Sứ mệnh “đồng hành cùng chị em phụ nữ”
Cách đây 40 năm, các dì, chị lãnh đạo Hội LHPN TP.HCM đã nhận thấy cần phải có một địa điểm để chị em được cùng nhau giao lưu, gắn bó, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, để sống tự tin và hiện đại hơn. Sau rất nhiều trăn trở, bàn bạc, câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ (tiền thân của Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM) đã chính thức ra đời. Lúc ấy, bà Nguyễn Thị Xà (thường gọi là dì Chín Xà) - Ủy viên Thường vụ Thành Hội - được trao trách nhiệm làm chủ nhiệm CLB.
Bắt đầu từ đây, những khóa học kỹ năng đầu tiên giúp chị em phụ nữ TP.HCM làm chủ gia đình, chủ động tạo dựng hạnh phúc được mở ra, như nấu ăn, làm bánh, tỉa rau củ, cắt may, thêu thùa, cắm hoa… Tiếng vang ngày càng xa, cái tên CLB Phụ nữ sau một thời gian ngắn đã trở nên không còn phù hợp với vai trò, tầm vóc ngày càng lớn rộng của CLB nữa. Nên từ ấy, ngôi nhà của phái đẹp - Nhà văn hóa (NVH) Phụ nữ TP.HCM - chính thức khai sinh, tọa lạc ở số 192-194 Lý Chính Thắng, Q.3.
|
Các hoạt động thi nấu ăn, rèn luyện thể chất... thường xuyên được tổ chức tại Nhà văn hóa Phụ nữ |
Trong xấp xỉ bốn triệu lượt học viên ấy, nhiều học viên theo học ở NVH Phụ nữ từ năm đến mười khóa học. Có những dì, chị đã gắn bó với nơi này từ ngày chuẩn bị theo chồng cho đến khi đã bước qua tuổi trung niên mà cũng chưa rời. Họ học nữ công, năng khiếu, làm đẹp, rồi học dạy con, giữ hạnh phúc gia đình, học cả cách an nhiên về già… Có người mỗi ngày bắt ba chuyến xe buýt từ Long An đến NVH Phụ nữ để học nấu ăn, cắt may, thêu, đan, cắm hoa… miệt mài như vậy để có thể làm cho cuộc sống gia đình mình thêm sắc màu hạnh phúc.
Có một số chị em là nạn nhân của bạo hành gia đình, bế tắc, cô độc đã đến với NVH Phụ nữ theo giới thiệu của người quen. Sau các khóa học nghề tóc, may, nấu ăn… các chị đã trở thành chủ cửa tiệm nhỏ, tự chủ trong cuộc sống, tài chính ổn định, bế tắc gia đình cũng được hóa giải. Có những em học sinh, sinh viên tranh thủ lúc nghỉ hè tìm đến NVH Phụ nữ để trang bị những kỹ năng mềm, những bạn nhỏ đến NVH Phụ nữ để học kỹ năng sống… Có phụ nữ thấp thỏm hành trang chờ visa định cư nước ngoài, cũng tìm đến đây để “lận lưng” những kỹ năng để có thể tự lập, tổ chức cuộc sống nơi xứ người. Và chiếm đa số trong các lớp học là những nữ thị dân bình thường, hạnh phúc và cầu tiến.
Hành trình đến tiến bộ và hạnh phúc
Nhận sứ mệnh “đồng hành với chị em phụ nữ”, tập thể những người sáng lập NVH Phụ nữ đã nhận thức trọn vẹn giá trị lẫn thách thức của khái niệm “đồng hành”. Thời ấy, sự ra đời cùng những hoạt động của NVH Phụ nữ đã thay đổi tư duy của rất nhiều chị em, rằng hạnh phúc không phải “may nhờ rủi chịu”, mà những người vợ, người mẹ cần chủ động rèn các kỹ năng nữ công gia chánh, cũng như bồi đắp kiến thức tâm lý, ứng xử, giải quyết tình huống.
|
Bà Phan Thị Bích Hường (thứ hai từ phải qua) - Giám đốc Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM - trao tặng kinh phí xây dựng mái ấm tình thương ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai năm 2017 |
Những năm cuối thế kỷ XX, NVH Phụ nữ đã giúp chị em vượt qua những định kiến nặng nề của xã hội về sinh hoạt giải trí của phái nữ, cùng “làm việc” với từng người chồng, từng vị phụ huynh để đưa nhiều chị em vươn ra khỏi những căn bếp tẻ nhạt, những góc nhà quẩn quanh nhàm chán.
Nói nghe dễ dàng, nhưng thực tế, đội ngũ cán bộ của NVH Phụ nữ giai đoạn ấy đã đương đầu với những thói thường lẫn dư luận cổ hũ nặng nề về vai trò của người phụ nữ để hỗ trợ chị em đến với tri thức, với những kỹ năng sống lẫn cơ hội giải trí lành mạnh. Đây là nơi khai sinh rất nhiều CLB tập hợp chị em như CLB đua xe nữ, CLB thơ nữ, CLB sưu tập tem, CLB Nhiếp ảnh nữ Hải Âu, CLB nữ họa sĩ Ngân Hà… kết nối những đam mê, thổi bùng lên những khát vọng được thể hiện và khẳng định mình của chị em phụ nữ.
Còn nhớ ở buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập, CLB Nhiếp ảnh nữ Hải Âu (6/10/1990-6/10/2020), nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ - Chủ nhiệm CLB - cho biết: “Đa phần thành viên của CLB đều là hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, trên mười thành viên được phong tước hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế. Tác phẩm của các chị góp mặt tại hàng trăm triển lãm ảnh trong nước và quốc tế với gần 500 giải thưởng danh giá. Kết quả ấy ngoài tài năng, sự cống hiến cho đam mê nhiếp ảnh của từng thành viên, còn là sự tin cậy và tạo điều kiện hết mình của NVH Phụ nữ cho CLB trường tồn, phát triển”.
Ngày 10/9/2013, NVH Phụ nữ đã khánh thành và đưa cơ sở II đi vào hoạt động tại số 2 Nguyễn Đổng Chi, phường Tân Phú, quận 7 với diện tích gần 18.000m2. Ngôi nhà của phái đẹp rộng thêm những cánh cửa đón chị em cùng hành trình đến tiến bộ và hạnh phúc.
NVH Phụ nữ cũng luôn mở rộng nội dung đào tạo, đáp ứng kịp thời xu hướng phát triển cũng như những biến động trong đời sống xã hội. Những gì phụ nữ cần để phát triển bản thân, để khắc phục những vấn đề thời đại, để sống tốt, sống đẹp, sống hạnh phúc… đều được NVH Phụ nữ tổ chức giảng dạy.
Ngày 27/7/2021, với sự giúp sức của Hội LHPN TP.HCM và kinh phí ban đầu từ Quỹ xã hội từ thiện của NVH Phụ nữ, “Bếp ăn phục vụ lực lượng tham gia chống dịch” bắt đầu hoạt động. Bếp ăn mỗi ngày lại đầy, đều đặn phục vụ 400 suất/ngày liên tục cho đến ngày 30/9/2021. Bà Trương Thị Ánh - nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM, nguyên Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cho rằng: “Hai tháng chống dịch bằng cách góp những bữa cơm yêu thương - là một trải nghiệm chưa từng có với NVH Phụ nữ. Thế nhưng, nếu dõi theo NVH Phụ nữ từ lâu, bạn sẽ thấy Bếp chống dịch rất quen thuộc với truyền thống của tập thể này. Suốt 40 năm qua, hoàn cảnh xã hội mỗi lúc một khác, nhưng các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ xã hội của NVH Phụ nữ chưa từng đứt đoạn. Họ trao mái ấm tình thương, hoạt động gây quỹ vì người nghèo, tổ chức cắt tóc miễn phí, đặc biệt là chương trình thăm nom, tặng quà đến các đơn vị hải quân hằng năm… Vậy nên, một căn “bếp từ thiện” ra đời khi thành phố căng mình chống dịch cũng rất dễ hiểu. Có lẽ, căn bếp là một trong những ký ức đáng giá để những cán bộ, nhân viên, giáo viên của NVH Phụ nữ cùng trải nghiệm, viết nên tinh thần “vì xã hội” mà những thế hệ ở NVH Phụ nữ đã gầy dựng suốt 40 năm… |
Nội dung tiếp theo
Tại thời điểm bùng nổ kinh doanh online, NVH Phụ nữ đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, mang đến cơ hội kinh doanh, khởi nghiệp trên mạng xã hội cho học viên. Các kiến thức nuôi dạy con trong thời đại công nghệ số cho phụ huynh, kỹ năng phòng tránh xâm hại cho thanh thiếu niên, kỹ năng thoát hiểm… thường xuyên được bổ sung, cập nhật. Đặc biệt, những kiến thức về đối ngoại, mở rộng liên kết, hợp tác quốc tế… cũng đã được tổ chức giảng dạy, giúp chị em tự tin khởi nghiệp, nắm bắt và khai thác các cơ hội hợp tác kinh doanh trong một thế giới mở, hướng đến thành công.
Bà Phan Thị Bích Hường - Giám đốc NVH Phụ nữ TP.HCM - cho biết: “Để làm tròn sứ mệnh đồng hành cùng chị em trên hành trình hạnh phúc, đó là sự bứt phá từ trong tư duy tổ chức, quản lý điều hành hoạt động, đòi hỏi tất cả chúng tôi, từ đội ngũ quản lý đến các giáo viên, phải tự làm mới, trau dồi để phát triển, xứng đáng với vai trò dẫn dắt, đồng hành. Tập thể cán bộ, nhân viên, giáo viên NVH Phụ nữ thường xuyên nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm nhằm làm tốt vai trò định hướng, lan tỏa nhận thức về sự thiết thân của tri thức, kỹ năng sống trong hành trình trở thành người phụ nữ có kiến thức, có kỹ năng, độc lập, tự chủ”.
Tháng 5/2021, khi TP.HCM bùng phát dịch COVID-19, NVH Phụ nữ liên tục nhận được những dòng tin, điện thoại của các học viên thân thiết: “Bao giờ mới có lớp trở lại?”, “Mình nhớ lớp, nhớ cô quá!”... Thời điểm này, NVH Phụ nữ đang tuân thủ chủ trương của thành phố, đóng cửa để phòng, chống dịch. Nhưng chính trong giai đoạn khó khăn đó, NVH Phụ nữ lại được xác tín rõ ràng nhất về sự gắn bó của chị em với mái nhà này. Và những câu hỏi đó, sự mong đợi đó, là minh chứng rõ ràng và đáng giá nhất về hiệu quả đồng hành cùng chị em của NVH Phụ nữ, địa chỉ thân thiết của phụ nữ thành phố trong suốt 40 năm qua.
Nguyên Anh