Hấp dẫn trong từng thước phim tài liệu

26/06/2015 - 10:30

PNO - PN - Đầu tư công phu, tâm huyết với những đề tài nóng, thiết thực; cách thể hiện hay, mới lạ và cuốn hút, phim tài liệu ngày càng tạo được ấn tượng mạnh.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đề tài nóng, thiết thực

Đài truyền hình TP.HCM vừa kết thúc phát sóng năm tập phim Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời (Biên kịch - Đạo diễn (ĐD): NSƯT Lâm Thành Quý, phát sóng từ ngày 20-25/6 vào lúc 21g trên kênh HTV9). Đây là dự án phim tài liệu hiếm hoi được khán giả mong đợi. Phim khai thác đề tài luôn được quan tâm: chủ quyền biển đảo. Khán giả được nhìn cận cảnh những bản đồ, thư tịch cổ quý giá từ thư viện, văn khố, bảo tàng các nước.

Những khó khăn của đoàn phim qua chín quốc gia được tóm tắt rất ngắn gọn trong lời bình nhưng lại mang đến cảm giác xúc động cho người xem. Một hành trình chân thực, nỗ lực và tìm thấy hình ảnh Trường Sa - Hoàng Sa trên những tấm bản đồ có niên đại hàng trăm năm. Chỉ gói gọn thời lượng 30 phút/tập nhưng ê kíp đã mất hơn ba năm thực hiện.

Điều lớn lao mà Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời mang đến chính là niềm tin và tự hào, một giá trị bền vững, lời khẳng định đanh thép nhất về chủ quyền biển đảo: Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam.

“Sau khi phát sóng, năm tập phim sẽ được đăng tải trên Youtube. Phim cũng sẽ được chuyển ngữ sang tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác phục vụ các đối tượng khán giả trẻ, kiều bào nhằm phổ biến sâu rộng giá trị và khẳng định chủ quyền biển đảo đến công dân Việt Nam và toàn thế giới”, ông Nguyễn Quý Hòa, Tổng giám đốc Đài truyền hình TP.HCM cho biết.

Hiện, Đài truyền hình TP.HCM đang triển khai thực hiện dự án phim tài liệu lớn về biển đảo (dài 50 tập, ĐD Tường Phương). Đoàn phim chia thành nhiều nhóm, đang rong ruổi ghi hình dọc miền duyên hải từ vịnh Bắc bộ đến mũi Cà Mau.

“Phim tài liệu luôn gần với báo chí, hơi thở của đời sống. So với phim truyền hình, việc chuẩn bị kịch bản phim tài liệu vất vả hơn nhiều. Mọi thứ đều phải thật chính xác, luôn cần có sự nghiên cứu đầu tư cân nhắc kỹ lưỡng. Kiến thức và bản lĩnh cũng phải vững vàng trước những đề tài thử thách. Nếu làm tốt, phim tài liệu có thể tạo được tiếng vang” - biên tập viên Minh Diệu, công tác ở Hãng phim TFS - người được “tăng cường” theo ĐD Tường Phương thực hiện dự án phim tài liệu dài hơi về biển đảo nhận định.

Hap dan trong tung thuoc phim tai lieu

Đoàn phim Những đứa con của cuộc chiến đang chuẩn bị cho một cảnh quay tại Mỹ - Ảnh: VTV

Lan tỏa giá trị

Phim tài liệu lâu nay bị xem là thể loại khô khan, khó xem. Nhưng sức hấp dẫn và giá trị lan tỏa của nhiều bộ phim tài liệu gần đây đã chứng minh điều ngược lại.

Chương trình Xin đa tạ những tháng năm vĩ đại, được xem như một phim tài liệu nghệ thuật, do VTV thực hiện nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, được giới làm phim đánh giá cao. Các phim phát sóng trong khung giờ đặc biệt (vào lúc 20g10 thứ Bảy của tuần thứ hai trong tháng trên kênh VTV1) 10 năm sau thảm họa sóng thần, Bản hòa tấu Sơn Đoòng, Hồ Chí Minh - Bài ca tự do, MH370 - Hành trình chưa kết thúc… cũng để lại dấu ấn đẹp.

Sắp tới, vào lúc 20g10 ngày 27/6, bộ phim Những đứa con của cuộc chiến (ĐD Tạ Quỳnh Tư) sẽ lên sóng VTV. Phim là hành trình xúc động tìm về số phận của những đứa con lai mang hai dòng máu Việt - Mỹ 40 năm sau cuộc chiến.

Thực hiện bộ phim nào, ê kíp cũng đều phải trải qua hành trình vất vả, thậm chí nguy hiểm. “Làm phim tài liệu phức tạp, vất vả gấp trăm lần so với phim truyền hình. Từ chuyện xin giấy phép ghi hình đến những khó khăn về bối cảnh thật, di chuyển đến hàng chục tỉnh thành, chưa kể hàng loạt tình huống phát sinh. Quan trọng nhất là đừng bao giờ nghĩ đến sẽ có quảng cáo, có doanh thu như phim truyền hình”, ĐD Nguyễn Đức Long nói.

ĐD, nhà báo Nguyễn Hoàng Lâm cũng chia sẻ “nỗi vất vả tự hào” của cả ê kíp khi đoàn phim phải đi bộ một ngày đêm mới đến được Sơn Đoòng. Đang mùa lũ về, hang động thiếu sáng, dốc cao nguy hiểm nhưng vượt qua những thách thức của tự nhiên, đoàn đã mang về một Bản hòa tấu Sơn Đoòng ấn tượng.

Các đoàn phim ghi hình ở nước ngoài đối mặt với khó khăn gấp bội, như ê kíp thực hiện Những đứa con của cuộc chiến phải ghi hình trong cái rét âm 22oC giữa mùa đông nước Mỹ. Những nỗ lực, dấn thân của các nhà làm phim tài liệu đã mang đến cho khán giả những bộ phim giá trị.

 TIỂU QUYÊN

Bốn năm ghi hình trên không

Suốt 15 năm qua, bộ phim Đàn chim di trú (tựa tiếng Anh Winged Migration, biên kịch và ĐD: Jacques Perrin, Jacques Cluzaud và Michel Debats nhận được giải thưởng Academy Award dành cho phim tài liệu trong năm 2001) là một bộ phim điển hình về sự dấn thân của các nhà làm phim tài liệu.

Đàn chim di trú được quay trong bốn năm trên khắp bảy lục địa, hầu hết là cảnh quay từ máy bay trực thăng. Đoàn phim đã bay cùng đàn chim di trú từ cực Bắc đến cực Nam, với những cảnh quay thiên nhiên tuyệt đẹp tại 36 nước (trong đó có Việt Nam). Đàn chim di trú trở thành bộ phim tài liệu cực kỳ ăn khách tại Pháp và nhiều quốc gia khác từ năm 2001 đến nay.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI