Hạt bùn vạn dặm: Muôn ngả phù sa

03/09/2023 - 09:49

PNO - Những hạt bùn vạn dặm đi sâu vào đời sống, hồn cốt của cuộc sống miệt đồng bằng.

Những hạt bùn vạn dặm của thiên nhiên khởi từ phù sa châu thổ, xuôi dòng Mê Kông, theo 9 nhánh Cửu Long đi khắp muôn trùng rồi bồi tụ thành đất đai trù phú nuôi dưỡng tâm hồn và con người miền Tây còn những hạt bùn của Lê Quang Trạng đã ra khỏi con kênh Đòn Dông chảy ngang nhà mình, chảy đi muôn nơi rồi cuộn về dạt dào trong miền ký ức thẳm sâu của nỗi nhớ người đồng bằng. 

Những hạt bùn vạn dặm là tập tản văn mới nhất của nhà văn trẻ Lê Quang Trạng, do Chibooks và Nhà xuất bản Lao Động phát hành năm 2023. Theo chân “hạt bùn vạt dặm” của anh là sự ra đi để rồi trở về bởi tâm tình của một người sinh ra và lớn lên ở An Giang đã thấm đẫm cội nguồn gốc gác chân quê. Dù là bùn hay phù sa có khao khát đi tận chân trời góc bể thì cuối cùng cũng quay trở về sông. Con người của ruộng đồng mênh mông, của cuộc sống xóm giềng dào dạt ân tình dù có xuôi dòng đời đi đến nơi nào, lòng vẫn luôn hướng về nguồn cội.

Nhữdặm ng hạt bùn vạn đi sâu vào đời sống, hồn cốt của cuộc sống miệt đồng bằng. Lớn lên cùng sông nước, ruộng đồng, được tưới tắm trong âm hưởng của những câu chuyện huyền bí từ nhỏ, Lê Quang Trạng chịu khó góp nhặt, chắt lọc những chất liệu cuộc sống bình dị, gần gũi nhưng rất “đắt” để đưa vào trang viết.

“Hạt bùn” của Trạng đưa người đọc phiêu lưu hết các con sông lớn nhỏ để thấy sông “trổ sữa” nuôi đất đai, cây cối rồi nuôi dưỡng cuộc đời hàng vạn con người bản xứ cùng những lưu dân đến quần tụ từ bao đời. Những hàng cây thốt nốt kiêu hùng giữa đất trời An Giang, những cây mắm nối dài ra cửa sông giữ đất… Người đọc có thể mường tượng ra cảnh người dân miền Tây hối hả đón “mùa cá ra sông” tháng Mười âm lịch hằng năm, háo hức muốn nhìn tường tận cái “chợ âm phủ” họp trên chốn sông nước đêm hôm khuya khoắt hoặc nôn nao nghĩ về món “chè mắm” bí truyền làm từ trái mắm…

Châu thổ Cửu Long trên trang viết của Trạng là xứ “trên cơm, dưới cá” được thiên nhiên ưu ái đãi đằng những sản vật cá tôm phong phú, tươi lành. Cuộc sống dù gian khó nhưng “con người Cửu Long vẫn hồn hậu, hào sảng và nghĩa tình như tấm lòng của sông, như máu huyết châu thổ đã nhuộm sâu tận tiềm thức lớp lớp cư dân bản xứ”. 

Tôi từng đặt chân đến miền Tây, từng được ướp mình trong mùi thính thơm nồng của “thủ phủ mắm” Châu Đốc nhưng mãi đến khi đọc cuốn sách này mới vỡ ra thêm một nghề lạ lùng của miền Tây: nghề “sửa mắm”. Nhà nào lỡ làm mẻ mắm không đạt chuẩn, lỡ hư hao khâu nào… đều có thể kêu thợ đến “sửa mắm” lại thành một mẻ mắm hoàn chỉnh, ngon lành. Cái nghề đầy ân tình đó có lẽ xuất phát từ tâm thức biết quý trọng, nâng niu “lộc trời” mà người miền Tây vốn đã được dạy từ thơ bé: quý từng hạt cơm rơi đến con mắm hỏng nên nhặt lên hoặc sửa lại mà xài chứ không đành bỏ đi. 

Bên cạnh đó, người miền Tây cũng luôn tôn quý tổ nghề. Đơn cử như ông già nấu rượu luôn trồng đám cây đăng đế chỉ để khô queo rồi đốt nhưng thứ tàn tro của đăng đế lại là thứ giúp ông nhớ tổ nghề rượu - thứ hồn cốt của tiệc tùng giỗ quải miền Tây, đám nào mà thiếu được thứ nước chắt ra từ lúa gạo ngon nức tiếng đồng bằng này.

Người miền quê thơm thảo nghĩa tình, thương từng cọng rơm con cá, quý từng trái mắm nắm cơm nên nguồn cội vẫn là nơi sâu thẳm quý giá nhất trong tim. Những đứa trẻ lớn lên đi muôn phương vẫn được ông bà cha mẹ nhắc nhở tên quê xứ, những Chắc Cà Đao, Mặc Cần Dưng, Cái Mòi, Cái Xép, Rạch Tàu...

“Hạt bùn” của Trạng từ đồng bằng mở ra chân trời mới, đi cùng phù sa rồi lại trở về, bồi tụ trong lòng người thứ tình yêu quê hương đẹp đẽ, tròn đầy. 

Trần Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI