PNO - Cách một bức màn nhung là thế giới khác hoàn toàn trên sân khấu. Sự trang nghiêm, mực thước nhường chỗ cho những hối hả mà khán giả khó được nhìn thấy.
Gần 20g, suất diễn của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM bắt đầu. Kèn trống nổi lên liên hồi. Trên sân khấu, ánh sáng, phục trang cùng những gương mặt được tô vẽ kỳ công như một bức tranh đầy màu sắc, sống động. Người trẻ tò mò, háo hức, lắm lúc lại tranh luận đôi chút về những gì đang diễn ra trước mắt.
Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM trong buổi ra mắt chương trình Sắc ấn ngọc Nam phương |
Lối đi nhỏ hẹp nằm bên hông nhà hát trăm tuổi dẫn lối vào hậu trường của đêm diễn. Đoàn hát nay khác xưa nhiều. Chuyện nghệ sĩ sống cùng nhau như gia đình, ngày tập tuồng, đêm lên sân khấu, chỉ còn là dĩ vãng. Nhưng sự tất bật, hối hả thì nay cũng không khác xưa là bao. Từ chiều, các nghệ sĩ có mặt đông đủ để họa mặt. Khâu vẽ mặt nạ là một trong những điều đặc biệt nhất của hát bội, khó thể lẫn vào đâu.
Các nghệ sĩ của nhà hát hỗ trợ hậu đài kéo dây cho một cảnh bay lượn trên sân khấu |
Sự hồi hộp luôn bao trùm không khí ở cánh gà sân khấu. Nghệ sĩ thường tranh thủ nhẩm bài, theo dõi tiền bối biểu diễn. |
Trung bình, mỗi nghệ sĩ mất từ một tiếng rưỡi, hoặc hơn cho công đoạn này. Họ trông như họa sĩ với từng đường cọ khéo léo, chuẩn xác để những đường nét dần được định hình. Từ nam đến nữ, nào son, nào phấn, nào cọ, nào kem chất đầy cả một chiếc hộp, lớn bằng hai lần gang bàn tay.
Với họ, đó là cả “gia tài”. Có anh nghệ sĩ trẻ, vẽ sai màu mắt, liền được nhắc nhở ngay. Ở vị trí của khán giả, có lẽ thật khó để phóng tầm mắt xem họ tô điểm màu gì. Nhưng với người làm nghề, có những khuôn thước, chuẩn mực không thể xem nhẹ.
NSƯT Xuân Quan và gương mặt được tô điểm hoàn chỉnh |
Nghệ sĩ Hoàng Hà hỗ trợ đồng nghiệp làm tóc |
* Đêm hát bội từ hậu trường ra sân khấu:
|
Trong căn phòng nhỏ, đạo cụ, quần áo được bày biện khắp nơi. Vàng, xanh, tím, đỏ… cùng sự óng ánh của kim tuyến, cườm đá khiến người ta choáng ngợp. Mùi thơm của son, phấn, keo tóc hòa lẫn vào trong bầu không khí đặc quánh sự hối hả, nhưng cũng không thiếu những nụ cười bởi những câu chuyện phiếm.
Họ cười đùa chuyện đêm trước vừa để 2 “ông già” khiêng 2 chiếc rương trên sân khấu khi tập luyện thật kỳ quặc làm sao. Câu chuyện về hậu COVID-19 cũng trở nên nhẹ tênh trong những giọng điệu kể chuyện hài hước. Họ cùng nhau trêu một cô đào vừa bị “quê” bởi ngỡ anh nhiếp ảnh chụp mình, liền làm duyên, nhưng ống kính lại đang nhắm vào một người khác.
Chị Mỹ Phượng làm công việc hỗ trợ nghệ sĩ mặc phục trang tại nhà hát đã ngót 30 năm |
Trong một góc hẹp, nghệ sĩ Kiều My đã chuẩn bị xong xiêm y lộng lẫy, chờ lên sân khấu. Những câu nói không đầu không đuôi nhưng nghe qua có thể hiểu chị vừa làm nghệ sĩ, nhưng cũng không quên vai trò của một bà mẹ trong gia đình nhỏ của mình.
Trên sân khấu, khán giả nhìn thấy vua chúa, quan quân, nhưng trong khoảng không này, đó là bức tranh về 2 thế hệ nghệ sĩ đang hiện hữu rõ ràng, rành mạch. NSƯT Xuân Quan, NSƯT Linh Hiền… đã đứng sân khấu gần nửa thế kỷ. Có lẽ, ngần ấy thời gian cũng đủ giúp họ bình tâm, nhẹ nhàng khi bước ra sân khấu. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, họ cũng phải giã từ nơi này, kết thúc một chặng đường dài, lắm nhọc nhằn nhưng cũng đầy vinh quang.
Rảo bước về nơi cánh gà, nơi chỉ vài phút nữa thôi sẽ bước ra sân khấu với dáng vẻ đạo mạo, uy nghi, NSƯT Linh Hiền trầm ngâm: “Gần 50 năm, có lẽ có nhiều điều để nói. Nhưng kỳ vọng lớn nhất của tôi là hát bội vẫn tồn tại, phát triển, dẫu biết có rất nhiều thử thách trong tương lai. Quãng đường đã đi, tôi thấy hạnh phúc lắm. Bây giờ, còn làm được gì, chỉ biết cố hết sức mà thôi”.
NSƯT Linh Hiền được nghệ sĩ Ngọc Khánh hỗ trợ chỉnh trang ở hậu trường |
Còn Trí Nhơn, Ngọc Tâm, Trí Luân… thuộc thế hệ nghệ sĩ trẻ của nhà hát. Họ chuyển hướng từ cải lương. Hành trình của họ với hát bội, là sự khởi đầu mới, một thử thách trên con đường tìm kiếm tương lai cho mình. Họ thừa hiểu tình cảnh hiện tại của hát bội, nhưng cũng chưa bao giờ ngừng hy vọng vào tương lai.
Có người đã đứng sân khấu hơn 3 năm, nhưng mỗi lần đi diễn đều hồi hộp, như lần đầu. Khi được giao vai mới, nhiều thoại, nhiều đất diễn hơn, họ mừng không thể tả được. "Tre già măng mọc" sẽ diễn ra trên bất kể vùng đất nào. Không ai khác, chính họ hiểu phải tự vươn lên, trưởng thành mạnh mẽ nhất có thể trước "cơn bão" văn hóa hiện đại đang tấn công các giá trị truyền thống.
Nghệ sĩ Hoàng Tuấn ôn lại những động tác mở màn cho vở diễn |
Nghệ sĩ trẻ Hà Trí Nhơn ngồi ở cánh gà chờ ra sân khấu |
Cách một tấm màn nhung, ngoài sân khấu rộn rã, ồn ào còn bên trong không khí tĩnh mịch, đặc quánh khiến một tiếng thở cũng đủ nghe rõ ràng. Trong màn đêm, đôi lúc được điểm xuyết bởi một vài luồng sáng nhỏ nhoi từ sân khấu rọi vào, nghệ sĩ hối hả di chuyển liên tục để thay đổi đạo cụ, trang phục. Nghệ sĩ Thanh Bình chỉ mươi giây trước ung dung trên sân khấu với những động tác tay chân thuần thục, khi vừa bước sụp vào cánh gà đã như con thoi. Sự hối hả, áp lực biểu hiện rất rõ ràng nơi đôi mắt.
Vừa dứt màn biểu diễn của quân sĩ, Ngọc Tâm khẽ luồn mình qua lối đi hẹp để di chuyển vào trong. Bất giác, cô lay nhẹ tấm màn đen, nép mình vào trong khung sắt, vươn tầm mắt ra ngoài sân khấu lớn nơi những tiền bối đang hăng say biểu diễn. Ánh mắt ấy có lẽ đã nói thay nhiều điều, từ sâu bên trong nghệ sĩ trẻ này. Khoảnh khắc đẹp đẽ ấy, có lẽ thật khó để khán giả có thể hình dung.
Và trong một góc tối khác, nghệ sĩ Ngọc Giàu, Bảo Châu đang tranh thủ ôn bài, để chốc lát nữa lại xuất hiện trên sân khấu với một vai trò mới.
Nghệ sĩ Ngọc Tâm chăm chú theo dõi tiền bối biểu diễn |
Nghệ sĩ Ngọc Giàu và nghệ sĩ Ngọc Châu trao đổi về lớp diễn trước khi ra sân khấu |
60 phút trôi qua, đêm diễn khép lại với những tràng pháo tay liên hồi. Người người lũ lượt kéo về khi bức màn nhung đã khép lại. Trong ánh sáng chỉ vừa đủ thấy mặt người, đôi mắt là đặc điểm duy nhất để nhận diện những con người - mà chỉ ít phút trước đây là vua chúa, quan quân, thần tiên lộng lẫy trên sân khấu. Son phấn được gột rửa, trả lại những gương mặt rất đời thường, mà chính họ cũng phải hoài nghi liệu khán giả có tin đó là người vừa khiến họ cười khóc trên sân khấu hay không.
Một nghệ sĩ cười bảo: “Chắc có lẽ giờ nhìn ghê lắm ha?”. Câu hỏi bâng quơ ấy thật khó để trả lời. Vẻ đẹp nhân diện là tuỳ ở mắt người nhìn. Nhưng bản thân hát bội và trái tim ấm nóng của kẻ yêu nghề là cái đẹp đáng trọng, và khó thể chối cãi.
Hình ảnh lung linh, đầy màu sắc của nghệ sĩ hát bội trên sân khấu |
Góc nhìn các nghệ sĩ từ cánh gà |
Trung Sơn
Chia sẻ bài viết: |
Vài ngày qua, thông tin chỉ có 2/12 rạp hát tại TPHCM được sử dụng gây chú ý trong dư luận.
TP Hội An sẽ tổ chức nhiều sự kiện nhằm kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.
Trên màn ảnh Việt, người khuyết tật có cơ hội đóng phim chỉ ở những vai nhân vật khuyết tật.
Không để thiếu em nào có lẽ là một trong những bộ phim “khiêm tốn” nhất của Trương Nghệ Mưu, với kinh phí cực kỳ ít ỏi.
Gần đây, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa trong ngành xuất bản giữa Việt Nam và Trung Quốc đã diễn ra.
Những năm qua, di sản văn hóa đã gắn chặt với việc bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị, thúc đẩy du lịch phát triển.
Tác giả Lê Hà (sinh năm 1983, TP Huế) đã đưa bạn đọc trở về những ngày xưa cũ, để thưởng thức những món ăn bình dị, dân dã...
Việc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phải làm rào chắn, lần nữa cho thấy văn hóa ứng xử kém của một bộ phận công chúng.
Trong hải trình về với quân dân vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc (từ 9 - 16/11), âm nhạc như chất xúc tác đặc biệt,
“Hẹn sáng Chủ nhật ở chợ quê nghen”. Chợ quê mà chị em nhắn nhau rần rần trên Facebook nằm ở số 7 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TPHCM
Đề tài bạo lực học đường đã đi vào trang sách, trở thành chủ đề trò chuyện cho trẻ thơ.
Bộ ba sách ra đời là sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử, cảm xúc và những giá trị cốt lõi về đạo đức, trí tuệ, và nghị lực.
Cùng cha mẹ già đi (Nhà xuất bản Dân trí) của tác giả Tất Khiếu Nam như một minh chứng cho sự đồng hành giữa 2 thế hệ...
Trước thềm ngày họp Quốc hội bỏ phiếu về việc tăng thuế VAT ngành văn hóa, hơn 30 DN sản xuất phát hành phim trong nước ký đơn kiến nghị phản đối.
Những ngày qua, ca khúc "Mẹ yêu con" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý bỗng trở thành một trong những xu hướng thịnh hành trên mạng xã hội.
NSND Trung Hiếu khẳng định mô hình sân khấu hóa ở TPHCM cần được cả nước học tập.
Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM thông tin về tình trạng không hoạt động thời gian dài tại các địa điểm rạp Đại Đồng, rạp Long Phụng và rạp Công Nhân...
Sau 3 năm nỗ lực trùng tu với kỹ thuật sơn son thếp vàng tinh xảo, bửu tán ngai vàng triều Nguyễn dần lộ diện với vẻ đẹp uy nghi, lộng lẫy.