Hào Anh bị bắt và câu chuyện ‘từ thiện đúng cách’

07/07/2015 - 12:59

PNO - PN - Thông tin Hào Anh bị bắt vì trộm cắp tài sản ở Lâm Đồng gợi lên nhiều nỗi băn khoăn trong tôi. Suốt 7 năm qua, tôi thường xuyên theo dõi thông tin về em, đáng tiếc, toàn những chuyện buồn.

edf40wrjww2tblPage:Content

Hao Anh bi bat va cau chuyen ‘tu thien dung cach’

Hào Anh lúc mới được giải cứu khỏi sự hành hạ của vợ chồng chủ trại tôm Minh Đức.

Lần Hào Anh bị nghi ngờ trộm cắp, sau đó được minh oan, tôi đã thở phào nhẹ nhõm. Lúc ấy, tôi còn nghĩ, sao mọi người quá khắt khe với một đứa trẻ đáng thương, từng bị đối xử tàn tệ như vậy.

Tôi tin em sẽ trưởng thành từ những đau thương đã phải chịu đựng, cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội, Hào Anh sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nhưng niềm tin của tôi bắt đầu lung lay khi biết tin Hào Anh đuổi mẹ ra khỏi nhà, dùng số tiền của nhà hảo tâm cho, mang tiêu xài phung phí. Và lần này, niềm tin ấy đã thật sự vỡ vụn…

Và tôi tin, những người từng nhỏ nước mắt vì thương em, những tấm lòng thiện nguyện từng quyên góp tiền giúp đỡ em đều có chung tâm trạng. Đây là kết cục không ai mong muốn nhưng một lần nữa, chúng ta cần nhìn nhận lại, liệu mình đã làm từ thiện đúng cách?

Trước một hoàn cảnh đáng thương, tâm lý chung của nhiều người là rút tiền ra cho như một cách giúp đỡ thiết thực nhất. Tất nhiên, điều đó chẳng có gì sai nếu đúng đối tượng.

(Nhưng lắm kẻ đã lợi dụng lòng tốt để trục lợi một cách trắng trợn. Không nói đâu xa, những người ăn xin hàng ngày chúng ta vẫn gặp trên đường phố, ở góc chợ, biết đâu chỉ là “miếng mồi” béo bở của những kẻ chuyên nghề “chăn dắt” kiếm tiền. Đến những chuyện tinh vi, tàn ác hơn như một bà mẹ hành hạ con phát sốt, chụp hình thảm thương cùng thông tin em bé bị bệnh hiểm nghèo “quăng” lên mạng kêu gọi quyên góp lấy tiền.

Thậm chí có trường hợp, người bị bệnh cần giúp đỡ thật, nhưng khi người đó không thể qua khỏi thì gia đình vẫn giấu kín thông tin, vô tư nhận tiền của các nhà hảo tâm giúp chữa bệnh).

Nếu chúng ta thật sự thương cảm một hoàn cảnh khó khăn thì phải tìm hiểu kĩ đối tượng, giúp đỡ họ bằng nhiều cách khác nhau chứ không nhất thiết cứ phải là cho tiền. Bởi đồng tiền có hai mặt, lợi - hại khôn lường.

Hao Anh bi bat va cau chuyen ‘tu thien dung cach’

Nguyễn Hào Anh khi đủ 18 tuổi, được sở hữu số tiền hảo tâm trên 700 triệu đồng.

Từ lâu, khi gặp những người ăn xin, nếu cảm thấy họ đáng để giúp đỡ, tôi thường mua thức ăn hoặc áo quần cho, thay vì cho tiền. Không ít lần, có người từ chối nhận những thứ đó và chỉ muốn xin tiền. Tất nhiên, tôi bỏ đi luôn.

Trở lại câu chuyện của Hào Anh, nếu em không có trong tay số tiền hảo tâm 700 triệu đồng thì con đường em đi liệu có khác? Bởi em được giúp đỡ một số tiền quá lớn nhưng không được dạy cách tiêu tiền hợp lý thì tất nhiên kết quả không được như mọi người kỳ vọng.

Thay vì trao cho em tiền mặt, các nhà hảo tâm chuyển thành suất học bổng, những trợ giúp vật chất lẫn tinh thần cần thiết theo từng bước trưởng thành của Hào Anh, sẽ tốt hơn. Bởi một người chưa nhận được sự giáo dục thấu đáo lại có tiền trong tay, nhất là những đồng tiền không phải do công sức lao động mình làm ra thì việc không biết quý trọng và sử dụng sai mục đích là tất yếu.

Với thói tiêu xài hoang phí, khi cạn tiền, đi trộm cắp là điều được báo trước, bởi đã quen lối sống hưởng thụ.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa, Hào Anh hành động như ngày hôm nay là do số tiền ấy gây ra, mà còn nhiều nguyên nhân khác.

Hy vọng rằng, sau chuyện này, Hào Anh sẽ tỉnh ngộ và bắt đầu lại cuộc đời. Và tất nhiên, em phải bước đi trên đôi chân của mình vì những tấm lòng hảo tâm ít nhiều đã bị tổn thương.

Hơn nữa, Hào Anh bây giờ không phải là cậu bé đáng thương 7 năm trước mà đã là một thanh niên biết tự chịu trách nhiệm đối với những việc làm của mình.

HÀ LAM (Đông Hà, Quảng Trị)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI