Hành vi lợi dụng dịch bệnh để tăng giá sẽ bị xử lý ra sao?

24/07/2021 - 06:36

PNO - Những ngày đầu TPHCM áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, nhu cầu mua thực phẩm ở các chuỗi cửa hàng, siêu thị tăng đột biến do hàng loạt chợ phải đóng cửa. Một số điểm bán đã tăng giá, không niêm yết giá hoặc niêm yết với giá thấp nhưng thu với giá cao.

Bị phạt tiền nếu tự ý nâng giá

Trên mạng xã hội Facebook trong những ngày qua, có cả một làn sóng phản ứng về việc giá hàng hóa, thực phẩm tại một số chuỗi cửa hàng tăng cao. Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đã vào cuộc kiểm tra và đang đợi kết quả giám định từ ngành tài chính. Trong khi đó, một số cửa hàng thực phẩm ở tỉnh Sóc Trăng, Đắk Lắk đã bị xử phạt hành chính về các hành vi tương tự.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam - cho rằng Cục QLTT tại TPHCM không cần phải chờ Bộ Tài chính thẩm định, cứ theo luật mà làm. Tất cả sản phẩm tại siêu thị đều được niêm yết giá, nếu bán không đúng giá thì xử phạt. Pháp luật cấm hành vi lợi dụng dịch bệnh, thiên tai để nâng giá bất hợp lý. 

Cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra một cửa hàng Bách Hóa Xanh tại TP.Thủ Đức, TP.HCM - ẢNH: QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG
Cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra một cửa hàng Bách Hóa Xanh tại TP.Thủ Đức, TPHCM - Ảnh: QLTT

Luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bằng Nghị định 46/2016/NĐ-CP, hành vi không niêm yết giá hàng hóa, niêm yết giá không rõ ràng sẽ bị xử phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng và buộc trả lại số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết cho khách hàng, nếu không xác định được khách đã mua hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách Nhà nước. Hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá bán cao bất hợp lý bị xử phạt từ 20-30 triệu đồng, nộp ngân sách Nhà nước toàn bộ số tiền thu lợi từ việc định giá bán cao bất hợp lý.

“Việc lợi dụng dịch bệnh để gia tăng lợi nhuận không những vi phạm pháp luật mà còn trái đạo đức, truyền thống tương thân tương ái của người Việt, cần được kiểm tra, xử lý nghiêm. Cơ quan thanh tra Bộ Tài chính, Sở Tài chính và UBND các cấp, cơ quan QLTT địa phương đều có quyền thanh tra, kiểm tra để xử lý và đề xuất xử lý theo quy định của Nghị định 109/2013/NĐ-CP” - luật sư Trương Hồng Điền nói. 

Việc tăng giá phải minh bạch

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế - cho rằng nếu chi phí đầu vào tăng thì doanh nghiệp (DN) buộc phải điều chỉnh giá. Nhưng DN có trách nhiệm thông tin về việc điều chỉnh giá, đưa ra căn cứ điều chỉnh giá hợp lý với người tiêu dùng và cơ quan quản lý. Trường hợp cố tình nâng giá bán bất hợp lý hoặc lợi dụng các tình huống như thiên tai, dịch bệnh để nâng giá là sai phạm. 

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, DN phải có đạo đức kinh doanh, phải biết chia sẻ với xã hội trong giai đoạn khó khăn. Nếu buộc phải tăng giá do giá cả đầu vào, chi phí vận chuyển tăng thì phải báo cho cơ quan Nhà nước để kê khai giá lại; còn nếu tự động nâng giá là vi phạm pháp luật và không công bằng với người tiêu dùng. 

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng (Trường đại học Kinh tế - Luật TPHCM) thì cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19, các DN bán lẻ luôn có những chi phí phát sinh hoặc các rủi ro, thiệt hại trong vận chuyển, phân phối. Lúc này, các bên cần phải chia sẻ khó khăn với nhau, không nên đổ hết chi phí phát sinh đó về phía người tiêu dùng.

Hơn nữa, việc chia sẻ khó khăn với xã hội trong bối cảnh khó khăn cũng là một phần trách nhiệm của DN. Trách nhiệm này thể hiện đạo đức trong kinh doanh, vừa giúp DN sớm trở lại hoạt động bình thường, giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra trong lâu dài. Do đó, việc viện dẫn lý do tốn chi phí xét nghiệm, vận chuyển, chi phí trả cho nhân viên mà nâng giá bán cho thấy DN thiếu sự chia sẻ khó khăn, thiếu trách nhiệm đối với xã hội. Pháp luật không quy định cụ thể về trách nhiệm này nhưng đó là một phần đạo đức trong kinh doanh mà DN cần phải có nếu muốn phát triển bền vững. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI