Hấp dẫn du khách bằng du lịch xanh đúng nghĩa

28/08/2023 - 06:06

PNO - Du lịch bền vững hay còn gọi là du lịch xanh - loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa địa phương, hạn chế xả thải ra môi trường - ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước.

Sức hút của du lịch không phát thải
Từ lâu, bản du lịch Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) được xem là mô hình du lịch cộng đồng kiểu mẫu. Bản có 100% cư dân là người dân tộc H’mông, tất cả đều tham gia làm du lịch. Trong đó, có 20 hộ kinh doanh dịch vụ homestay (du khách ở chung nhà dân), 6 hộ làm dịch vụ ăn uống, 1 hợp tác xã tiếp đón và phục vụ du khách với sức chứa trên 300 khách mỗi ngày, đêm.

Du khách đến với đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM ẢNH: QUỐC THÁI
Du khách đến với đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM - Ảnh: Quốc Thái

Bản này thu hút khách du lịch nhờ có nét riêng về phong cảnh, phong tục bản địa. Bản có tảng đá lớn khắc thông tin phân chia nhà ở, ruộng nương của người dân thay cho “sổ đỏ”; có những ngôi nhà với tường dày cộm được đắp bằng bùn trộn với phân trâu, giúp làm mát vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông. Bản có nhiều cây tung qua sủ hàng trăm năm tuổi, được người dân dùng vỏ để nhuộm vải; có những thác nước trong vắt, mát lành, những quả đồi xanh mướt mắt; có những chợ phiên họp vào thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần. 

Trong bản, người dân không uống rượu, không cờ bạc, không hút chích ma túy, không quan hệ tình ái lăng nhăng. Ông Vàng A Chỉnh - Trưởng bản - cho hay, trước đây, người dân trong bản chỉ biết làm ruộng, trồng cây thuốc, cây ăn quả. Sau khi được cán bộ tập huấn, hướng dẫn làm du lịch cộng đồng, bà con trong bản làm theo. Từ khi chuyển sang làm du lịch, đời sống bà con trong bản tốt hơn, đàn ông cai được rượu và ma túy, trẻ em được đến trường. Mỗi năm, bản đón trên 20.000 lượt khách trong nước và quốc tế.

Mới đây, trong khuôn khổ Diễn đàn du lịch ASEAN - ATF 2023 diễn ra ở thành phố Yogyakarta, Indonesia, bản Sin Suối Hồ đã được trao giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN 2023. 

Tại xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, có hồ điều tiết thủy lợi Hòn Mát rộng gần 42ha, xung quanh là núi rừng. Nhận thấy cảnh đẹp, khí hậu trong lành, ông Đặng Trọng Tấn đã thuê lại mặt nước, đầu tư làm nông trại kết hợp nghỉ dưỡng, tham quan và trải nghiệm các dịch vụ đi thuyền, chèo kayak, chèo sup, đạp vịt. Ông cho trồng rau, hoa, cây ăn trái trên 4ha quanh hồ để du khách tự tay thu hoạch. 

Ông Đặng Trọng Tấn - giờ đây là Giám đốc khu du lịch sinh thái Hòn Mát - cho biết, năm 2022, Hòn Mát đã đón hơn 55.000 lượt khách. Nhờ phối hợp với khu du lịch này, nông dân đã bán được trái cây cho du khách theo hình thức tự tay ăn tại chỗ hoặc mua về làm quà.

Các thành phố cũng chú trọng du lịch xanh 

Nhà hàng The Field Hoi An Restaurant & Bar ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam được du khách biết đến nhờ thiết kế và vận hành theo cách thân thiện với môi trường, như hạn chế dùng đồ nhựa, tận dụng rác thải hữu cơ làm phân bón cho vườn rau…

Ông Phan Xuân Thanh - chủ nhà hàng, cũng là Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam - cho biết, trước đây, qua khâu sơ chế, nhà hàng phải bỏ từ 20 - 30% nguyên liệu; còn hiện nay, khi áp dụng vòng tuần hoàn rác, nhà hàng chỉ bỏ khoảng 5% nguyên liệu. Mỗi năm, nhà hàng đón khoảng 60-70 đoàn khách gia đình hoặc nhóm gia đình muốn có không gian riêng, hoặc những đoàn khách Tây muốn tự ra vườn thu hái rau được trồng dưới tán rừng rồi vào xem cách chế biến và sau đó thưởng thức món ăn.

Năm 2022, ấp Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM) được Sở Du lịch TPHCM phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch chọn làm nơi để làm du lịch cộng đồng. Ấp này có hệ thống sông, rạch chằng chịt bao quanh, người dân sống bằng nghề làm muối và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Du khách đến đây được trải nghiệm các dịch vụ do các hộ dân trong ấp tổ chức và vận hành, như ăn hải sản, tham quan ruộng muối, qua đêm ở các homestay, xem đờn ca tài tử, ngâm chân thư giãn... 

Du khách trải nghiệm du lịch xanh tại thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang - ẢNH: QUỐC THÁI
Du khách trải nghiệm du lịch xanh tại thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang - Ảnh: Quốc Thái

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - mô hình du lịch cộng đồng làm tăng giá trị các sản phẩm vốn có của cư dân, góp phần giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa và tạo sự đoàn kết gắn bó của cộng đồng. Sở Du lịch TPHCM đang phối hợp các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng ở đây, gồm xây dựng hạ tầng, tham mưu để UBND TPHCM ban hành quy chế bảo vệ rừng song song với phát triển du lịch.

“Cần Giờ là một trong những điểm đến trong tuyến du lịch hướng đông nam của TPHCM. Trên tuyến này có các sản phẩm du lịch của quận 7, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ. Trong đó, Cần Giờ là trọng tâm trong tuyến. Trong tương lai, Cần Giờ sẽ là một trong những điểm nhấn du lịch của TPHCM” - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói. 

Nhóm phóng viên

Hiểu rõ về du lịch xanh để làm đúng 

Theo tiến sĩ Dương Đức Minh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế du lịch TPHCM - xu hướng sống xanh ngày càng phát triển mạnh mẽ, trong đó bao gồm du lịch xanh. 

Du khách tham quan bức tường 300 tuổi ở xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu - ẢNH: QUỐC THÁI
Du khách tham quan bức tường 300 tuổi ở xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu - Ảnh: Quốc Thái

Sau các đợt dịch COVID-19, xu hướng này càng được quan tâm. Tuy nhiên, không dễ để làm du lịch xanh bởi phải xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp, đồng thời giúp du khách hiểu được hành vi tôn trọng, bảo tồn thiên nhiên. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ tập trung khai thác các giá trị của tự nhiên chứ chưa quan tâm truyền thông để thay đổi nhận thức, hành vi. 

Ông cho rằng, để phát triển du lịch xanh, cần tổ chức chiến lược truyền thông về trách nhiệm với môi trường, văn hóa. Bên cạnh đó, cần khai thác đi kèm với bảo tồn và gìn giữ, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên. Bản chất của du lịch xanh là tôn trọng tự nhiên, môi trường từ nhận thức cho đến hành vi. Không phải cứ tạo ra khu du lịch sinh thái rồi gọi đó là du lịch xanh.

Ngày càng nhiều người chọn du lịch xanh 

Du lịch bền vững hay du lịch xanh là hình thức du lịch có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng ở cả hiện tại và tương lai. 

Theo Statista - nền tảng trực tuyến của Đức chuyên thu thập và trực quan hóa dữ liệu - năm 2021, tỉ lệ du khách toàn cầu tìm kiếm thương hiệu khách sạn có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng đã vượt quá 80%. Một cuộc khảo sát vào năm 2022 của Statista cũng cho kết quả, hơn 80% du khách toàn cầu tin rằng du lịch bền vững là quan trọng; tỉ lệ khách du lịch toàn cầu có ý định lưu trú ít nhất một lần ở các cơ sở lưu trú thân thiện với môi trường trong năm 2023 là 78%. Cũng theo Statista, ngành du lịch sinh thái trên toàn thế giới ước đạt doanh thu 172,4 tỉ USD vào năm 2022 và sẽ đạt 374,2 tỉ USD vào năm 2028, đạt tốc độ tăng trưởng 13,9%.

Trong ấn bản Chỉ số du lịch bền vững 2023, Công ty Euromonitor - chuyên nghiên cứu thị trường, có trụ sở ở Anh - cũng công bố kết quả khảo sát: gần 80% khách du lịch sẵn sàng trả thêm ít nhất 10% chi phí cho các tính năng du lịch bền vững, 41% du khách sẵn sàng trả thêm 30% chi phí cho hoạt động khám phá tự nhiên và du lịch sinh thái. 

Bên cạnh đó, các loại hình vận tải có lượng phát thải khí carbon thấp cũng được lựa chọn nhiều hơn, bao gồm thuê xe đạp, thuê xe điện, đi xe buýt điện, tàu điện. Costa Rica là một trong những quốc gia “xanh” nhất thế giới, từ lâu đã có triết lý làm du lịch không thể tách rời thế giới tự nhiên. William Rodriguez - Bộ trưởng Bộ Du lịch Costa Rica - nói: “Khái niệm bảo tồn gồm 2 phần: một là giữ nguyên hiện trạng, đồng thời phục vụ cho nghiên cứu và bảo tồn; hai là tận hưởng trải nghiệm nhưng không tàn phá tự nhiên”. 

Costa Rica đã tăng tỉ lệ không gian xanh từ 25% lên 56%, là tấm gương cho các quốc gia khác về giữ rừng và trồng lại rừng. Ngày nay, du lịch chiếm 8,1% GDP của quốc gia Trung Mỹ này và du lịch xanh góp phần vào tiến bộ kinh tế, xã hội ở những nơi mà ngành công nghiệp truyền thống chưa đạt được.

Linh La (theo Statista, Travel Daily Media, BCG, Market Research Future)

Du lịch xanh nằm trong định hướng phát triển của TPHCM

Trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, chúng tôi nhận thấy, du khách quốc tế rất quan tâm đến sản phẩm du lịch xanh. Họ rất bất ngờ khi TPHCM có những điểm du lịch thân thiện môi trường như Cần Giờ.

Phát triển du lịch xanh nằm trong định hướng của chính quyền TPHCM. Sở sẽ phối hợp với các doanh nghiệp du lịch địa phương phát triển các sản phẩm trên cơ sở tôn trọng môi trường, thiên nhiên. Những phương tiện kết nối, đi lại cũng phải thân thiện với môi trường, như xe đạp công cộng, xe điện. Qua tập huấn, người dân ở các địa điểm cũng biết cách làm du lịch kết hợp với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM

 

Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp làm du lịch xanh

Hội An là điểm đến của du khách nhiều nước như Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Thụy Sĩ… Đây là nguồn khách chuộng trải nghiệm du lịch bền vững. Doanh nghiệp ở Hội An đã sớm nhận thấy xu hướng này và bắt tay vào làm từ khá sớm.

Việc Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam đề xuất với UBND tỉnh về việc phát động làm du lịch xanh, giảm thiểu rác thải nhựa, cộng đồng doanh nghiệp đã nhiệt liệt ủng hộ. Tuy nhiên, kế hoạch này bị gián đoạn do dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp không có doanh thu trong thời gian dài do không có khách. Hiện hoạt động du lịch đã phục hồi nhưng khá chậm, du khách trở lại nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó về tài chính nên ít doanh nghiệp tiếp tục theo đuổi mô hình du lịch xanh. 

Du lịch xanh là chiến lược dài hơi, đòi hỏi phải có sự kiên định. Đây là xu hướng tất yếu. Nếu không chú trọng tăng trưởng xanh, Việt Nam sẽ bị các nước gây sức ép. Nếu Việt Nam không làm du lịch xanh thì chưa chắc có dòng khách quốc tế chất lượng. Do đó, chúng ta nên chủ động làm du lịch xanh để đón nhận khách dễ dàng hơn.

Phát triển du lịch bền vững là giá trị của nền kinh tế chứ không phải của một mô hình hay sản phẩm. Để hướng tới du lịch xanh bền vững, chúng ta phải hướng tới việc giảm phát thải carbon, hướng tới kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Nó là một nền tảng để thay đổi cả hệ sinh thái. 

Xanh ở đây không chỉ đơn giản là cây cối mà là một quá trình từ bên trong nhận thức, là sự trân trọng tự nhiên, biết định giá vốn tự nhiên để bảo vệ, bảo tồn nó nhằm nâng cao giá trị từ tự nhiên. Ở TP Hội An, hiện đã có khoảng 11 doanh nghiệp được cấp chứng nhận xanh với mô hình tuần hoàn rác trong quá trình vận hành khách sạn; các khách sạn cũng ưu tiên sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.

Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam đã có bộ tiêu chí du lịch xanh và chính sách tuyên truyền cho xu hướng này nhưng nguồn tài chính cho việc chuyển đổi này lại đang thiếu. 

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam

Bắt đầu từ sự thay đổi ý thức

Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch xanh. Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đồi núi và cao nguyên, có đường bờ biển dài và hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ. Việt Nam có sự đa dạng về sắc tộc và văn hóa truyền thống. 
Hạn chế hiện nay là nghiệp vụ làm du lịch xanh còn yếu, nhiều người dân còn chưa biết vận dụng mô hình này. Người dân nói chung vẫn chưa có ý thức bảo vệ thiên nhiên, vẫn xả thải bừa bãi. Việc quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương cùng những nét văn hóa đặc trưng bị mai một, cho phép xây những công trình phá hoại cảnh quan thiên nhiên. Nhiều nơi tập trung vào việc xây dựng những tiểu cảnh ngoại lai thay vì tận dụng và phát huy những giá trị truyền thống của địa phương.
Hiện nay, có một số địa phương đang làm tốt du lịch xanh là Quảng Bình, Ninh Bình, Phú Thọ và Hòa Bình.

Bà Nguyễn Thiên Hà - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Olabay Vietnam Tour

Quốc Thái - Bảo Khang - Đình Dũng (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI