Tôi từng đọc được ở đâu đó rằng, từ cái thời Mai An Tiêm bị đày ra hoang đảo và phát hiện một loại quả lạ lùng mà sau này người đời gọi là dưa hấu, cũng là lúc vợ chồng ông nghĩ ra chuyện rang hạt dưa lên rồi cắn tí tách trong những ngày tết nhàn nhã, để quên đi nỗi nhớ đất liền.
Có thể đó chỉ là một dị bản dễ thương của sự tích vốn được trẻ nhỏ thuộc lòng này, và không có căn cứ nào để chúng ta tin đó là sự thật. Nhất là quả dưa hấu An Tiêm trồng là loại dưa quả to hạt nhỏ, không phải loại dưa hồng quả nhỏ hạt to vốn dùng để rang lên lấy lõi như thứ hạt chúng ta vẫn nhâm nhi bây giờ.
Dưa hồng là loại quả có vỏ xanh nhạt xen kẽ sọc xanh đậm, được trồng nhiều ở vùng đất cát thịt và tỷ lệ ngày nắng cao. Vào một ngày mùa hè năm nào đó không còn nhớ rõ, tôi đã từng đi qua một trong những vùng trồng dưa hồng lấy hạt nổi tiếng ở miền Trung, lòng dậy lên cảm giác tươi xanh như những cây dưa trĩu trịt phủ đầy triền cát.
Cô gái đi cùng tôi bảo, giống dưa này mà xắt lát muối chua trong khạp, từ khi quả còn non xèo, thì nấu canh dưa hay um cá đồng đều ngon phải biết. Nghe thế thôi chứ tôi cũng chưa có dịp thưởng thức hương vị đặc sệt miền Trung ấy bao giờ. Nhưng may mắn là cũng trong chuyến đi đó, tôi được tận mắt chứng kiến cách người ta lấy hạt dưa bằng tất cả sự tò mò xen lẫn kinh ngạc.
Đầu tiên, người ta đào một hố đất to, trải lên đó một mảnh vải bố, đổ dưa vào rồi thuê người đạp. Nước dưa bắn tung tóe sau mỗi cú đạp cật lực của chân người, nhanh chóng rút hết xuống cát. Người ta chỉ việc lọc lấy hạt sạch, hốt vào bao để cung cấp cho các lò chế biến hạt. Có nơi người ta còn bổ dưa ra cho bọn trẻ con ăn thoải mái, rồi… nhả hạt lại cho chủ rẫy.
Nơi khác thì chất dưa dồn đống ngay tại rẫy, dùng dao bổ đôi, bổ ba, phơi ruột giữa nắng trong vòng 48 tiếng đồng hồ cho ruột dưa khô quắt lại. Sau đó dùng tay móc hết ruột, chà mạnh lên một cái rổ thưa cho hạt dưa rớt xuống cái thau hứng bên dưới, rồi gạn hột đem phơi chừng một nắng là khô.
Mùa hè ở miền Trung nắng cháy da, nhưng ruộng dưa vào vụ thu hoạch lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười, tiếng í ới gọi nhau xen lẫn tiếng mặc cả của kẻ mua người bán. Nước dưa ngọt lừ thấm vào da thịt nghe rít rịt, nhưng chả thấy ai lấy điều đó làm phiền.
Hạt dưa sau khi được các lò chế biến mang về sẽ được ngâm nước trong thời gian tối đa một tiếng để làm sạch cát, đất và loại bỏ hạt lép, sau đó vớt ra đem phơi với nắng to trong năm giờ đồng hồ cho đến khi khô cong.
Các lò chế biến thường rang hạt dưa trên một chiếc chảo to chuyên dụng, đảo đều bằng một đôi đũa lớn, nhanh tay và liên tục để hạt dưa được chín đều. Người ta nhuộm màu cho dưa cũng ở công đoạn này, bằng cách cho thứ phẩm màu an toàn vào rang cùng hạt dưa với lửa riu riu để phẩm thấm vào vỏ hạt.
Để có được sắc đỏ rực rỡ, điều quan trọng là phải xác định đúng tỷ lệ và chất lượng phẩm màu. Thông thường là 250 gram phẩm màu pha với 20 lít nước, trộn đều cho 100 ký hạt dưa. Cho đến khi mùi thơm dậy lên và tiếng nổ lách tách trong chảo dứt hẳn thì mới đổ hạt dưa ra sàng lọc cát, làm nguội. Sau đó, người ta sẽ đóng hạt dưa vào từng bao nhỏ chờ tiêu thụ.mk
Nhiều nghiên cứu y học chứng minh hạt dưa hấu rất giàu dinh dưỡng, bao gồm các a-xít béo, a-xít amin, trong đó có cả tryptophan, a-xít glutamic, lysine đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hấp thụ canxi, sự hình thành collagen, tăng cường trao đổi chất, hệ thống tim mạch và sức khỏe tình dục.
Hạt dưa hấu còn chứa nhiều protein thiết yếu và khoáng chất như magiê, kali, mangan, sắt, kẽm, phốt pho, đồng. Với 100 gram hạt dưa hấu, bạn đã cung cấp cho cơ thể 600 calo. Hạt dưa hấu đặc biệt hữu ích trong việc điều trị các bệnh về thận và đường tiết niệu, ngăn ngừa táo bón, chữa phù nề, kiểm soát bệnh tiểu đường, điều trị phì đại tiền liệt tuyến, giải độc cơ thể…
Trong thành phần hạt chứa rất nhiều vitamin B giúp duy trì hoạt động hệ thần kinh, hệ tiêu hóa và sức khỏe của da… Đó là một phần nhỏ trong hàng trăm công dụng tuyệt vời của hạt dưa hấu mà tôi đọc được rất nhiều trên mạng. Nhưng đó chưa phải là những gì mà hạt dưa nhỏ bé ấy mang lại cho người đời.
Không phải ngẫu nhiên mà trong cái khay bánh mứt ngày tết, người ta lại thiết kế hẳn một ngăn tròn ở giữa để đựng hạt dưa, còn các ngăn xung quanh dành để xếp đặt các loại bánh mứt khác. Cái màu đỏ của hạt dưa ánh lên rực rỡ, cực kỳ phù hợp với vai trò của nhân vật trọng tâm, hoàn toàn lý tưởng trong bảng màu của tết - màu đỏ của may mắn, hạnh phúc, của sung túc, đủ đầy.
Không biết cái hình dáng hạt dưa có gợi lên trong bạn những ý niệm gì, nhưng với tôi, nó thấp thoáng hình ảnh một giọt nước, tượng trưng cho một cái gì đó trong trẻo, tinh khiết và an nhiên. Việc phải tách nó ra để lấy cái lõi béo ngậy thơm tho bên trong mang lại nhiều ý nghĩa triết lý hơn cả một động tác cắn hạt dưa lặp đi lặp lại đơn thuần, càng đặc biệt hơn khi động tác đó được thực hiện thường xuyên một cách vui vẻ vào những ngày đầu tiên của năm mới.
Có người nói với tôi, việc cắn hạt dưa giữa những câu chuyện không khác gì một kiểu giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể, nhằm tránh cảm giác thừa thãi của đôi bàn tay, tránh cả việc không biết phải nói gì vào lúc đó. Thậm chí, việc cắn vỡ lớp vỏ hạt dưa còn là một cách để thẩm định tính cách của người đối diện. Người khéo léo, tỉ mỉ, điềm đạm sẽ lấy được những cái lõi dưa tròn trịa không bị vỡ, người bộp chộp, vụng về thì khó mà tách được vỏ hạt dưa một cách lành lặn. Vậy là, cái triết lý của thói quen cắn hạt dưa có thể không được nói ra, nhưng sự tinh tế chắc chắn sẽ bắt đầu từ đây.
Hôm qua, tôi nhận được một gói quà tết, trong đó có mấy miếng trầm, tinh dầu vỏ quýt, một ít mứt gừng, một ít trà, cà phê và hạt dưa… Cảm giác vui như những cái tết năm nào đó cả nhà còn quây quần đủ đầy cha mẹ và các em bé, là chúng tôi của những ngày rất xa.
Nhìn mẹ đun nước pha trà, đốt tinh dầu và ngồi cắn hạt dưa một mình như một người vô cùng nhàn rỗi, các con tôi bắt đầu tỏ ra ngạc nhiên vì cái thứ quà lạ lùng có thể khiến mẹ mình ngồi hàng giờ chỉ để làm một công việc duy nhất là cắn lách tách và… ăn. Khi tôi mỉm cười giải thích những công dụng của hạt dưa, bọn trẻ hầu như rất chán nản vì chúng chẳng thể nào thẩm định được mức độ chính xác ngay tắp lự. Nhưng khi tôi đố chúng hạt dưa có hình gì, thì câu chuyện giữa chúng tôi đã bắt đầu trở nên rôm rả hơn.
Chúng tròn xoe mắt khi tôi giải thích tính triết lý của việc cắn hạt dưa, về “ngôn ngữ cơ thể” trong giao tiếp. Tự dưng lúc đó tôi nhận ra, chính âm thanh lách tách của việc cắn hạt dưa đã làm cái công việc thay thế cho mọi ngôn từ được phát ra từ cuống họng.
Hạt dưa dạy người ta ít nói lại, dạy người ta im lặng để suy nghĩ nhiều hơn về những gì cần và nên nói, dạy người ta biết lắng nghe người khác thay vì lên tiếng để được người khác lắng nghe.
Hạt dưa khiến người ta tự cảm thấy mình phải chín chắn và điềm tĩnh hơn. Đó chẳng phải là những gì người ta thật sự cần để được chạm đến bản ngã của mình, để có một khởi đầu tốt đẹp hơn, vào một ngày mới nắng lên, sau khi bóng tối của những đêm cũ đang dần khép lại?
Hồng Hạnh