát triển TP.HCM bền vững.

“Tắc nghẽn lớn nhất có lẽ tập trung nhiều ở cơ sở hạ tầng. Nếu bây giờ TP.HCM được chủ động nguồn để đầu tư xứng tầm, sẽ tạo ra cơ hội phát triển cho mọi loại hình doanh nghiệp”, giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Trần Diệp Dũng phát biểu về động tác “cởi trói” lần thứ hai vừa qua.

Hat hoa binh tu hoa lua chien tranh
Ông Trần Diệp Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), giảng viên thỉnh giảng chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright Ảnh: Quốc Ngọc

Bác sĩ lội ruộng, băng sình ngóng biển lớn

Xen lẫn ưu tư, ông Dũng không giấu sự khấp khởi về tương lai từ cơ chế phù hợp với tầm vóc của Tp.HCM. Cảm giác giống hệt như cách đây hơn một phần tư thế kỷ, ông quyết định chọn lối đi khác giữa ngã rẽ cuộc đời khi “bắt mạch” được cụm dự án phía Nam sẽ đưa thành phố thật sự thoát khỏi nền kinh tế chỉ huy, vươn ra hội nhập cùng thế giới.

Hoặc nó cũng không khác cái khí thế tuổi thơ những ngày tháng 4/1975, khi hai anh em cùng mẹ là bà Diệp Tú Anh - chiến sĩ biệt động thành - chào đón đoàn quân thống nhất, tiếp quản “Khu hành chánh quận 11” từ chính quyền cũ.

Chào đời năm 1968, cậu bé Diệp Dũng không biết mặt cha. Trước đó, cha mẹ ông cùng tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân. Cha ông - liệt sĩ Trần Huân Phương - đã hy sinh trong lúc bà Diệp Tú Anh vừa cấn bầu người con trai thứ hai. Vì mẹ phải tiếp tục hoạt động nội thành, mới 10 tháng tuổi, Diệp Dũng đã được gửi về cho ông bà ngoại - một thương gia giàu có ở Hội An - chăm sóc.

Trong khi đó, người anh lớn hơn ông một tuổi là Trần Diệp Tuấn - hiện là Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược TP.HCM - được gửi sang tận Campuchia cho các cơ sở cách mạng nuôi nấng. Mãi đến năm 1973, khi cách mạng cần một gia đình ba thế hệ sống chung làm bình phong che mắt địch, họ mới lại được đoàn tụ tại Sài Gòn đến hôm nay.

Ngoài truyền thống gia đình, không mấy ai biết chuyên gia kinh tế Diệp Dũng lại xuất thân từ ngành y. Do thấy anh trai học y, ông cũng muốn chứng minh cho mẹ thấy mình không thua kém. Thuộc top 20/600 sinh viên y khoa năm 1986 đủ tiêu chuẩn thi nội trú Trường đại học Y Dược TP.HCM, nhưng vừa tốt nghiệp năm 1992, chàng thanh niên dũng cảm tạo ra bước ngoặt lớn để khai mở cuộc đời bằng công việc nhỏ: trở thành một nhân viên bình thường tại khu chế xuất Tân Thuận.

Người tác động, ảnh hưởng để Diệp Dũng quyết định không làm bác sĩ nữa, chuyển hướng làm kinh tế là ông Phan Chánh Dưỡng - cố vấn kinh tế của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cuối năm 1989, nền sản xuất vốn đã kiệt quệ sau những cuộc cải tạo công - thương nghiệp, nền kinh tế vốn đã tiêu điều sau các chiến dịch giá lương tiền lại chịu thêm áp lực mới: thị trường truyền thống là các nước xã hội chủ nghĩa không còn, do Liên Xô và Đông Âu tan rã.

Giữa vòng vây cấm vận, xã hội điêu đứng vì tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, TP.HCM đã cựa mình thoát ra với hàng loạt dự án như khu chế xuất Tân Thuận, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu công nghiệp Hiệp Phước… Tất cả những dự án hướng về phía Nam này nhằm đưa TP.HCM tiến ra Biển Đông. Ông Dưỡng được giao xây dựng khu chế xuất Tân Thuận.

“Nghe chuyên gia lão luyện nói về ý nghĩa của dự án nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, tạo nguồn ngoại tệ đổ vào, du nhập phương pháp quản lý mới bằng công nghệ thông qua những nhà đầu tư, tìm thị trường mới cho nền sản xuất, từ đó giúp kinh tế Việt Nam từng bước hội nhập quốc tế , một bác sĩ mới ra trường như tôi chưa hiểu gì lắm. Nhưng cái khiến tôi ấn tượng nhất chính là con số 250.000 việc làm sẽ được tạo ra từ khu chế xuất này” - ông Dũng bộc bạch. 

Biết mình là dân “ngoại đạo”, cần phải cố gắng nhiều, bác sĩ hôm qua - chuyên gia kinh tế Fulbright sau này đã khởi đầu bằng đủ mọi công việc, thậm chí có khi chỉ là đi phô tô giấy tờ, gửi thư mời, công chứng... “Có lần phải đi trắc địa với nhóm kỹ sư xây dựng, trên đường đi, tôi phải vác máy thủy bình, ra đến ruộng lại phải lội sình ngập đến đầu gối để cầm thước Mia cho họ đo. Tủi thân, nhưng tôi dễ dàng vượt qua cái tự ái nhờ cái khát vọng muốn học hỏi bằng mọi giá. Và truyền thống gia đình không cho phép chúng tôi lùi bước” - ông mím môi.

Hồn thiêng của cha, tấm gương của mẹ

Nhắc đến gia đình, tôi xin phép đến thăm người mẹ can trường của ông. Bà Diệp Tú Anh năm nay đã 87 tuổi, nhoẻn miệng cười, xua tay: “Chuyện đã qua rồi”. Ký ức Mậu Thân đã được bà kể qua biết bao bài báo, phim ảnh, sách vở, tài liệu suốt 50 năm qua. Tôi chăm chú với tấm ảnh vợ chồng bà chụp lúc mới cưới trong chiến khu, treo trang trọng giữa phòng, bởi cả hai đều quá trẻ và đẹp. Người đàn bà thép mới bắt đầu rỉ rả một vài mẩu chuyện xưa.

Hat hoa binh tu hoa lua chien tranh
Bà Diệp Tú Anh - 87 tuổi, mẹ ông Diệp Dũng Ảnh: Quốc Ngọc

Nhớ lại ngày đoàn tụ sau hiệp định Paris, cả nhà làm bình phong ở Sài Gòn, bà Tú Anh rùng mình: “Đứa miền Trung vô, đứa ở Nam Vang về, ban đầu chúng tôi phải giao tiếp với nhau bằng ba thứ tiếng Việt, Hoa và Khơ-me. Đêm đầu ngủ chung, Diệp Dũng cứ thút thít đến khuya. Tôi thức suốt nhìn con. Sáng ra hỏi sao đêm con khóc không ngủ, Diệp Dũng trả lời tại không thấy ba, ai cũng nói con vào với má thì được gặp ba, mà chờ hoài có thấy đâu”.

Cho đến lúc đó, hai con trai vẫn không biết cha đã hy sinh. Vì lý do công tác, ngay bản thân bà cũng phải một năm sau mới được cho biết tin chồng chết.

 “Tấm gương của má, hồn thiêng của ba lúc nào cũng theo tôi. Làm bất cứ điều gì, tôi cũng có cảm giác có hai người ở bên cạnh giúp tôi vượt qua những khó khăn, thử thách. Họ dạy tôi sự trong sáng, công tâm, tất cả vì cái chung, sống lạc quan và có lý tưởng, là những điều luôn cần trong bất cứ thời đại nào” - ông Dũng tâm sự.

Nhìn núi công việc hiện tại ở Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Diệp Dũng vẫn không quên bài học mà ông tiếp thu từ việc “chạy bàn giấy” năm xưa: “Phỏng vấn các bạn trẻ xin việc, chưa xét về chuyên môn, tôi thấy kiến thức xã hội của họ có vấn đề. Nhiều người không biết cơ quan công chứng làm gì, cục thuế ở đâu.

Các bạn trẻ nên đóng góp nhiều trước khi muốn đưa ra yêu cầu được bổ nhiệm ở vị trí nào. Chưa trải nghiệm mà muốn giao trọng trách đồng nghĩa với rủi ro cao. Làm những việc lặt vặt với trái tim lớn, như lúc tôi đi gửi thư chẳng hạn, vẫn rút ra được điều hữu ích cho mình sau này. Cống hiến, sẽ nhận được những thứ không ngờ”.

Năm 1996, ông Dũng nhận học bổng Fulbright khóa thứ hai, học tại chỗ; năm 1997, được giữ lại làm trợ giảng cho chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright. Năm 1999, ông Dũng lại đậu học bổng Fulbright toàn phần đi Mỹ du học ngành tài chính.

Tháng 8/2002, ông về Việt Nam, trở lại công tác ở khu chế xuất Tân Thuận. Sau đó được rút về Tổng công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận với chức vụ trưởng phòng kế hoạch; năm 2015, ông được bổ nhiệm phó tổng giám đốc. 

Năm 2010, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM thành lập, ông về làm tổng giám đốc. Từ tháng 9/2015, ông được điều về công tác tại Sài Gòn Co.op đến nay. Ông là Thành ủy viên hai nhiệm kỳ 2011-2015 và 2016-2020.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI