“Việt Nam của bạn, có gì?”
Harry Vũ (Vũ Hoàng Tú, sinh năm 1991) là một trong những nhiếp ảnh gia đứng sau nhiều bộ ảnh ấn tượng của nghệ sĩ Việt. Tự tin nhất với nhiếp ảnh, nhưng trong dự án nghệ thuật đầu tiên ra mắt tại Việt Nam, Harry Vũ không “trưng trổ” ngón nghề nhiếp ảnh để trở thành nhân vật trung tâm, mà kết hợp cùng nhiều cộng sự làm nên một triển lãm Lĩnh Nam: Họ Hồng Bàng tổng hòa của nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật xếp giấy, thời trang, âm nhạc, nhiếp ảnh.
Lĩnh Nam: Họ Hồng Bàng (triển lãm từ ngày 7-13/1) là dự án đầu tiên trong chuỗi dự án triển lãm nghệ thuật mang tên Lĩnh Nam của Harry Vũ. Đây là hành trình anh tìm về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tìm kiếm câu trả lời cho những thắc mắc về nguồn cội của chính mình trong tiến trình lịch sử. Ban đầu, Lĩnh Nam là câu chuyện được Harry Vũ ấp ủ cho riêng mình, nhằm thỏa mãn sự tò mò. Nhưng về sau, khi có được những cộng sự tốt, anh lại muốn lan tỏa đến nhiều người trẻ.
“Trong bốn năm học tại Đại học Edith Cowan của Úc, nhiều bạn bè nói rằng ngoài phở, áo dài, họ không biết Việt Nam còn gì đặc trưng. Thậm chí họ còn thấy đất nước chúng ta có phần giống với các quốc gia lân cận” - Harry Vũ nói.
Chia sẻ của bạn bè quốc tế khiến chàng trai đến từ Việt Nam phần nào thức tỉnh. Việt Nam giàu truyền thống văn hóa, đậm bản sắc riêng, điều đó không ai phủ nhận. Nhưng bạn bè quốc tế và chính những công dân như Harry chưa đủ hiểu về nguồn cội của mình để tự tin khi bị “truy vấn” về gốc tích, về văn hóa. Dù rất muốn, nhưng chỉ sau khi về nước năm 2018, và trong thời điểm dịch COVID-19 năm 2020, Harry Vũ mới bắt tay vào thực hiện.
“Tôi tình cờ đọc được cuốn Lĩnh Nam chích quái và cảm thấy bản thân được truyền cảm hứng rất mạnh mẽ. Nghĩ lại ý định từng ấp ủ ngày còn bên Úc, tôi bắt tay vào thực hiện dự án cùng nhiếp ảnh gia Bobby Nguyễn - một người anh tôi quý trọng và tin tưởng về chuyên môn. Chúng tôi có sáu tháng suy nghĩ về dự án, tìm thêm nhiều cộng sự cùng tham gia như nghệ nhân xếp giấy Phạm Hoàng Tuấn, stylist Huyền Coco, thiết kế đồ họa Tân Nguyễn… cùng nhiều cộng sự khác” - Harry Vũ chia sẻ.
Không ngại tranh cãi khi hành trình chỉ mới bắt đầu
Sự xuất hiện của Lĩnh Nam: Họ Hồng Bàng trong một tuần triển lãm vừa qua như bài kiểm tra về sức hưởng ứng của những người trẻ. Dù không được truyền thông rộng rãi, nhưng sự kiện thu hút lượng người xem đều đặn với nhiều đóng góp trái chiều. Harry Vũ nói, khen hay chê đều là ý kiến mà anh cần có trong dự án đầu tiên, để anh biết việc mình làm đang nhận được sự quan tâm của công chúng. Nhưng điều ít ai biết, Harry Vũ vốn thích quan sát, sống thiên về nội tâm, không thích sự phản biện, và luôn tránh làm mất lòng người khác. Do đó, khi thực hiện Lĩnh Nam: Họ Hồng Bàng cũng là lúc anh cởi mở hơn, chấp nhận gác cái tôi nghệ sĩ, đưa những dự án chỉ tồn tại trong tâm tưởng, trên giấy ra để nhiều người “mổ xẻ”.
“Tôi nhận được một câu hỏi rằng, nếu có người đánh giá triển lãm Lĩnh Nam: Họ Hồng Bàng không có gì đặc sắc, đột phá, tôi sẽ phản biện ra sao? Tôi thấy điều này là logic (dù đây là ý giả sử), vì hiện nhiều bạn trẻ cũng dành sự quan tâm đến văn hóa. Còn về cá nhân, đây là cú đột phá của chính tôi. Trong 30 năm qua, mọi điều tôi làm chỉ để cho mình và những người thân quanh mình. Giờ đây, tôi muốn hành động vì những người trẻ khác và mong rằng họ hãy quan tâm đến văn hóa Việt” - Harry Vũ nói thêm.
Anh thừa nhận bản thân thiếu kinh nghiệm tổ chức các triển lãm, đây mới là dự án thứ hai, sau triển lãm Before the storm (tại Úc). Nhưng, sự thiếu kinh nghiệm mà anh nói không đồng nghĩa với sự cẩu thả, thực hiện vội vàng, thiếu nghiên cứu. Harry Vũ đã dành nhiều thời gian nghiền ngẫm tư liệu về lịch sử, lọc chi tiết về hình ảnh con rồng, cô đọng câu chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, tìm kiếm ngôn ngữ nhiếp ảnh phù hợp với sử liệu… Trong dự án nghệ thuật đầu tiên, Harry Vũ coi trọng câu chuyện văn hóa hơn yếu tố lịch sử. Còn những dự án tiếp theo, khi tìm được những cộng sự phù hợp, anh mong muốn khai thác sâu hơn sử liệu Việt Nam ở những góc nhìn nghệ thuật, thông qua lăng kính của một nhiếp ảnh gia.
“Lĩnh Nam hay Lĩnh Nam: Họ Hồng Bàng chỉ là những tiếng nói nhỏ, dự án nhỏ để nếu ai cảm thấy được truyền cảm hứng, họ sẽ có nhiều ý tưởng tốt hơn tôi, hay chí ít, họ biết đã có những điều như thế tồn tại. Người trẻ đôi lúc đánh mất mình với công nghệ, thời đại nhưng văn hóa là thứ không thể để mất. Chúng cần được định hình, nhắc nhở liên tục” - Harry Vũ khẳng định.
Diễm Mi