Cuộc thi Tiếng hát 50+ (do Ngôi nhà Chào Buổi Sáng - GMH(*) tổ chức) khép lại với giải nhất dành cho thí sinh 76 tuổi, ông Triệu Văn Hân và ca khúc Hà Nội linh thiêng hào hoa của nhạc sĩ Lê Mây.
|
Bác Vũ Văn Quý - thí sinh lớn tuổi nhất cuộc thi |
Hai giám khảo chấm giải là nhạc sĩ Nhất Sinh và Nguyễn Đức Trung dành nhiều khen ngợi cho thí sinh cao tuổi này. Tuy đã vào hàng U80 nhưng chất giọng ông Hân trẻ khỏe, đầy năng lượng. Bà Hồ Thị Hậu (63 tuổi) ghi danh tham gia vòng sơ khảo, đặt may những bộ áo dài ấn tượng để được một lần “tỏa sáng trên sân khấu”.
Một cuộc thi âm nhạc nho nhỏ tổ chức riêng cho những người đã qua tuổi 50, không ngờ thu hút gần 400 thí sinh ở khắp các quận, huyện TP.HCM. Những người già ấy, họ đi thi không phải vì giải thưởng mà đơn giản là vì được gặp gỡ, ca hát, vui chơi cùng nhau.
“Nhà tôi đầu tư phòng cách âm, để mỗi tuần gia đình hát karaoke hoặc mời bạn bè đến tham gia các buổi sinh hoạt, giao lưu âm nhạc. Tuổi này rồi, hát hò với nhau cho vui, cháu ạ” - bác Vũ Văn Quý (sinh năm 1938, năm nay 83 tuổi) - thí sinh lớn tuổi nhất cuộc thi bày tỏ. Đó cũng là tâm tư của nhiều người già đang sống với niềm vui âm nhạc.
“Hồi đó làm gì có thời gian mà ca với hát, giờ thảnh thơi rồi mình phải đầu tư cho mình vui chớ” - ông Phan Văn Lộc (Q.12, TP.HCM) nói vui.
Thời trẻ, vợ chồng ông bận bịu mưu sinh, không có thời gian để nghỉ ngơi, huống gì ca hát, vui chơi. Cả ông và bà đều có chất giọng hay trời cho. Về già, ngoài cùng nhau đi hát, ông bà còn rủ nhau học khiêu vũ ở công viên.
Không tham gia những cuộc thi, nhưng ông Nguyễn Văn Đăng (61 tuổi, Q.11, TP.HCM) đều đặn đi hát ở các phòng trà. Ông cho biết đã ghi danh học thanh nhạc khi về hưu. Một tuần ba buổi tối, ông đều đặn đi luyện thanh. Ông bảo ca hát thì ai cũng biết, nhưng muốn lên sân khấu thì phải rèn luyện, từ cách lấy hơi, giữ hơi đến nhấn nhá, ngân nga…
Cuối tuần, ông đi biểu diễn ở các phòng trà - chủ yếu chỉ người lớn tuổi đến hát với nhau. Mỗi tiết mục đều nhờ người quay phim rồi “post Facebook” cho con cháu trong nhà “mắt tròn mắt dẹt”.
Thấy tinh thần của ông tươi vui nên con cháu động viên, ủng hộ. Cũng từ những sân chơi âm nhạc ấy, ông gặp được những người cùng sở thích, giao lưu rồi trở thành bạn bè thân thiết. Ông bảo vợ ông đã mất, các con đều có mái ấm riêng, nếu không ca hát thì năm tháng tuổi già buồn tẻ, đơn độc.
“Đứng trên sân khấu là cách lưu giữ kỷ niệm cũng như những hình ảnh đẹp nhất của mình cho con cái về sau” - chị Trần Thị Minh Hương (50 tuổi) bộc bạch. Chị bị bệnh ung thư nhưng vẫn phải gồng gánh nuôi người cha già và hai con nhỏ.
|
Chị Trần Thị Minh Hương hát để vượt qua bệnh tật |
Nhìn những người phụ nữ say mê theo những giai điệu trên sân khấu đèn màu, người khác cũng đâu dễ biết được tâm tư trong lòng họ.
Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Kim Từ (62 tuổi), bà đang giành giật với sự sống vì căn bệnh suy thận giai đoạn cuối. Bà nói, âm nhạc chính là liều thuốc tinh thần tích cực cho bà niềm vui sống. Mỗi ngày bà đều hát khi thức dậy, trước khi đi ngủ, hát cả trong những cơn đau để vượt qua bệnh tật.
Không chỉ có giọng hát tràn đầy năng lượng khi đứng trên sân khấu, bà cũng sẵn sàng tham gia các chương trình văn nghệ, hoạt động thiện nguyện trong khu phố nơi bà sống.
Mỗi người đều có hoàn cảnh, lý do riêng để đến với âm nhạc. Nhưng tựu trung vẫn là tìm niềm vui cho mình khi đã bước qua bên kia dốc cuộc đời. Một trong những lý do cảm động với người nghe đó là chuyện của một người già mắc bệnh Alzheimer - bà Phạm Mỹ Khanh (64 tuổi).
Bà Khanh nói rằng, bà muốn vượt qua thử thách khó nhất là học thuộc lời bài hát và áp lực khi đứng trước đám đông. Hát để vượt qua căn bệnh của bản thân, để được tự tin vào chính mình.
Trước đó, bà đã quên tên người thân, mù mờ với những con số, thậm chí không thể hiểu câu chữ trên sách báo… Âm nhạc trở thành liệu pháp tinh thần cho bà - người từng ở cương vị nữ giám đốc nhưng gặp bao trở ngại vì mất trí nhớ.
Có người bày tỏ rằng, việc hay đi hát hò của mình cũng khiến hàng xóm đàm tiếu, cho đó là thói ăn chơi của kẻ học làm sang.
“Đi hát phải mặc đẹp, trang phục nổi bật trên sân khấu một chút và “lên hình” mới đẹp, nhiều người không hiểu lại thấy ngứa mắt, khó coi. Mỗi người một lựa chọn, miễn sao mình thấy vui là được” - chị Ngọc Khanh (46 tuổi) giãi bày.
Trong những phòng trà đêm đêm, có những gương mặt quen thường xuyên xuất hiện trên sân khấu, có người đi cùng gia đình/bạn bè, cũng có người đến một mình. Âm nhạc kết nối họ, chia nhau niềm vui.
Trên sân khấu lung linh đèn màu, khi cất tiếng cùng những giai điệu của Mùa xuân đầu tiên, Đường em đi, Trở về dòng sông tuổi thơ, Như đã dấu yêu, Đừng nói tôi già, Dạ khúc cho tình nhân, Thành phố tình yêu và nỗi nhớ… những người già thấy mình trẻ lại.
Lục Diệp
(*) GMH là viết tắt của Good Morning House (đơn vị tổ chức miễn phí cuộc thi cho người cao tuổi)