Học bổng “Nữ sinh hiếu học vượt khó” lần thứ 33

Hành trình từ nước mắt đến nụ cười của người mẹ đơn thân

16/08/2024 - 06:22

PNO - Mở điện thoại cho chúng tôi xem 2 bức ảnh được chụp cách nhau gần 12 năm, chị Nguyễn Thị Thắm - 53 tuổi, ngụ phường 9, quận 8, TPHCM - gượng cười: “Em xem, tấm nào cũng là 4 mẹ con, nhưng bước được đến đoạn này niềm vui nhiều lắm rồi!”.

Đi qua ngày giông bão

Tôi xem 2 bức ảnh chị đưa. Tấm thứ nhất chụp năm 2012. Trong ảnh, chị Thắm thẫn thờ bồng đứa con nhỏ mới vừa thôi nôi, tay còn lại dắt đứa bé 3 tuổi, mắt nhìn ngơ ngác. Đứa con gái lớn đứng cạnh bên. 4 mảnh khăn tang chít trên đầu. Đó là ngày họ tiễn chồng, tiễn cha về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tấm ảnh thứ hai chụp vào tháng Mười năm ngoái - ngày con gái lớn Bảo Hân tốt nghiệp ngành y đa khoa, Trường đại học Y Dược TPHCM. Không có tiền mở tiệc vui ngày đặc biệt của con, 4 mẹ con chị lặng lẽ dắt nhau đến dự lễ tốt nghiệp mà không dám báo người thân, bạn bè.

Chỉ có anh cán bộ phường biết rõ câu chuyện cô sinh viên nghèo học giỏi nên đã lặng lẽ đi theo chụp cho 4 mẹ con tấm hình kỷ niệm và mua 4 ly nước chúc mừng ngày vui của Bảo Hân, cũng là ngày vui của cả nhà. Trong bức ảnh, chị Thắm cười tươi, ra vẻ là người hạnh phúc nhất.

 Chị Nguyễn Thị Thắm (bìa trái) và 3 con gái trong ngày con gái lớn tốt nghiệp đại học
Chị Nguyễn Thị Thắm (bìa trái) và 3 con gái trong ngày con gái lớn tốt nghiệp đại học

Quãng đường từ nước mắt đến nụ cười đó, chị Thắm cũng không biết mình đã bước đi như thế nào. Ngày chồng mất, chị chẳng khác nào con thuyền tròng trành giữa biển khơi trong cơn giông bão. Nhưng nhìn 3 đứa con thơ, chị cố gắng lau nước mắt, gạt ra khỏi đầu mọi suy nghĩ bi quan. “Mình không dám và cũng không cho phép bản thân nghĩ nhiều. Ngày đi làm, tối về luôn tự nhủ phải nhắm mắt lại ngủ để có sức khỏe ngày mai tiếp tục công việc. Lúc đó Bảo Hân đã vào lớp Bảy, Bảo Uyên mới vô lớp Mầm, còn Bảo Trâm chỉ vừa tròn 1 tuổi. Nhưng mình buộc phải tìm nơi gửi con” - chị Thắm tâm sự.

Mỗi ngày, chị gọi con dậy sớm, chở 3 đứa thả ở 3 nơi rồi vội vã chạy đến chỗ làm ở quận 10 cho kịp giờ. Chiều nào tan ca, người ta cũng thấy chị tất tả chạy về để con không phải chờ quá lâu trong sân trường. Đến khi 3 đứa con lớn hơn, có thể tự chăm sóc cho nhau, cũng là lúc thu nhập có chiều hướng đi xuống, công ty không còn tính lương theo ngày làm mà dựa vào sản phẩm, chị buộc phải tăng ca, làm 16 tiếng mỗi ngày để có thêm thu nhập nuôi con.

Con ngoan, học giỏi là động lực cho mẹ

Trong ký ức của Phan Nguyễn Bảo Uyên - học sinh lớp Mười một Trường THPT Trần Khai Nguyên - 2 chữ “nghèo khó” đeo đẳng không buông. Không chỉ là hộ nghèo “bền vững” của địa phương, mà từ ngày đi học, chữ “nghèo” cứ trở đi trở lại trong câu chuyện của bạn bè khi nhắc về Uyên.

Uyên nhớ, một buổi trưa cách đây nhiều năm, bắt gặp Uyên đang thì thầm với đứa bạn nằm kế bên trong giờ ngủ, cô bảo mẫu buông giọng: “Con bé Uyên kia, nhà đã nghèo còn không biết thân biết phận, nằm đó mà quậy!”.

Phan Nguyễn Bảo Uyên (bìa trái) và em gái Bảo Trâm luôn tự giác, bảo ban nhau học hành để không phụ lòng mẹ
Phan Nguyễn Bảo Uyên (bìa trái) và em gái Bảo Trâm luôn tự giác, bảo ban nhau học hành để không phụ lòng mẹ

“Tháng nào mẹ cũng phải chạy đầu này đầu kia để mượn tiền đóng tiền học cho 3 chị em con. Nhiều khi phải nợ lại mấy tháng” - Uyên kể. Vì thường xuyên nợ tiền trường, Uyên hay bị nhắc tên. Có một đợt mẹ nán chờ lương, còn Uyên không thể trì hoãn thêm được nữa nên về nhà bật khóc. Không còn cách nào khác, chị Thắm đành chở con ra tiệm cầm đồ cầm chiếc nhẫn cưới - kỷ vật của người chồng đã khuất.

Bật khóc khi nhắc lại kỷ niệm buồn đó, Uyên trải lòng: “Ba mất khi con 3 tuổi, chưa biết nhiều. Chỉ nhớ sau những ngày tang ba, trong giấc mơ hằng đêm, con khóc rất nhiều vì sợ một ngày nào đó mẹ cũng bỏ con đi, hoặc mẹ sẽ đi lấy chồng khác như những người xung quanh hay dọa mỗi khi chị em con không nghe lời. Vậy rồi nỗi buồn lo đó cũng nguôi ngoai khi mẹ quanh năm chỉ biết làm việc cật lực nuôi dạy 3 chị em con mà chưa từng nghĩ đến hạnh phúc riêng. Cho đến ngày con cùng mẹ ra tiệm vàng, nhìn mẹ buồn con đau lắm.

Ngược lại, nhìn con, mẹ lạc quan: “Mẹ tạm gửi ở đây, mai mốt có tiền mình ra chuộc lại”. Thế nhưng không chỉ nhẫn cưới, mà cả dây chuyền cưới cũng lần lượt ra đi và không có món nào trong số đó mẹ chuộc lại được”.

Làm việc không ngày nghỉ, người mẹ đơn thân nuôi 3 con ấy rất nhiều lần đổ bệnh nhưng không dám nghỉ để đi bệnh viện vì trong người không đủ tiền, lại sợ bị bớt lương. Uyên vẫn nhớ, có những ngày mẹ vét sạch tiền để đóng học phí cho em, đến mức không còn đồng nào trong người. Nhà chỉ có mì gói và gạo phường hỗ trợ, 4 mẹ con cứ ăn như thế chờ ngày có lương. Nhưng một mình mẹ vẫn không “cân” nổi, số nợ ngân hàng ngày một dày lên trong những năm chị Hai vào đại học.

Biết mẹ phải rất cực khổ mới lo được cho 3 chị em những nhu cầu cơ bản nhất của cuộc sống, nên Uyên dù đam mê học vẽ, khát khao được học tiếng Anh… nhưng đành gác lại. Thay vào đó, em tự học mọi thứ qua mạng với quyết tâm phải nỗ lực gấp nhiều lần.

Có lẽ, 3 đứa con ngoan, học giỏi chính là động lực giúp chị Thắm có đủ sức khỏe để làm việc hơn 100 giờ mỗi tuần. Trong lúc mẹ miệt mài làm việc ở cơ quan, thì ở nhà, 3 chị em cặm cụi vào bài vở. Có những ngày chị Thắm về đến nhà lúc 1 - 2g sáng, vẫn thấy 3 đứa còn ngồi học.

Bảo Hân 12 năm học sinh giỏi và đậu vào một trong những ngôi trường đại học danh tiếng nhất thành phố. Bảo Uyên không thua kém gì chị, 11 năm qua đều là học sinh giỏi và cũng có ước mơ trở thành bác sĩ. Tuy nhiên, ước mơ đó trở nên xa xỉ trước mức học phí của ngành y, do đó Uyên dự tính chuyển hướng sang ngành báo chí. Em út Bảo Trâm thì giữ vững danh hiệu học sinh xuất sắc và luôn là người đứng đầu lớp trong suốt 8 năm qua.

Chị Thắm tự hào kể, không chỉ đạt thành tích cao ở trường, mà các hoạt động bên ngoài, Trâm luôn là ngôi sao sáng. Từ nhỏ, vì hay đứng ngoài nhìn các bạn học võ bằng đôi mắt thèm thuồng, Trâm được thầy nhận vào học miễn phí và trở thành vận động viên vovinam, đã đạt 2 huy chương vàng giải học sinh toàn quốc. Tháng Năm vừa qua, bị té đứt dây chằng phải nằm bệnh viện, Trâm vẫn đăng ký thi Đại sứ văn hóa đọc do quận 5 tổ chức và đoạt giải.

2 tháng trước, chị Thắm mua lại chiếc xe máy cũ với giá 1,5 triệu đồng cho con có phương tiện đi làm, đi học. Thấy có xe, Bảo Uyên mon men đi tìm việc làm thêm để phụ mẹ bớt đi gánh nặng. Tuy nhiên, khi biết ý định của con, chị Thắm nghiêm giọng, yêu cầu Uyên tập trung toàn bộ thời gian trong năm học cuối cấp cho mục tiêu đại học.

Chị lạc quan: “Ráng khoảng 1 năm nữa thì Bảo Hân có thể đi làm phụ mẹ lo cho em. 12 năm qua, mình không nghĩ về cái khó, trong đầu thường trực 2 chữ “cố lên” và cứ thế mà đi tới”.

Phan Nguyễn Bảo Uyên là 1 trong hơn 300 nữ sinh được Báo Phụ nữ TPHCM trao học bổng “Nữ sinh hiếu học vượt khó” lần thứ 33 (lễ trao sẽ diễn ra vào ngày 24/8 tới đây). Với Bảo Uyên, mọi sự hỗ trợ đến từ yêu thương dành cho em và gia đình đều quý giá. Suất học bổng không chỉ là sự ghi nhận những nỗ lực vượt khó của Uyên mà đó còn là sự đồng hành, tiếp sức, giúp Uyên luôn nhắc nhở bản thân phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu.


Nhân An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI