Khát vọng giới thiệu mình
Tháng 8/2022, nhà văn Hiền Trang (giải Ba Văn học tuổi 20 lần 6, giải Khuyến khích Văn học tuổi 20 lần 7) lên đường sang Mỹ theo chương trình International Writing Program (IWP) của Đại học Iowa. Đây là chương trình từng có sự tham gia của những tên tuổi lớn: Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kỳ), Mạc Ngôn, Dư Hoa, Vương An Ức, Lâu Diệp, Tàn Tuyết (Trung Quốc), Han Kang (Hàn Quốc)…
|
Nhà văn Hiền Trang (thứ hai, từ trái sang) cùng với các tác giả nước ngoài trong những ngày tham gia chương trình IWP tại Đại học Iowa, Mỹ (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
IWP 2022 mời 33 nhà văn từ 33 đất nước và vùng lãnh thổ như Đức, Thụy Điển, Ba Lan, Mexico, Nicaragua, Nhật Bản, Trung Quốc, Pakistan, Israel, Ai Cập, Kenya… Theo chia sẻ của Hiền Trang, mỗi nhà văn là một câu chuyện hoàn toàn khác biệt, cách họ trình hiện văn chương cũng hoàn toàn khác biệt. Những ngày được trải nghiệm, chia sẻ và trao đổi văn chương, Hiền Trang nói cô cảm thấy mình không hề tụt hậu hay kém cỏi so với bạn văn thế giới.
“Thế giới đang thực sự quan tâm tới văn chương ngoại quốc. Một số biên tập các tạp chí văn chương lớn cũng là người nhập cư. Sự tò mò về những vùng đất nguyên sơ trong văn chương là vô cùng lớn. Văn chương Việt đương đại, nếu bắt được đúng nhịp, hoàn toàn có thể trở thành một hiện tượng” - cô nhận định.
“Nếu tính tác phẩm đương đại, nhiều sáng tác của thế hệ 7X đã được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Hàn, tiếng Anh. Với người viết trẻ hiện nay, những tác giả như Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Hiền Trang, Huỳnh Trọng Khang… hoàn toàn có thể đi xa hơn nữa” - nhà văn Văn Thành Lê nói. Nhà thơ Khét (Trần Đức Tín) bày tỏ: “Văn chương ta chưa có cơ hội để bứt phá là do chưa được đầu tư đúng mức. Nếu có kế hoạch dài hơi, rõ ràng cho việc đưa văn chương Việt ra nước ngoài, từ việc kết nối, truyền thông, xuất bản đến tiêu thụ thì tôi tin, điều này sẽ khả thi”.
|
Một số tác phẩm của những gương mặt trẻ nhiều triển vọng của văn đàn |
Thiếu một cộng đồng văn chương
Con đường ra thế giới của văn chương Việt đã được bàn luận trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có lộ trình cụ thể. Hầu hết các tác phẩm được chuyển ngữ, phát hành ở nước ngoài hiện nay đều từ mối quan hệ cá nhân của tác giả, các đơn vị xuất bản.
“Tôi cho rằng việc giới thiệu văn chương đương đại Việt Nam ra thế giới là điều cấp thiết hiện nay, bởi vì đó đang là một “khoảng trắng” với độc giả thế giới. Cần chọn các tác phẩm vừa mang tính dân tộc rõ nét, vừa đề cập đến những vấn đề chung của nhân loại. Các tác phẩm có đề tài viết cho thiếu nhi, có nội dung tình cảm - tâm lý xã hội, mang màu sắc văn hóa lịch sử dân tộc là 3 khuynh hướng nên được giới thiệu vì đó cũng chính là những điểm mạnh của văn học Việt Nam đương đại” - tiến sĩ Hà Thanh Vân nhìn nhận.
Trong quá trình giao lưu, trao đổi và tiếp nhận các giá trị văn chương với bạn bè quốc tế, nhà văn Hiền Trang nhận ra: điều chúng ta thiếu thực sự không phải là khả năng viết hay đọc mà là một cộng đồng văn chương. “Tiếng Việt có tới 100 triệu người dùng, nhưng cộng đồng văn chương của chúng ta quá mong manh. Trong khi đó, các nhà văn viết tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ả Rập, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… có được sự hậu thuẫn rất lớn từ cộng đồng của họ.
Các khoa nghiên cứu văn hóa của các trường đại hoc ở những đất nước này cũng rất phát triển. Bạn chỉ cần nói, chẳng hạn, bạn là một nhà văn viết tiếng Hàn, sẽ có cả một khoa tiếng Hàn kết nối với bạn, mang đến cho bạn những cơ hội được dịch thuật tác phẩm hay giới thiệu bản thân. Không cần nhìn những đất nước đã quá phát triển, có tiềm lực kinh tế như Đức hay Thụy Điển, chỉ cần nhìn qua một số đất nước Nam Mỹ, tôi cũng cảm nhận được sự gắn kết của họ, sự hỗ trợ lẫn nhau của họ, cả những khoản tài trợ rất lớn từ chính phủ để nhà văn ngồi nhà sáng tác” - Hiền Trang nói.
Lao động chữ nghĩa là nỗ lực tự thân của mỗi người cầm bút. Có người đi được đường dài, cũng có người lặng lẽ bỏ cuộc. Những hành trình đơn lẻ chưa đủ sức tạo nên những dòng chảy nổi bật hơn cho văn đàn. Bà Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc Công ty sách Chibooks - cho biết: để tiếp cận được với các đơn vị làm sách nước ngoài, tác phẩm trong nước cần phải được dịch toàn bộ sang tiếng Anh chứ không chỉ là danh bạ hay tóm tắt. Đây là điều rất cần được lưu tâm.
“Có nhiều phương cách để mở đường cho văn học đương đại Việt Nam ra với thế giới. Trước nhất cần phải tăng cường đội ngũ dịch văn học Việt ra tiếng nước ngoài; đồng thời tăng cường, giao lưu giữa các tổ chức, đơn vị văn học nghệ thuật với các tổ chức nước khác. Các nhà văn Việt Nam cũng nên chủ động và tự tin về việc tự giới thiệu tác phẩm” - tiến sĩ Hà Thanh Vân nêu ý kiến. Những khát vọng lớn đang chờ sự bắt nhịp và cộng hưởng, đặc biệt là sự quan tâm đầu tư từ phía Nhà nước và các hội nghề nghiệp.
Lục Diệp