Bom đạn không thắng nổi ý chí của "đoàn quân xe thồ"
Trong cuốn Trận Điện Biên Phủ, cựu đại tá không quân Pháp Jules Joy (1907-2000), người đoạt giải thưởng Văn học của Viện hàn lâm Pháp năm 1958, thừa nhận: “Đã có hàng trăm tấn bom được ném xuống các tuyến giao thông và những con đường tiếp vận của quân đội nhân dân Việt Nam nhưng chẳng bao giờ cắt đứt nổi những con đường ấy… Tướng Navarre bị thua chính là những chiếc xe đạp thồ với những kiện hàng từ 200 đến 320kg được điều khiển bởi những con người ăn không thật no và ngủ thì nằm ngay trên những mảnh ni lông trải trên đất”.
|
Đội xe đạp thồ vận chuyển nhu yếu phẩm, vũ khí phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ - Nguồn ảnh: Thông tấn xã Việt Nam |
Bà Nguyễn Thị Lý (phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) vẫn nhớ như in cái không khí cuối năm 1953 ở quê nhà Thọ Xuân, Thanh Hóa của bà: đâu đâu cũng có khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Trong khí thế hừng hực ấy, rất nhiều người dân đã tình nguyện phục vụ chiến dịch, đường ra mặt trận đông như ngày hội. Cũng như nhiều làng xã khác ở Thanh Hóa, xã Hạnh Phúc của bà Lý chỉ còn người già, trẻ em ở lại.
Ở tuổi 89, bà Lý nhớ rõ: “Năm đó tôi 18 tuổi, cùng chị em, mỗi người gánh 20kg gạo từ Thọ Xuân lên kho ở Suối Rút, Hòa Bình. Từ đó, gạo được tiếp tục chuyển lên Sơn La, rồi lên chiến trường Điện Biên Phủ. Chúng tôi phải ngụy trang bằng lá cây, đi ban đêm, theo những đường mòn khác nhau để tránh mật thám và máy bay địch phát hiện. Đường lên chiến trường hiểm trở, đạn nổ bên tai, muỗi và vắt rừng đốt đến sốt rét, cơm ăn và nước uống đều thiếu thốn”.
Bà Lý kể, trên đường vận lương, ốm đau, bệnh tật khiến nhiều người ngã xuống. Nhưng tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” đã tiếp sức cho từng đoàn “anh thồ, chị gánh” nối nhau vượt đèo cao, suối sâu đưa lương thực, thực phẩm, vũ khí lên mặt trận. Cũng nhờ tinh thần ấy mà bà Lý đã gánh gồng không biết bao nhiêu chuyến hàng từ Thọ Xuân lên Điện Biên.
Nhắc đến “binh chủng” xe đạp thồ, ông Thái Hữu Hoành, Đại đội 292, đội thanh niên xung phong 34 chống Pháp, cảm phục: “Anh em chở rất nặng, 2 bên 2 tải đầy, phía trước 1 tải nữa.
Xe này nối xe khác trong đêm, mồ hôi đầm đìa nhưng họ rất kiên cường, dũng mãnh”. Ông lão 97 tuổi Trần Khôi - nguyên Chính trị viên Đại đội xe thồ 101 - kể rành mạch: ban đầu mỗi người thồ 50kg cùng quần áo, xoong nồi để nấu ăn trên đường. Khi chiến dịch bước vào giai đoạn ác liệt, tải trọng tăng dần lên 70kg, 120kg, 195kg, 250kg, thậm chí có xe hơn 300kg như xe của ông Trịnh Ngọc với kỷ lục vận chuyển đến 345,5kg/chuyến. Đại đội 101 của ông Khôi chia 8 tiểu đội, mỗi tiểu đội chia thành từng tổ 3 người/xe để hỗ trợ nhau khi lên - xuống dốc.
“Lên dốc, ngoài người cầm lái, đẩy xe, phải có 1 người đi trước, buộc dây kéo vào người, vừa ghì, vừa kéo xe lên. Khi xuống dốc thì phải có 1 người kéo xe lại và 1 người ghì tay lái phía trước để tránh xe lao xuống vực. Những đêm mưa, đường trơn, phải vừa ghì xe, vừa nhét dép cao su vào bánh xe để tăng ma sát, đi chân trần chấp nhận bị đá tai mèo cào cho tứa máu” - ông Khôi kể.
Khi Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ), Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam cùng Tổng cục Hậu cần đã tính: để phục vụ hơn 54.000 bộ đội, cần huy động ít nhất 16.000 tấn gạo (chưa kể gạo cho 33.000 dân công), 100 tấn thịt, 100 tấn rau, 80 tấn muối… từ Việt Bắc (các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên), Liên khu 3 (Hải Phòng, Kiến An, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương) và Liên khu 4 (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế). Vượt quãng đường 500 - 600km, phần lớn là đèo dốc hiểm trở, thường xuyên bị máy bay địch dội bom, chỉ có hơn 530 ô tô tải, còn lại đa số là “binh chủng” xe đạp thồ. Ngày đó, mỗi chiếc xe đạp là cả gia tài, nhưng các gia đình ở Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đã góp gần 21.000 chiếc cho chiến dịch. Tổng kết chiến dịch, hơn 261.000 dân công “chị gánh, anh thồ” đã cùng vận tải cơ giới đưa trên 25.000 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm vào phục vụ chiến dịch.
Gian lao xây dựng công trình đại thủy nông
Nếu trong chiến dịch, lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã vượt gian khổ để góp phần vào chiến thắng “chấn động địa cầu”, thì sau chiến dịch, 2.000 thanh niên xung phong tiếp tục ghi dấu ấn với công trình đại thủy nông Nậm Rốm xây trong 7 năm ròng. Ông Trần Công Chính - Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Điện Biên - cho biết, ngày 3/10/1963, công trình được khởi công với lực lượng nòng cốt là hơn 2.000 thanh niên xung phong cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh (bấy giờ Điện Biên là một huyện của tỉnh Lai Châu).
|
2 cựu thanh niên xung phong Trần Công Chính (trái), Đỗ Vũ Xô (phải) đã chọn Điện Biên làm quê hương thứ hai sau khi hoàn thành công trình đại thủy nông Nậm Rốm |
Đó là giai đoạn khó khăn kép, vừa xây dựng công trình trong điều kiện thiếu máy móc phương tiện, vừa phải chiến đấu chống lại các đợt ném bom đánh phá của máy bay Mỹ. Thế nhưng thanh niên xung phong đã vượt lên gian khổ, đào đắp hàng ngàn mét khối đất đá, hoàn thành việc xây dựng đập tràn bằng đá hộc và bê tông dài 127m qua sông Nậm Rốm; hệ thống tường chắn bằng bê tông cốt thép dài 68m, cao 17m; hệ thống cống lấy nước, cống xả cát; hơn 34km mương dẫn nước dọc 2 bên phía đông và phía tây của cánh đồng Mường Thanh.
Giọng ông Trần Công Chính chùng xuống: “Không ít lần không quân Mỹ ném bom rải thảm nhằm hủy diệt công trình, 18 cán bộ, công nhân đã hy sinh. Người đầu tiên ngã xuống trên công trường là chị Phạm Thị Ngọ - người con của Hà Nội. Chị Ngọ hy sinh vào cuối tháng 12/1963 khi đang cùng các đồng đội khoan đá, nổ mìn, thi công đập chính của công trình. Quả đồi nơi chị an nghỉ được thanh niên xung phong đặt tên là đồi Cô Ngọ”.
Năm ấy, mới 16 tuổi, bà Nguyễn Thị Xuân (quê Thái Bình) đã khai tăng 2 tuổi và trốn cha mẹ cùng 5 chị trong làng lên xây dựng đại thủy nông Nậm Rốm. Bà bảo, những ngày đầu mới lên, nhiều người bị “ngã nước”, mắc các bệnh ngoài da, sốt rét. Cơm độn khoai sắn nhưng mọi người vẫn hăng say, yêu đời, cùng nhau hát hò để quên đi những thiếu thốn, gian lao.
Cùng đi đợt đó còn rất nhiều thanh niên Hà Nội như ông Đỗ Vũ Xô, bà Nguyễn Thị Bình… Ông Xô lúc ấy mới 20 tuổi, đang là Phó bí thư xã đoàn. Sau hơn 60 năm, đôi mắt ông ngân ngấn khi lật trang hồi ký ghi ngày 13/3/1966, mọi người đang làm nhiệm vụ thì Mỹ ném bom phá hủy công trình đập đầu mối khiến 5 đồng đội ngã xuống. “Thương nhất là Đội trưởng Nông Văn Mận. Lúc thấy máy bay Mỹ đến, anh đứng trên miệng hầm quan sát. Anh vừa hét “anh em xuống hầm” thì bom nổ, thân thể anh bị xé nát, vùi trong đất. Hình ảnh lúc anh hy sinh đã ám ảnh tôi suốt cả cuộc đời” - ông Xô đưa tay gạt nước mắt.
Ông Trần Công Chính cho biết, sau khi công trình hoàn thành đã có hàng trăm đôi nam nữ thanh niên xung phong thành vợ thành chồng, đa số chọn ở lại Điện Biên. Ông Trần Công Chính không chỉ ở lại mà còn làm việc ở Công ty TNHH Thủy nông Điện Biên từ ngày thành lập (năm 1982) đến năm 2008. Có lẽ vì thế mà hơn ai hết, ông thấu trọn cả những gian khổ và những đổi thay nhờ công trình đại thủy nông lớn thứ hai miền Bắc. Ông chậm rãi: “Quê hương mới đã đền bù cho tôi rất nhiều. Hơn 60 năm trước, từ quê tôi lên thủ đô ứng tuyển để lên Tây Bắc hẻo lánh, chẳng một ai có thể nghĩ đến việc con cháu mình, rồi chính bản thân mình được như ngày hôm nay. Có lẽ đó là quả ngọt mà đất Điện Biên trao cho những người đã dấn thân cùng nó từ những ngày gian khó”.
Ngọc Minh Tâm