Cuộc chạy trốn bất thành
Trở về từ Trung Quốc và thoát khỏi vòng vây của tội phạm buôn người đã hơn một tháng nay nhưng H’H. B’krông vẫn chưa hết hoảng sợ, bàng hoàng.
Để hiểu hơn về câu chuyện của cô gái người Êđê nói trên, chúng tôi đã tìm về buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Lặng đi trong căn nhà lụp xụp, H’H. cho biết, đầu năm 2018 chị quyết định xuống tỉnh Long An làm công nhân cho một nhà máy may mặc để kiếm thêm thu nhập lo cho hai con nhỏ. Thế nhưng, công việc làm thuê chẳng mấy thuận lợi, thu nhập ít khỏi khiến cho chị không khỏi lo ngại.
Trong một lần tình cờ lướt Facebook, chị H’H. phát hiện có một tài khoản đăng các thông tin tuyển dụng nên đã nhắn tin hỏi thăm. Trả lời thắc mắc của chị, chủ tài khoản này cho biết có một cửa hàng di động ở tỉnh Đắk Nông đang cần người dọn dẹp, trông coi mà không cần bằng cấp với mức lương 7 triệu đồng/tháng.
|
Chị H'H. kể lại quá trình được giải cứu. |
Chị H’H. nhớ lại: “Sau một thời gian nói chuyện, tôi mới biết chủ tài khoản nói trên tên là Dũng. Trong thời gian đó, Dũng liên tục sử dụng tiếng Êđê để thúc giục, mời tôi về Đắk Nông làm cho gần gia đình, có điều kiện thăm sóc các con. Thế nhưng, tôi chỉ nghe rồi để đó”.
Sau khoảng 3 tháng làm công nhân ở Long An, chị H’H. quyết định về Đắk Lắk làm lại hồ sơ để xin chỗ làm mới. Vào chiều ngày 12/5/2018, chị H’H. lên xe về thì vô tình gặp Dũng cũng đang từ Long An về Đắk Lắk. Rạng sáng 13/5, khi đến TP. Buôn Ma Thuột, Dũng nói với chị H’H. đợi tới sáng rồi đến cửa hàng di động ký hợp đồng, đi làm luôn.
Sáng cùng ngày, Dũng và một người tên Đông nói rằng giám đốc ở ngoài Hà Nội, để đưa chị H’H. cùng với một cô gái khác có tên là H’Đ. (SN 1995, ngụ xã Ea Kuêh, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) ra ký hợp đồng. Sau đó, Dũng và Đông đưa hai cô gái này đi gặp một người phụ nữ tên Giang (chưa rõ lai lịch) ở tỉnh Lạng Sơn.
“Sau khi gặp bà Giang, Dũng và Đông lấy cớ đi ký hợp đồng xong sẽ trở lại, còn tôi và H’Đ. lên ô tô đi cùng bà Giang. Nghi ngờ những người này có ý đồ xấu, tôi liền hỏi bà Giang: “Chắc anh chị đem tụi em đi bán phải không?” nhưng bà ấy phủ nhận.
Xe đi được vài tiếng sau, sau đó chúng tôi buộc phải xuống đi bộ trong đêm tối mịt mù. Đi được một lúc, tôi phát hiện các bảng hiệu trước mắt mình toàn chữ Trung Quốc nên van xin người phụ nữ này đừng bán chúng tôi thì liền bị đe dọa” – chị H’H. kể.
Cũng theo lời kể của nạn nhân, sau khi đến cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc, nhóm của bà Giang được một người đàn ông đón về nhà nghỉ ngơi. Cố giữ bình tĩnh, H’H. đã dùng điện thoại truy cập vào mạng internet nhắn tin cho người nhà và Công an xã Ea Kao về việc bị lừa đưa sang Trung Quốc bán.
Trước thông tin đường đột, người nhà H’H. cho rằng đó chỉ là lời nói đùa. H’H. phải lén chụp những hình ảnh có chữ Trung Quốc gửi về thì mọi người mới tá hỏa, tin đó là sự thật.
Chị H’H. đưa tay lau nước mắt khi nhớ lại: “Sau khi đưa chúng tôi vào địa phận Trung Quốc, nhóm người của bà Giang đã nhốt tôi và H’Đ. trong một căn phòng có báo động, có chó và đàn em của bà Giang canh giữ phía dưới. Tôi cố gắng tìm cách bỏ trốn nhưng bị bắt lại. Không chỉ đánh đập dã man, họ còn xé hết quần áo và đốt giấy tờ tùy thân của tôi”.
Trong lúc các cô gái như đang ngồi trên đống lửa, chờ bán làm vợ cho người Trung Quốc, Công an Việt Nam đã tìm ra manh mối của H’H. và H.Đ. và liên hệ với Công an Trung Quốc tìm cách giải cứu các nạn nhân.
"Cuối tháng 5/2018, sau 15 ngày bị đưa đi và lưu lạc ở xứ người, tôi và H’Đ. được công an đưa về Việt Nam lấy lời khai. Dù đã được đưa về nhà an toàn nhưng đến bây giờ, tôi vẫn chưa hết sợ, không dám tiếp xúc với người lạ sau những gì đã xảy ra. Nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của cơ quan công an thì không biết những nạn nhân như tôi có còn cơ hội để trở về gặp gia đình hay không” – chị H’H. chia sẻ.
Những kẻ buôn người
Trên cơ sở lời khai của các nạn nhân, vào cuối tháng 7/2018 cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành bắt giữ hai đối tượng gồm: Nguyễn Văn Đông (SN 1993) và Lê Xuân Dũng (SN 1996, cùng ngụ xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông).
Tại CQĐT, hai đối tượng khai rằng, vào tháng 6/2017, Dũng gặp và quen biết với bà Giang (tên thật là Thêu, nhà ở thôn 4, xã Đắk R’la) là bác ruột của vợ Dũng và đang cư ngụ ở Trung Quốc. Sau đó, Nguyễn Văn Đông (anh vợ của Dũng) nói với Dũng rằng, bà Giang nhờ tìm một số phụ nữ đưa ra Lạng Sơn để bán sang làm vợ cho người Trung Quốc. Nếu đưa được 1 phụ nữ sang, bà Giang sẽ trả tiền công từ 20-25 triệu đồng.
Do đang nợ tiền nhiều người nên khi nghe Đông nói, Dũng đã đồng ý tham gia và cả hai thỏa thuận sẽ chia đôi số tiền được trả. Theo thỏa thuận, khi tìm được phụ nữ, Đông sẽ là người liên hệ với bà Giang để bà này gửi tiền vào tài khoản của Đông làm chi phí đi lại.
|
Hai đối tượng Dũng và Đông tại cơ quan điều tra. |
Sau đó, Dũng lập Facebook có tên ‘Xuan Tien’ để làm quen với một số cô gái, lừa phỉnh họ đi làm công việc bán điện thoại cho Dũng với mức lương 9-10 triệu đồng/tháng.
Sau khi có người xin việc, Dũng đã dùng nhiều thủ đoạn để cùng Đông lừa, đưa ra Lạng Sơn hoặc Hà Nội giao cho bà Giang nhận thù lao. Mỗi lần tìm được người đưa đi, bà Giang đều chuyển lộ phí đi đường vào tài khoản của Đông. Cứ thế, từ đầu năm 2018 đến tháng 5/2018, Dũng và Đông đã thực hiện được 2 vụ lừa đưa phụ nữ đi bán.
Vào tháng 2/2018 Dũng quen biết với một cô gái tên Nh. (khoảng 19 tuổi, ngụ huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk). Trong thời gian đó, Nh. nhờ Dũng tìm cho một tấm chồng. Sau khi Dũng trao đổi lại, Đông đã liên hệ với bà Giang chuyển tiền vào cho Đông.
Sau khi lấy tiền, Đông và Dũng đưa Nh. đi Lạng Sơn giao cho bà Giang. Tiếp đó, vào tháng 5/2018, Dũng dùng mạng xã hội làm quen rồi đưa H’H. và H’Đ. ra Lạng Sơn giao cho bà Giang kiếm thù lao.
Công an tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục lấy lời khai của 2 nghi can và mở rộng, điều tra vụ án.
Văn Nguyên