Hanok stay: Giải pháp giúp bảo tồn di sản ở Hàn Quốc

04/04/2025 - 07:48

PNO - Trong vòng 5 năm qua, dịch vụ lưu trú hanok (nhà truyền thống) stay đã phát triển khắp Hàn Quốc, trở thành điểm nhấn đặc biệt của du lịch ở quốc gia này.

Một số ý kiến phản đối hanok stay cho rằng mô hình này đang thương mại hóa di sản văn hóa Hàn Quốc và góp phần làm quá tải du lịch. Nhưng một số khác lại cho rằng hanok stay chính là giải pháp bảo tồn kiến trúc truyền thống.

Ông Lee Dong-woo - Giám đốc điều hành Proudlee (công ty chuyên về các dịch vụ lưu trú hanok) - cho biết: “Ở quận Jongno (Seoul) còn hàng chục hanok bị bỏ hoang. Nếu không có hanok stay, có lẽ không còn nhiều hanok tồn tại”.

Một hanok ở quận Jongno, trung tâm Seoul sau khi sửa chữa cải tạo được sử dụng làm nơi lưu trú cho khách du lịch - Nguồn ảnh: Proudlee
Một hanok ở quận Jongno, trung tâm Seoul sau khi sửa chữa cải tạo được sử dụng làm nơi lưu trú cho khách du lịch - Nguồn ảnh: Proudlee

Số lượng hanok stay bắt đầu gia tăng đáng kể từ năm 2020, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc điều chỉnh quy định để hỗ trợ mô hình này và cung cấp khoản tài trợ lên tới 180 triệu won cho những ai muốn cải tạo hanok tại các khu vực được chỉ định.

Đến năm 2024, Hàn Quốc đã có 2.754 hanok stay đăng ký hoạt động, tăng 60% so với năm 2019, phần lớn tập trung ở Seoul, với 321 hanok và gần 79% trong số đó nằm tại quận Jongno. Sự gia tăng nhanh chóng của hanok stay ở các khu vực trung tâm thành phố cũng làm dấy lên tranh cãi, khi người dân địa phương than phiền về tiếng ồn và hành vi thiếu ý thức của du khách như xả rác và đậu xe trái phép. Làng Hanok Bukchon - cụm hanok bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tình trạng du lịch quá tải - đã trở thành khu dân cư đầu tiên ở Hàn Quốc áp dụng lệnh giới nghiêm đối với du khách, có hiệu lực từ ngày 1/3.

Tuy nhiên, Lee Dong-woo cho rằng chính các hanok stay đã giúp duy trì sự tồn tại của những khu hanok. “Trước đây, những khu này từng được gọi là thị trấn ma. Hanok không được coi trọng vì chúng không có công dụng thực tế. Vị trí, chi phí xây dựng và chi phí bảo trì là những rào cản khiến người dân không muốn đầu tư vào đó”.

Phần lớn chủ hanok hiện nay là những người trẻ, được thừa kế hanok từ cha mẹ nhưng họ lại thích sống trong căn hộ. Những ngôi nhà hanok cũng không dễ bán khi chính phủ cấm xây nhà cao tầng ở các khu vực này. Để có thể tồn tại lâu dài, hanok cần phải trở thành một sản phẩm cạnh tranh. Sự phát triển của hanok stay là lý do khiến chủ sở hữu hanok chịu bỏ tiền để cải tạo, sửa chữa. Được biết, chi phí cải tạo 1 hanok đang dao động từ 150 triệu won đến 300 triệu won (khỏang 5 tỉ đồng).

Ông Jang Se-jin - Giám đốc điều hành công ty sửa chữa hanok Bukchon Giwa - hanok stay đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của loại hình kiến trúc này. “Trước đây, khách hàng yêu cầu sửa chữa hanok với chi phí tối thiểu, chủ yếu là sửa chữa tạm để ngăn chặn hư hỏng thêm. Nhưng kể từ khi hanok stay bùng nổ, các chủ nhà muốn chúng tôi khôi phục hanok theo đúng truyền thống. Để được cấp phép kinh doanh, hanok stay phải tuân theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về hình dạng mái, vật liệu, màu sắc, độ sâu của mái hiên và khung gỗ” - Jang Se-jin cho hay.

Hiện hanok stay cao cấp đã trở thành một xu hướng phát triển du lịch mới của Hàn Quốc. Điểm độc đáo của hanok stay là chúng tồn tại giữa lòng thành phố, giữa những công trình kiến trúc hiện đại, như một cánh cổng kết nối trải nghiệm của du khách từ quá khứ đến hiện tại.

Trương Hoàng Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI