Hạt gạo yêu thương

24/05/2019 - 07:55

PNO - Nắm lấy tay chị Hạnh, ông Bảy trìu mến: “Thương và mang ơn con nhiều lắm”. Rồi cụ quay sang chúng tôi nói: “Năm bảy hôm không thấy cô Hạnh ghé cũng trông”.

Cụ Bảy khom lưng mở nắp thùng gạo, hương thơm gạo mới thoang thoảng khắp ngôi nhà. Nhưng không chỉ là hương thơm của gạo mà còn là sự thơm thảo của những tấm lòng yêu thương thiện nguyện.

Vợ chồng cụ Bảy (Nguyễn Thị Bảy và Trần Văn Lô) nay đã ngoài 80 tuổi, sống trong căn chòi tôn tạm bợ rộng không quá 9m2. Những cơn mưa đầu mùa làm không khí dịu đi, nhưng trong căn chòi tứ bề bằng tôn cái nóng vẫn hầm hập. Hơn 60 năm qua, hai cụ sống cơ cực, dắt díu nhau rày đây mai đó, thấy chỗ nào đất trống thì dựng chòi che nắng che mưa rồi bày bán vài ba loại trái cây kiếm sống.

Hat gao  yeu thuong
Hai cụ Nguyễn Thị Bảy và Trần Văn Lô ở trong căn chòi tôn chưa được 9m2

Hai năm trở lại đây, tuổi cao, sức yếu, lại đau ốm liên miên, nên hai cụ được bà Nguyễn Thị Dối ở ấp Tân Lập (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) thương tình cho dựng căn nhà nhỏ trên đất nhà mình. Ngoài 80 tuổi, bước đi đã run rẩy, chậm chạp, nhưng hằng ngày hai cụ vẫn lo lắng, chăm sóc cho nhau, rót cho nhau từng ly nước, nhắc nhau uống từng viên thuốc. 

“Ông bà Bảy ơi, có nhà không?”. Nghe tiếng chị Trương Thị Ngọc Hạnh gọi đầu ngõ, ông Bảy mở toang cửa. Nhà nhỏ nên cửa cũng nhỏ xíu, chỉ đủ cho một người ra vào. Tay xách lon sữa và một ít thực phẩm, chị Hạnh lách mình qua cửa vào nhà hỏi thăm sức khỏe các cụ. Chẳng là, chị Hạnh nghe cụ bà mới đi bệnh viện về nên mua ít quà đến thăm. 

Nắm lấy tay chị Hạnh, ông Bảy trìu mến: “Thương và mang ơn con nhiều lắm”. Rồi cụ quay sang chúng tôi nói: “Năm bảy hôm không thấy cô Hạnh ghé cũng trông. Dù biết cô Hạnh hỗ trợ gạo cho mình đến suốt đời nhưng tôi cũng không dám tìm vì sợ làm phiền”. Từ hơn bốn năm qua, biết được hoàn cảnh neo đơn và khó khăn của hai cụ, hằng tháng chị Hạnh hỗ trợ hai cụ 10kg gạo. Thi thoảng, chị còn đi chợ mua thêm thức ăn và vận động Mạnh Thường Quân cùng chị chăm lo cho hai cụ. Từ 6 tháng qua, một người bạn của chị Hạnh ở nước ngoài cũng hỗ trợ cho hai cụ mỗi tháng 1 triệu đồng. Có thêm điều kiện, hằng tuần, chị Hạnh lại đi chợ mua thêm thịt, trứng và một số thức ăn khô đem đến cho các cụ.

Cũng với tấm lòng ấy, mấy ngày nay, chị Hạnh thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên gia đình cô Trần Thị Kết ở cùng ấp. Chồng cô Kết vừa qua đời. Cô Kết đã gần 60 tuổi, từng bị đột quỵ nên đi lại khó khăn. Và dù đang phải chống chọi với căn bệnh đau lưng nhưng hằng ngày cô vẫn đi phụ việc ở quán ăn để lo cho gia đình, chăm sóc người con trai bị tai nạn giao thông đa chấn thương, xuất huyết não và có dấu hiệu tâm thần từ 4 năm nay. Thương và cảm thông hoàn cảnh cô Kết, chị Hạnh đã tự nguyện trợ cấp gạo suốt đời cho gia đình cô. 
 

Hat gao  yeu thuong
Chị Trương Thị Ngọc Hạnh đến thăm hai cụ Nguyễn Thị Bảy và Trần Văn Lô

Ngoài gia đình cụ Bảy và gia đình cô Kết, vẫn còn có nhiều trường hợp khác cũng như các bếp ăn từ thiện được chị Hạnh trợ cấp gạo hằng tháng. Chị nói về việc làm của mình: “Từ năm 2011 được chị em tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Nhị Tân 1, xã Tân Thới Nhì, được đi nhiều và biết đến nhiều mảnh đời khó khăn, tôi chỉ nghĩ mình có gì giúp đó. Gia đình mình buôn bán gạo đã được mấy chục năm, nên mình giúp gạo với suy nghĩ: có gạo thì dù nghèo đến mấy cũng không phải lo đến bữa cơm nữa”.

Chị Lê Thị Thu Huyền - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thới Nhì - cho biết: “Đồng hành cùng Hội, đi đến đâu nghe có người khó khăn chị Hạnh đều giúp đỡ trong khả năng của mình. Có người được chị cưu mang và hỗ trợ gạo suốt đời, có gia đình được chị hỗ trợ 40 đến 50kg gạo khi có ma chay, hữu sự. Hằng tháng, chị còn góp gạo cho các bếp ăn thiện nguyện… Việc làm của chị Hạnh tuy không lớn nhưng đáng trân trọng”. 

Cuộc sống là để cho đi, mỗi việc làm của chị Hạnh đã minh chứng rằng xã hội còn rất nhiều điều tốt đẹp. 

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI