Hào khí Điện Biên - Xây dựng bản làng đẹp tươi để xoa dịu đau thương

28/04/2024 - 07:31

PNO - Từ 1 bản Noong Nhai với vỏn vẹn 12 gia đình sống sót, đến nay đã thành bản Noong Nhai 1 và Noong Nhai 2 với hơn 200 hộ gia đình sống thanh bình với vườn tược ven dòng Nậm Rốm và cánh đồng Mường Thanh bát ngát.

Trong khuôn viên Di tích lịch sử quốc gia “Hận thù Noong Nhai” (tỉnh Điện Biên) là bức tượng người phụ nữ Thái đau đớn, thất thần ôm trên tay đứa con thơ đã chết. Dưới chân tượng, bia đá khắc ghi: “Nơi đây, vào lúc 14 giờ ngày 25/4/1954, máy bay của quân đội xâm lược Pháp ném bom làm chết 444 người đồng bào các dân tộc, hầu hết là đàn bà và trẻ em!”.

Bức tượng tạc nỗi đau mất con của người phụ nữ Thái
Bức tượng tạc nỗi đau mất con của người phụ nữ Thái

Bắt dân vào trại tập trung làm bia đỡ đạn

Sau khi nhảy dù xuống Mường Thanh, bắt đầu giai đoạn chiếm đóng Điện Biên Phủ, thực dân Pháp một mặt củng cố quân đội, một mặt mở các cuộc càn quét lớn. Chúng đốt các bản làng, cho người điều tra lý lịch từng gia đình rồi lùa toàn bộ dân Mường Thanh vào những trại tập trung để quản lý nghiêm ngặt, đề phòng sự xâm nhập của Việt Minh.

Nhưng mục đích thâm hiểm của chúng là nếu Việt Minh đánh tới thì chúng sẽ đem thường dân trong 4 trại tập trung ra làm… bia đỡ đạn. Trại tập trung Noong Nhai (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là một trong số đó. Trại kéo dài từ bản Poom La đến bản Noong Nhai, là nơi sinh sống tạm bợ của hơn 3.000 người dân các xã Thanh Xương, Noong Hẹt, Thanh An, Sam Mứn.

Trong các trại tập trung, hàng trăm người bị chết vì đói, bệnh tật, sốt rét và sự tra tấn tàn độc của chúng. Cố Bí thư tỉnh ủy Lai Châu (sau này tách thành 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu) - ông Lò Văn Puốn cùng gia đình ở xã Thanh Xương cũng bị giặc kéo đổ nhà cửa, đốt cháy vườn tược và dồn vào trại tập trung Noong Nhai.

Lúc còn sống, ông Puốn đã dày công sưu tầm tư liệu về vụ thảm sát mà mình đã trải qua và sống sót. Theo ghi chép lại của ông Puốn: “Suốt gần 4 tháng, chúng tôi sống không khác gì địa ngục. Không có việc gì để làm nên tệ nạn trong trại phát triển, nam giới tổ chức cờ bạc sát phạt nhau, rượu chè bê tha; nữ giới thì bị lính Tây hãm hiếp. Tình trạng vệ sinh tồi tệ, nước thải không có chỗ thoát, phóng uế bừa bãi. Không có củi để đun, bà con phải lấy nước lã dưới suối về uống. Hầu như ngày nào cũng có người chết vì bệnh tật hoặc vì tên rơi đạn lạc”.

Để chiếm đóng Điện Biên Phủ lâu dài, chúng rốt ráo xây dựng các chân rết dân vệ, mật thám và “nhồi sọ” những kẻ hèn hạ đi theo chúng. Có một kẻ phản bội tên Piềng. Vợ hắn sống trong trại tập trung Noong Nhai. Nghe lỏm được chuyện bà con nói với nhau rằng “cán bộ sắp vào giải phóng Điện Biên”, mụ vợ tìm cách bắn tin ra ngoài cho chồng đi báo quan ba. Trước đó, ngày 13/3/1954, quân ta đã giành chiến thắng ngay trận mở màn chiến dịch, xé toạc “cánh cửa thép” Him Lam.

Càng đánh, Pháp càng phải rút chạy khỏi những cứ điểm quan trọng. Đến cuối tháng Tư, phạm vi chúng kiểm soát chỉ còn vài km2. Vì thế tin “cán bộ sắp vào giải phóng Điện Biên” trở thành cơn cớ khiến chúng trút bom xuống Noong Nhai, gây ra một cuộc thảm sát dân thường, bất chấp đó là điều Công ước quốc tế nghiêm cấm.

Gia đình 22 người, chỉ 1 người còn sống sót

Đến nay, những thông tin “chính thống” về vụ thảm sát Noong Nhai vẫn còn là một ẩn số, hiện vật trong bảo tàng cũng chẳng có nhiều. Trong quá trình ông Puốn đi thu thập tư liệu từ những người sống sót thì mỗi người kể một cách khác nhau. Nhưng điểm chung là tang thương ở Noong Nhai đã hằn sâu trong tâm trí người ở lại cũng như những thế hệ người Noong Nhai sau này.

Hồi ký của ông Puốn kể lại: “Ngày 25/4/1954, quá trưa, bà con trong trại tụ tập chuẩn bị đưa tang một người thì bỗng nghe thấy tiếng ầm ù. Vừa kịp nhận ra là máy bay thì tất cả đã chìm trong khói lửa của hàng trăm quả bom, trong đó có cả bom napalm (napan)”. Lúc đó ông Puốn cùng vài người đang tắm sông Nậm Rốm. Bom dội làm nước sông dậy sóng đánh ngã người dưới suối.

Sau khi tiếng nổ ngưng, ông Puốn chạy lên thì thấy chị gái Lò Thị Panh đầy vết thương nằm giữa hố bom. “Tưởng chị đã chết, chúng tôi chạy tiếp lên trại thì gặp cán bộ Khảo và cán bộ Thiêm đi kiểm tra. Nhiều người bị đứt đôi, người mất đầu, người cụt chân, người cụt tay, người thì bị cháy đen thui. Nhiều trường hợp chết cả nhà. Gia đình ông Lường Văn Cu - ở bản Huổi Cánh, xã Thanh An - có 7 người thì chết cả 7. Gia đình ông Lù Văn Yêu - ở bản Hồng Cúm, xã Thanh An - có 19 người thì chết 14. Gia đình ông Lường Văn Puốn - ở bản Huổi Cánh, xã Thanh An - có 22 người thì tan thây một lúc 21 người, chỉ một mình ông Puốn còn sống sót…” - ông Puốn viết trong hồi ký.

Trong số những người sống sót sau trận thảm sát có ông Quàng Văn Pánh. Trận thảm sát dã man đến mức, nửa thế kỷ sau nhắc lại, ông Pánh vẫn đầy nỗi kinh hoàng: “Khi bom cháy hết thì tôi chạy ra xem. Trâu, lợn chết rất nhiều. Người trong các hầm cũng chết. Tôi vẫn hay mơ thấy những người chết cháy hôm đó. Nhiều người vẫn đứng lên được nhưng cả người đã đen như than, cánh tay co giật một lúc thì họ ngã xuống, chết”.

úc xảy ra cuộc thảm sát, ông Lò Văn Biến mới hơn 10 tuổi, ông theo anh trai Lò Văn Inh chạy đi tìm người thân, mặc cho lửa vẫn đang cháy lớn. Ông cho biết, mấy ngày sau, khi đạn bom vơi, quân đội ta phải huy động các chiến sĩ đến Noong Nhai gom xác người để chôn cất. Trong hoàn cảnh ấy chỉ có thể chôn tập thể, hoặc sẵn các hố bom đó thì đưa người chết xuống rồi lấp đất lên.

Vượt lên nỗi đau, xây dựng lại bản làng

Những người sống sót trở về bản làng hoang tàn trong lo sợ, rách rưới. Cán bộ Việt Minh đến cho lương thực, thực phẩm và cung cấp vài công cụ lao động. Bà con dựng tạm túp lều tranh, nuốt những căm thù, đớn đau mà sống tiếp.

Ông Lò Văn Biến kể, có một thời gian, trong ký ức của bà con khắp vùng, khu mộ chôn tập thể hiu hắt và đầy… ma quái. Trước khi khu di tích được xây dựng, bà con xã Thanh Xương đã dựng ở đó 1 túp lều để tưởng nhớ người đã khuất và an ủi phần nào những người còn sống.

Sau cuộc thảm sát, bản Noong Nhai được chuyển ra gần đường giao thông (nay là Quốc lộ 279) để xây dựng cuộc sống mới. Từ 1 bản Noong Nhai với vỏn vẹn 12 gia đình sống sót, đến nay đã thành bản Noong Nhai 1 và Noong Nhai 2 với hơn 200 hộ gia đình sống thanh bình với vườn tược ven dòng Nậm Rốm và cánh đồng Mường Thanh bát ngát. Trong các ngõ xóm, những ngôi nhà sàn xen những ngôi nhà xây mới khang trang. 2 bên đường quốc lộ, các hộ kinh doanh, buôn bán, dịch vụ san sát. Trung tâm xã Thanh Xương đã rõ dáng hình phố thị.

Bản làng của xã Thanh Xương bên cánh đồng Mường Thanh trù phú
Bản làng của xã Thanh Xương bên cánh đồng Mường Thanh trù phú

Nhà ông Biến ở phía sau Di tích lịch sử quốc gia “Hận thù Noong Nhai”. Những nhân chứng còn sống sót sau thảm sát đã lần lượt “về trời”, chỉ còn lại vài người già yếu với những ký ức đã rơi rụng. Nhưng, tượng người phụ nữ Thái và nỗi đau thấu tâm can thì vẫn sừng sững ven đường quốc lộ. Cổng di tích, “biểu tượng” vụ thảm sát - hình quả bom ném xuống cùng những ngọn lửa cách điệu luôn nhắc nhớ người qua lại.

Những năm qua, bà con bản Noong Nhai nói riêng và xã Thanh Xương nói chung đã tập trung xây dựng bản làng tươi đẹp, cuộc sống phồn vinh, xem đó là sức mạnh để xoa dịu đau thương, là cách để người còn sống, thế hệ hậu sinh tưởng nhớ về 444 người dân vô tội.

Ông Quàng Văn Yên - Phó chủ tịch UBND xã Thanh Xương - cho biết, năm 2016, xã Thanh Xương đạt chuẩn nông thôn mới và đạt 17/19 tiêu chí trên đường về đích nông thôn mới nâng cao. Số hộ nghèo trong xã đã giảm theo từng năm, hiện xã chỉ còn 18 hộ nghèo.

Năm 2023, thu nhập bình quân là 51,5 triệu đồng/người. Là cửa ngõ TP Điện Biên Phủ, nằm trên Quốc lộ 279 lên cửa khẩu Tây Trang, Thanh Xương được quy hoạch lên thị trấn và trở thành đô thị loại V vào năm 2025.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI