Cho đi là lẽ sống
Lúc trở vào, chị như nhớ ra điều gì, lẩm bẩm: “Còn mấy chỗ cho quần áo, chiều nay phải đi gom vì mai là phiên chợ 0 đồng rồi”. Không biết từ bao giờ, một góc nhà của chị trở thành điểm tập kết, nào gạo, mì, sữa, quần áo, phần do chị tự mua bằng tiền túi, phần do người quen biết gửi về nhờ trao cho những ai cần.
|
Chị Đồng (áo đen, ở giữa) trong “Phiên chợ 0 đồng - Chia sẻ yêu thương” do chị đề xuất thành lập |
Phiên chợ 0 đồng mở mỗi tháng 1 lần, bắt đầu từ cuối năm 2021, khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Chị nhớ lại: “Lúc đó dịch xong, người thì gầy, người thì mập, cũng có người muốn sống đơn giản hơn nên họ loại bỏ rất nhiều quần áo cũ. Cũ người, mới ta. Tôi biết nhiều người khó khăn đang rất cần quần áo”.
Chị mang ý tưởng kết nối cho và trình bày với cán bộ Hội LHPN phường 7, quận 8. Vậy là phiên chợ 0 đồng ra đời. Chị hồ hởi: “Nhìn công nhân tan ca, người bán vé số, người nhặt ve chai ghé “chợ” lựa đồ, ai nấy rạng rỡ khi chọn được những món đồ mình thích, tôi vui lắm”.
Nhưng ý tưởng về phiên chợ đã bắt đầu từ gần 10 năm trước. Khi đó, thấy những bệnh nhân ung thư đang ky cóp từng đồng để chữa trị, lại ước mong một mái tóc giả, chiếc đầm xinh mặc trong những dịp quan trọng, chị Đồng đã soạn đồ của mình hoặc hỏi xin bạn bè rồi mang đến cho họ.
Trước hôm chúng tôi gặp nhau, chị Đồng đã tổ chức một cuộc gặp gỡ những bệnh nhân ung thư chuẩn bị bước vào đợt xạ trị. Họ rất cần được động viên, tiếp “lửa”. Là người đã đi qua tất cả hành trình sóng gió đó với hơn 40 lần hóa trị, xạ trị liên tiếp, chị dễ dàng tháo gỡ mọi khúc mắc tâm lý của bệnh nhân, như cần chuẩn bị gì về vật chất, tinh thần trước khi vào ca mổ, những phản ứng nào mà bệnh nhân sẽ phải đón nhận và cách ứng phó…
|
Chị Đồng trong một chuyến đi thăm bệnh nhi tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM |
Tôi hỏi: “Mải miết “vác tù và” như vậy, chồng có la rầy không?”. Chị rạng rỡ: “Anh hiểu tính tôi. Buộc tôi ở nhà đồng nghĩa tôi không sống nổi, nên ảnh mặc kệ”. Vì rõ tính chị nên trong suốt đợt dịch COVID-19 năm 2021, khi toàn thành phố phải cách ly, anh vẫn chậc lưỡi để chị lao ra đường hỗ trợ chính quyền. “Thương nhất là cán bộ, bác sĩ, bộ đội. Họ lo cho dân mà quên cả bản thân. Họ đói, ăn uống thiếu chất, mệt mỏi nhưng không ai nói ra, cứ gắng sức làm” - chị chia sẻ. Hiểu vậy, nên cứ vài ba hôm, chị làm món ăn thật ngon để gửi đến chốt kiểm dịch, bệnh viện.
Cho đến giờ, nhiều người trong Câu lạc bộ Cuộc chiến ung thư - nơi họ gọi chị là thủ lĩnh - vẫn còn nhớ hình ảnh chị “xoay như chong chóng” trong đợt dịch bệnh đó. Bấy giờ, sau ngày dài hỗ trợ chính quyền, chị về đến nhà là liền mở điện thoại động viên, kiểm tra các “chiến binh ung thư” xem ai đang thiếu thuốc gì rồi lại nhắn hỏi xin người đang dư, có khi xin lại thuốc của bệnh nhân vừa mất. Khi đó, không mấy người biết chị làm mọi chuyện với một cánh tay đang được nẹp chặt để kìm cơn nhức xương hoành hành. “Có thể bệnh cũ đang di căn” - một bác sĩ đã nói.
Lý lẽ trái tim
“Di căn thì di chứ sợ gì” - chị trộm nghĩ. Bản tính lì lợm của chị đã nức tiếng từ cách đây 10 năm. Khi đó, sau 1 năm ròng rã chịu các cơn đau, chị một mình đi bệnh viện. “Khối u này dữ quá, phải cho gia đình bệnh nhân biết” - nghe các bác sĩ hội chẩn, chị đứng ngoài cửa sổ nói vọng vào: “Trời ơi, di căn rồi, còn hiền dữ gì nữa”. Chị xin bác sĩ không nói với gia đình, như đã cố giấu suốt 1 năm qua. Hoàn cảnh lúc đó chưa cho phép, bao nhiêu tiền trong nhà đã gửi cho con gái đang du học ở Mỹ, chồng và người con còn lại thì đã quen với hình ảnh chị là trụ cột của gia đình.
Chỉ đến khi một bác sĩ khuyên rằng “còn người thì còn của, chồng con cần chị hơn cần tiền” và đề nghị bán nhà để điều trị, chị mới quyết định cho cả nhà biết chuyện. Khi đó, chị cũng hoàn thành “khóa huấn luyện” chồng và con những chuyện như bếp núc, chợ búa, chỉ cách lựa được bó rau tươi, con cá ngon. Nợ ai lời hứa gì, chị cũng đã ghi trong cuốn sổ. Chu toàn mọi việc, chị bước vào trận chiến với chính mình, với căn bệnh ung thư vòm họng đã di căn. Bền bỉ bám theo từng phác đồ điều trị gần 4 năm, năm 2018, chị mừng rỡ khi được thông báo: “Các chỉ số đều bình thường”.
|
|
Phần lớn bệnh nhân ung thư nghe đến từ “di căn” đều sợ, riêng chị vẫn bình thản nhất có thể. May sao, dịch bệnh đi qua, cánh tay cũng hết buốt nhức. Dù vậy, chị không chủ quan. Mỗi triệu chứng bất thường đều là chỉ dấu cho sự bất ổn. Đã mấy lần chị đi khám, nhưng hễ đến bệnh viện, gặp gỡ các bệnh nhân, trò chuyện xong, chị lại quay về. Họ cần tiền, mà chị thì có tiền, dẫu chỉ là mấy triệu đồng, đủ để tái khám. Có lần, bốc số thứ tự xong, chờ đến trưa, gần đến lượt khám thì chị gặp một người chồng đang đau khổ do không đủ tiền chụp MRI cho vợ.
Biết họ ở xa, chị vét sạch túi đưa hơn 3 triệu đồng rồi ra về. “Người ta đang cần chữa bệnh, mình chỉ tái khám nên mình ưu tiên cho họ” - chị nói. Vậy nên đến giờ, chị chưa được tái khám lần nào.
“Lì lợm” với chính mình, nhưng ai cần, chị liền có mặt. Mà người cần chị lại đếm không xuể. Biết người mới phát bệnh ung thư hoang mang và bỏ ăn, chị kể cho họ nghe về những người chị quen, chưa chết vì ung thư mà đã chết vì đói. Có người nhờ chị làm lắng cơn hoảng loạn của người thân vừa hay tin mình ung thư giai đoạn cuối, chị đến kể chuyện mình từng nhận tin tương tự nhưng vẫn tự tin ứng phó. “Không nói ra, nhưng người thân có khi đau khổ và cực nhọc hơn người bệnh” - chị khuyên những bệnh nhân thích đổ thừa số phận, trút giận lên người khác, chỉ cho họ những cách thức “hợp tác” để ai cũng nhẹ nhàng.
Trong hành trình đó, chị chưa bao giờ nghĩ đến bỏ cuộc. Thường trực trong tâm trí chị là niềm lạc quan và niềm vui được hỗ trợ người khác: “Ai cần là tôi có mặt, xoay xở trong khả năng”.
Ở tuổi 61, gần 40 năm chọn TPHCM lập nghiệp và định cư, chị nói “may sao ở nơi này, người ta dễ mở lòng và dễ trao cơ hội, chẳng cần quen lạ, thân sơ”. Chị ví, như thuở đôi mươi, vừa đặt chân đến đây, chị đã được thành phố này trao ngay một cơ hội việc làm. Lòng tốt, nghĩa khí, sự hào sảng đến đi, trao truyền trong dọc dài cuộc sống, chẳng phân biệt cội rễ ai bao giờ. Có những người đã lớn lên, đã trưởng thành, hàm ơn thành phố này và báo đáp cuộc đời bằng sự sẻ chia, tiếp nối, như chị.
Triệu Mạn (quận 11, TPHCM)
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: |