Hấp dẫn nhưng chưa trọn

07/09/2015 - 16:32

PNO - Tour du lịch đường sông nội đô đầu tiên của TP. HCM vừa ra mắt vào tháng chín đã mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới lạ.

Tại cầu cảng tập kết bến Thị Nghè, du khách thích thú khi nhìn những chiếc thuyền được thiết kế bắt mắt với đầu thuyền hình chim phượng, các ghế ngồi bài trí đối xứng nhau với áo phao gọn gàng… Các hướng dẫn viên nữ trong đồng phục áo dài, nón lá xinh xắn.

Có hai loại thuyền phục vụ khách tham quan: loại cao cấp gồm 10 chiếc thuyền phụng, sức chứa từ hai-sáu người và loại thuyền chống bình dân sức chứa từ 7-20 khách, giá vé khá mềm, từ 110.000-220.000đ.

Với lộ trình 4,5km, cô lái thuyền điêu luyện, khoan thai điều khiển hai cây chèo đưa du khách rời bến từ cầu Thị Nghè (Q.1) di chuyển qua cầu Bùi Hữu Nghĩa, cầu Bông, chùa Chantaransay (Q.3)...

Nhiều hình ảnh mà trước đây du khách muốn xem phải đến khu chợ nổi Cái Răng-Cần Thơ hay những vùng sông nước xa xôi của vùng đất phương Nam mới thấy được, nay hiện diện sinh động trên dòng kênh Sài Gòn.

Thêm vào đó, hướng dẫn viên thuyết minh rất nhiệt tình, sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của du khách về những cảnh đẹp nơi thuyền đi qua, chia sẻ về quá trình cải tạo để có dòng kênh trong xanh như ngày nay...

Ngồi giữa thuyền, du khách có thể thong dong thu vào tầm mắt hình ảnh người dân hai bên bờ sông hăng hái tập thể dục dưới ánh nắng chiều, những dòng xe máy tấp nập trên đường trở về sau một ngày làm việc…

Cuối hành trình, du khách còn được thả những chiếc hoa đăng bằng giấy trên sông, chụp những tấm ảnh “tự sướng” về hành trình để khoe với bạn bè.

Hap dan nhung chua tron
Du khách trên chuyến du lịch kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè

Điểm cộng cho sản phẩm du lịch này đã rõ, tuy nhiên vẫn còn một số điều đáng tiếc. Điển hình như chèo mãi đến giữa dòng mới thấy một chiếc ghe nhỏ, trên ghe, hai nghệ sĩ đàn những bản nhạc ngân vang qua hệ thống loa âm thanh.

Người đi thuyền chỉ lướt sơ qua nơi ấy vài phút rồi... thôi, khách tiếc lắm bởi không có cơ hội tiếp cận nhiều hơn để nghe trọn vẹn một bài trình tấu hay chụp ảnh lưu niệm cùng nghệ sĩ. Thuyền đi qua một đoạn chừng 10m, trước tiếng hò reo cổ vũ của khách, hai nghệ sĩ đánh đàn đã vẫy tay chào đáp lại.

Thế nhưng, tay đã giơ lên mà tiếng nhạc “không biết từ đâu” vẫn cứ vang, làm du khách “sượng đơ người” bởi nghi vấn... đàn nhép. Nếu khách quốc tế, những người mộ điệu âm nhạc dân tộc phát hiện ra “thủ thuật” này, chắc hẳn sẽ hụt hẫng.

Nhiều du khách góp ý, nên tổ chức các nhóm nhân viên vệ sinh, thường xuyên vớt rác để dòng kênh sạch hơn (hiện vẫn còn khá nhiều rác).

Hoặc, có thể sắp xếp thêm dăm ba chiếc thuyền đầy ắp trái cây miệt vườn, hay vài ghe bán những món ăn truyền thống như bún riêu, bánh canh... để khi khách ghé vào nghe đàn ca, hát xướng, được tặng một chùm hoa quả hay mua vài loại trái cây để thưởng thức dọc chuyến đi, hoặc lót dạ bằng một món ngon dân dã, thậm chí đơn giản chỉ được chụp ảnh cùng những cảnh ấy trên sông. Lúc ấy, mọi người đi tour trọn vẹn cảm xúc hơn nhiều.

K. Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI