Hát bội rồi sẽ về đâu?

05/12/2020 - 06:50

PNO - “Hát bội làm tội người ta…” là lời đúc kết của người xưa về sức quyến rũ của loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời của dân tộc (xuất hiện từ cuối thế kỷ XII, phát triển từ thế kỷ XVI ở Đàng Trong với công đầu thuộc về danh nhân Đào Duy Từ) vẫn đúng với hát bội ở thế kỷ XXI, chỉ là nghĩa đã chuyển sang hướng khác…

Còn lại những gì sau một thời vang bóng?

Nhiều nghệ sĩ đã gắn bó cả đời với nghệ thuật hát bội tại TPHCM vẫn lưu giữ những ngày tháng thật tươi đẹp từ hơn… 30 năm trước, khi hát bội vẫn đường đường cạnh tranh với cải lương, các suất hát đều bán hết vé trước một ngày. Còn bây giờ, khi cải lương cũng rơi vào túng cảnh thì hát bội chỉ còn bám trụ chủ yếu ở đình làng - nơi đã cưu mang hát bội từ ngàn xưa.

Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM vẫn tồn tại lặng lẽ với nỗ lực giữ gìn một vốn quý của dân tộc nhưng chỉ có tấm lòng, đam mê thôi là chưa đủ, nhất là khi “lực bất tòng tâm”.

Có một thực tế không thể chối cãi là hát bội đang rất “già cỗi”. Sự cũ kỹ thể hiện rõ trong nhiều vở diễn mà bối cảnh, phục trang, cách dàn dựng không khác mấy mươi năm về trước.

Lửa thiêng được dựng mới nhưng mang cảm giác không khác gì bản dựng cũ cách đây hàng chục năm
Lửa thiêng được dựng mới nhưng mang cảm giác không khác gì bản dựng cũ cách đây hàng chục năm

Một dạo, Nhà hát chủ trương tái dựng những tác phẩm từng thành công trong quá khứ - như Lửa thiêng, Tiếng hát nàng Huyền Cơ, Dũng khí Đặng Đại Độ… Ngoài việc các diễn viên gạo cội lùi lại làm dàn bao, nhường chỗ cho các diễn viên trẻ trong các vai chính thì phần phục trang, bối cảnh từ hàng chục năm trước đều được tận dụng. Việc “xài đồ cũ” đã quá quen với nghệ sĩ hát bội, chỉ dịp hiếm hoi khi tham gia liên hoan, hội diễn toàn quốc mới được đầu tư thêm phục trang mới nhưng cũng khá hạn chế.

Đáng buồn hơn nữa là cách kể chuyện khá đơn giản, phong cách dàn dựng nhàm chán, lối biểu diễn thiếu hấp dẫn đã đẩy hát bội ngày càng xa công chúng.

Cũng khó trách khi kinh phí dàn dựng vở của Nhà hát khá khiêm tốn, trong đó, được đầu tư mạnh tay nhất là Vụ án Lệ Chi Viên (do NSND Lê Tiến Thọ phóng tác từ kịch Đêm Ức Trai của tác giả Lưu Quang Hà, kiêm vai trò đạo diễn) - vở diễn dự Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019 tại Thanh Hóa, cũng chỉ khoảng 400 triệu (con số rất “con nhà nghèo” so với kinh phí trung bình dàn dựng cho một vở diễn của sân khấu phía Bắc).

Mới đây, vở hát bội Kiều được Nhà hát dự trù kinh phí 600 triệu nhưng chỉ được duyệt 300 triệu, lại đành phải “liệu cơm gắp mắm”…

Hụt hẫng thế hệ kế thừa

Những tích tuồng kinh điển qua bao năm có thể vẫn luôn hấp dẫn nhưng người nghệ sĩ hôm nay đâu thể là chính mình của 30 năm trước, trong khi lớp diễn viên kế thừa lại chưa thể vượt qua “cái bóng” của đàn anh đàn chị.

Điển hình, khi dựng lại vở hát bội thể nghiệm Sanh vi tướng, tử vi thần (vở từng tham gia Liên hoan Sân khấu thử nghiệm lần I tại Hà Nội vào năm 2008) với ê-kíp diễn viên trẻ thì bản dựng mới khó có thể tạo được ấn tượng sâu đậm như bản dựng cũ với dàn diễn viên gạo cội giỏi nghề mà nay phần lớn đã nghỉ hát.

Hát bội hiện nay chủ yếu sống nhờ các lễ kỳ yên cúng đình
Hát bội hiện nay chủ yếu sống nhờ các lễ Kỳ yên, cúng đình

Nhưng các bạn trẻ ấy vẫn đang là lực lượng biểu diễn chủ lực của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM và đã phải trải qua hơn 15 năm luyện nghề. Nhưng phía sau lớp nghệ sĩ đó là một khoảng trống mênh mông.

5 năm trở lại đây, 10 nghệ sĩ lần lượt rời Nhà hát, trong đó phần lớn là các nghệ sĩ giỏi nghề đến tuổi hưu. Hiện nay, còn lại 18 diễn viên và 7 nhạc công, có 2 nghệ sĩ bậc thầy sẽ về hưu trong năm tới, lứa NSƯT, đủ năng lực truyền nghề tuổi cũng đã trên dưới 50, các nghệ sĩ chính còn lại cũng đã qua tuổi 30.

NSƯT Hữu Danh cho biết, hiện đã phổ biến tình trạng một diễn viên diễn 2, 3 vai trong Nhà hát: “xong lớp diễn là phải vội vội vàng vàng bôi mặt hóa trang cho vai khác để kịp tuồng. Diễn mà không tập trung như vậy làm sao hay được? Nhưng đâu còn cách nào vì không còn người!”.

Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM Võ Hồ Hoàng Vũ cho biết, theo quy định hiện nay, mỗi suất diễn phục vụ, nghệ sĩ tùy vai chính - phụ mà nhận các mức bồi dưỡng từ 100.000 đến 200.000 đồng, thêm phần lương cơ bản của Nhà nước thì đời sống vẫn rất chật vật.

 “Hậu đài, diễn viên mới chuyên đóng quân sĩ, tì nữ, có lúc tiền thù lao còn không đủ cho xăng xe và bữa sáng. Nhà hát luôn cố gắng kết nối tìm hợp đồng biểu diễn để tăng thu nhập cho anh chị em. Nhưng vẫn là mọi người tự bươn chải…”, anh Hoàng Vũ chia sẻ. Dù hiện nay đời sống của nghệ sĩ hát bội đã cải thiện hơn nhưng “phải đam mê lắm mới trụ được với nghề!”.

Các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM đã quen với việc “hóa trang dã chiến” mỗi suất diễn cúng đình
Các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM đã quen với việc “hóa trang dã chiến” mỗi suất diễn cúng đình

Đâu là lối ra cho hát bội?

Một nhà hát muốn phát huy chuyên môn để phát triển thì phải tổ chức được hoạt động biểu diễn. Thế nhưng sau khi rời rạp Long Phụng (quận 1) đến đóng đô ở rạp Thủ Đô (quận 5), chuyện “an cư lạc nghiệp” của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM vẫn cứ xa vời.

Sân khấu cả hai nơi đều xuống cấp, chỉ dùng làm nơi tập luyện (cũng không đủ chuẩn), không thể tổ chức biểu diễn, càng không đủ chuẩn để tổ chức sân khấu du lịch hoặc các hoạt động khác để tạo thêm nguồn thu.

Hiện nay, mỗi suất diễn phục vụ du khách của Nhà hát theo chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM được nhận 20 triệu đồng thì đã phải trích 5 triệu đồng cho phía tổ chức biểu diễn.

Một cơ ngơi đàng hoàng, một Nhà hát truyền thống với sân khấu ấm cúng khoảng hơn 100 ghế, tiện nghi đầy đủ tổ chức hoạt động biểu diễn, đặc biệt là sân khấu du lịch, vẫn là niềm mong mỏi của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM nhiều năm qua.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là vấn đề con người, chỉ khi nâng cao được chất lượng đội ngũ sáng tạo: tác giả, đạo diễn và diễn viên thì hát bội mới có thể khởi sắc.

Vụ án Lệ chi viên là vở diễn hiếm hoi được đầu tư mạnh tay để dự hội diễn toàn quốc năm 2019
Vụ án Lệ chi viên là vở diễn hiếm hoi được đầu tư mạnh tay để dự hội diễn toàn quốc năm 2019

Hiện Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM cũng đã có được đội ngũ sáng tạo ổn định, chỉ là cần hơn những nỗ lực để họ nâng cao tay nghề, kích thích sự sáng tạo. Cùng với đó, công tác đào tạo đội ngũ kế thừa cần tiếp tục được quan tâm và có kế hoạch khả thi.

Đảm bảo các chính sách chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người làm nghề là điều quan trọng không kém. Và mọi việc vẫn phải chờ sự thay đổi chính sách từ các cấp có thẩm quyền.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI