Hát bội về chưa?

05/02/2022 - 14:23

PNO - Sáng nào cũng vậy, nhìn ra sân thấy cội mai vàng khoe sắc, nội tôi như nhớ ra điều gì, lại hỏi: "Hát bội về chưa con?".

Ngày tôi còn bé xíu, tết chính là bánh mứt, quần áo mới và tót đi chơi không bị mắng, nhưng nhớ nhất là "đặc sản" hát bội.

Thật ra tôi nào có hiểu lắm về hát bội, càng mù tịt về cách vẽ mặt trắng, mặt đỏ... tượng trưng cho tính cách các nhân vật. Tôi mê hát bội là vì bị "lây" sự mê đắm của nội. Những Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Tiết Đinh San - Phàn Lê Huê... nội tôi chẳng những thuộc làu mà còn có thể diễn theo các điệu bộ không sai một ly. Mỗi lần đùa với đám cháu con, nội thường đá chân, diễn cách... và hát "như ta đâyyyyy" hệt như các diễn viên khi diễn tuồng. Nhìn nội, chúng tôi như nghe bên tai nhịp trống chầu, cái liếc mắt và câu chuyện tuồng.

Ngày ấy, chỉ có tết chúng tôi mới được xem hát bội. Sáng ngày mùng Hai, chiếc xe lam của xã chạy từ đầu xóm tới cuối xóm, vòng đi vòng lại mấy bận, trên nóc xe là chiếc loa phóng thanh rao từng hồi một: "Kính mời bà con đúng sáu giờ tối nay, ngày... đến xem vở hát bội của đoàn...". Nội tôi nói đó là đoàn nghệ thuật nức tiếng của Bình Định. "Bình Định diễn hát bội thì chỉ có mà ghiền", nội quả quyết.

Sân khấu chính là khoảng sân của đình làng. Ở đó, một bục rộng và dài tạm được dựng lên, cao chưa tới đầu gối, che bằng những tấm bạt và treo nhiều dây đèn với bóng tròn tròn. Nơi khán giả ngồi xem chính là bãi cỏ phía trước. Cứ tầm 4g chiều, nội đã sai tôi mang tấm tâng (miếng vải nhựa to, thường được quây lại làm thành áo mưa) đến bãi cỏ trải ra xí chỗ. Nhiệm vụ của tôi là chọn vị trí đẹp nhất, trung tâm, không quá gần cũng không quá xa sân khấu, trải tấm tâng xuống. Để cố định tấm tâng, tôi lấy 4 viên đá to bằng viên gạch chèn 4 góc.

Có lần, dù đã đi thật sớm nhưng đến nơi thì vị trí đẹp nhất đã bị thằng Hạnh xí mất. Tôi ấm ức trải tấm tâng kế bên tâng của nó, rồi nằm dài lên đó. Định bụng đợi lúc nó chạy về nhà, tôi sẽ ăn gian, dịch tâng của nó qua một tí. Thế nhưng nó dường như đoán được ý đồ của tôi, không chèn gạch lên 4 góc tâng rồi để đó về nhà như mọi khi nữa, mà nằm lên tâng gối tay nhìn trời. 2 thằng cứ thế nằm ngủ lúc nào không hay, cho tới lúc sân cỏ đầy người, nội đã lên đến nơi.

Thế giới của các vở tuồng với tôi cứ như cổ tích. Tôi khoái nhất các phân cảnh ông tướng mặt đỏ trừng trị quan tham hay người xấu có gương mặt nâu đen. Tôi say sưa nhịp theo tiếng trống, tiếng xèng, trước mặt là các diễn viên hát, diễn theo nhịp trống ấy. Thế nhưng, thường tôi chỉ say sưa lúc đó, đến sáng hôm sau đã chẳng còn nhớ gì về nội dung, câu chuyện. Không như nội, ngồi trong bếp châm củi nấu nước, nội kể vanh vách ai ác ai hiền ra sao, ai bị trừng trị thế nào. Kể rồi nội diễn lại động tác dưới đá chân trên khua tay, miệng hát "như ta đâyyyy"...

Tôi không nhớ từ bao giờ, tết đã không còn hát bội nữa. Sân đình giờ đã trở thành dãy nhà uỷ ban xã, ngôi đình nhỏ nằm khép nép kế bên. Chúng tôi học xong phổ thông, rời làng tha hương, quay về thì hát bội đã đâu mất. Tiếng trống "tung tung", tiếng rao mời xem từ loa phóng thanh trên nóc xe lam... trở thành quá vãng. Chỉ còn nội tôi, giờ đã gần trăm tuổi, là chưa bao giờ quên. Cứ mỗi bận nhìn ra sân thấy cội mai vàng nở rực, nội như sực nhớ ra điều gì, quay lại hỏi "Hát bội về chưa con?". Như thể, sân đình còn đó, đám cháu vẫn nhỏ xíu đó, tết vẫn là tết ngày xưa để nội thắc thỏm ngóng đoàn hát bội về, để lo cơm chiều thật sớm rồi diện bộ đồ thật đẹp đi xem. Nội đã nhớ nhớ quên quên, nhưng dường như với những gì càng lùi về trước, nội càng nhớ nhiều hơn.

Vở diễn kết thúc lúc sương đã xuống. Nội gấp lại áo tâng, nắm tay tôi dắt đi bộ trên đường làng. Kế bên là dì Ba, rồi bà cháu thằng Hạnh... Nội với họ, lúc nào cũng chưa nguôi sự hào hứng mà tiếp tục bàn tán về vở diễn, về giọng hát rổn rảng hay cao, trầm vừa khép lại.

Tôi không còn là đứa trẻ buổi chiều mang tấm tâng đi trải ở sân đình ngày nào nữa. Hát bội giờ cũng chỉ còn trên... YouTube. Nhưng mỗi lần nội hỏi "Hát bội về chưa con?", tôi lại nghe như có tiếng trống vừa gióng lên, thấy các diễn viên ngồi vẽ mặt ở hậu đài... Tết giờ đã khác. Chỉ có nội tôi dường như vẫn ở lại ngày cũ, với những mùa tết thật ngọt ngào. 
 

Nguyễn Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI