Hành trình thấu hiểu tình yêu của rừng

03/12/2023 - 19:27

PNO - Phần thưởng cho nhóm tình nguyện chăm sóc động vật hoang dã chúng tôi sau một tuần làm việc là được tham gia tái thả động vật hoang dã về rừng và trekking vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bình Phước). Từ đây, chúng tôi đã nhận được một món quà to lớn và giá trị hơn rất nhiều: tận hưởng, thấu hiểu tình yêu của rừng, của thiên nhiên dành cho con người.

 

Trekking vườn quốc gia Bù Gia Mập
Trekking vườn quốc gia Bù Gia Mập

Hành trình thả trăn về với thiên nhiên

Sau hơn 5 phút khởi hành từ văn phòng ban quản lý vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập, đoàn chúng tôi đã “chìm sâu” vào khu rừng nguyên sinh bạt ngàn.  

Việc đầu tiên trong hành trình trekking là chọn địa điểm thích hợp để tái thả các con vật về với thiên nhiên. Lần này là 4 “bé” trăn; trong đó gồm một cặp đực - cái cùng có trọng lượng gần 30kg và 2 “bé” trên dưới 5kg. Trọng, Tuy và Cường - 3 cán bộ dày dạn kinh nghiệm của Trung tâm Cứu hộ sinh vật - VQG Bù Gia Mập - cẩn thận lựa chọn khu vực rừng phù hợp nhất với môi trường sống tự nhiên của loài trăn.

Sau khi được đẩy ra khỏi lồng, cặp trăn lớn chậm rãi định hướng và khoan thai trườn vào dưới những đám cây rậm. Tới lượt mình, “bé” trăn nhỏ nhất có phần háo hức hơn, thoắt cái đã hòa hẳn vào màu xanh thẳm của các tầng tán rừng. Chứng kiến cảnh các “bé” được trở về nhà, chúng tôi không tránh khỏi sự xúc động, lòng thầm cầu mong những con vật ấy sống bình an, khỏe mạnh.

Là người trực tiếp cứu hộ, xử lý vết thương, tham gia chăm sóc và tái thả, Nguyễn Đức Trọng - Cán bộ cứu hộ, bảo tồn Trung tâm Cứu hộ sinh vật, VQG Bù Gia Mập - cho biết: “Trung tâm từng cứu hộ và thả hàng trăm cá thể động vật hoang dã về với rừng; trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ cần được bảo vệ như: tê tê Java, khỉ đuôi dài, khỉ vàng, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, rùa núi vàng, rùa hộp lưng đen…”.

Hương sắc của rừng

Tắm thác
Tắm thác

Trọng thực sự là một cán bộ dẫn đường xuất sắc với một kho tàng kiến thức phong phú về hệ động thực vật nơi đây. Chúng tôi như được xem một bộ phim khoa học lãng mạn; mọi giác quan được mở ra để thu vào tất thảy những hình ảnh, âm thanh sống động xung quanh. Ở Trọng toát lên niềm đam mê sâu sắc với rừng. Niềm đam mê ấy như truyền lửa cho cả đoàn về tình yêu thiên nhiên, tinh thần bảo vệ đến cả từng cá thể nhỏ nhất. 

Trọng nói với chúng tôi: “Tôi mong mỗi người đến đây sẽ lan tỏa được tinh thần yêu thiên nhiên và bảo vệ rừng. Chúng ta may mắn vì đang được hít thở không khí vô cùng tinh khiết. Hãy tranh thủ hít thở thật sâu, thật dài và trân trọng những phút giây này”. Thực sự như vậy bởi rất nhiều nước công nghiệp hiện phải mua ô xy từ những nước còn nhiều diện tích rừng nguyên sinh. 

Vừa đi, Trọng vừa chỉ và kể cho chúng tôi nghe về các sinh vật đặc hữu của rừng. Loài trâm ở đây khoác lên mình bộ cánh ấn tượng với sắc màu đỏ cam đầy sinh lực. Những cây còn nhỏ, vỏ xù xì, bong tróc; đến độ trưởng thành, thân gỗ to nhẵn, mạnh mẽ. Loài bằng lăng lại có phần yểu điệu hơn bởi thân cây luôn trắng trẻo, sạch sẽ, lại có nhiều nếp gấp, gợn sóng. 

Cường, với kinh nghiệm 5 năm làm cán bộ kiểm lâm - góp thêm câu chuyện sự tích cây kơ nia. Lừng lững, thẳng tắp và uy nghi; cành cây như những cánh tay gân guốc dang rộng giữa trời xanh, tỏa bóng mát cho cả một khoảnh rừng. Trên cây còn dắt díu nhiều loài ký sinh, cộng sinh. Sức sống của cây rất bền bỉ: 4 mùa không thay lá, vững vàng trước bão giông. Không chỉ cho bóng mát, lá cây kơ nia nấu nước uống còn trị no hơi, đầy bụng. Hạt cây kơ nia sau khi nướng/rang giòn tan, thơm và béo ngậy. Người dân nơi đây tin rằng cây là nơi trú ngụ của thần linh, của linh hồn người đã khuất nên đều một lòng bảo vệ, không chặt phá.

Được mệnh danh là người có duyên với động vật nhất của trung tâm, gắn bó với rừng từ nhỏ, Tuy chỉ cho chúng tôi xem những dấu vết mà thú để lại: một mảng đất to bị xới lên cho thấy dấu tích của chú heo rừng đi qua trong đêm; những chú nai, hươu để lại dấu chân hình vuông/tam giác có góc rõ nét…

Đi trong rừng, bạn không cần mở những bản nhạc từ thiết bị điện tử bởi những thanh âm tuyệt diệu của thiên nhiên đã chiếm trọn và vỗ về tâm hồn bạn - âm thanh của gió đùa trên lá, của côn trùng, của chim kêu vượn hót, của nước chảy róc rách và tiếng bước chân của chính bạn. Khi ấy, bạn trở thành một phần của rừng, giao hòa với đất trời.

Chiến thắng nỗi sợ của bản thân

Trải nghiệm vượt suối bằng zipline tự chế
Trải nghiệm vượt suối bằng zipline tự chế

Là một khu rừng nguyên sinh nên thảm động thực vật hẳn nhiên rất phong phú. Bên cạnh những sinh vật dễ thương, còn có rất nhiều loài mang đến nỗi sợ cho không ít người. Cơn mưa cuối mùa ngày trước giúp tăng độ ẩm mát nhưng cũng tạo cơ hội cho loài vắt hoạt động tích cực. Ban đầu, những bước chân vẫn ngập ngừng khi đi qua suối, qua khe, qua những vũng lầy…

Càng về sau, những e ngại, nỗi lo sợ ban đầu dần qua. Chúng tôi đi băng băng, có thấy vắt thì nhẹ nhàng gỡ bỏ chúng ra khỏi người; lách mình dưới dòng thác để vào sâu trong những hốc đá mà ngắm nước đổ từ lòng thác, nằm dài dưới chân thác tận hưởng cảm giác được dòng nước xoa bóp, chữa lành những mỏi mệt của hệ cơ khớp, giải tỏa áp lực cuộc sống thị thành… 

Ai đã từng trekking trong rừng nguyên sinh có lẽ khó thoát khỏi cảm giác bị “say men” sau chuyến đi. Đó là men tình yêu của thiên nhiên, của núi rừng và của hạnh phúc tự thân. Bởi theo từng bước chân, bạn như cảm nhận được từng nhịp thở của lá phổi, nhịp đập con tim. Bạn như đón nhận được luồng khí thuần khiết song cũng đầy uy lực mang độ rền thời gian của rừng. Chúng len lỏi, tẩy trần và làm tươi mới đến từng tế bào. Không phải ngay trong hành trình mà về sau, cái cảm giác thỏa mãn, đủ đầy cứ tăng dần, ngấm vào tâm hồn bạn. 

VGQ Bù Gia Mập có rất nhiều cung đường trekking để bạn trải nghiệm, khám phá. Dù chỉ trên một cung đường cũng sẽ không có lần nào giống lần nào. Nhiều điều bất ngờ, thú vị luôn chờ bạn ở phía trước. Chỉ cần bạn chịu xách ba lô lên và đi. 

Đa dạng hệ sinh thái vườn quốc gia Bù Gia Mập 

VQG Bù Gia Mập là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật quý hiếm của Việt Nam và thế giới. Theo số liệu nghiên cứu khoa học của vườn, hiện tại, vườn là ngôi nhà chung của 1.114 loài thực vật thuộc 480 chi, 128 họ; trong đó, 22 loài đang bị đe dọa toàn cầu. Về động vật, vườn sở hữu 105 loài thú, 246 loài chim, 86 loài bò sát lưỡng cư và 342 loài côn trùng.

39 cây cổ thụ ở vườn vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Nơi đây còn có một di tích lịch sử quan trọng là điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu VK96 (Ô thứ 30) trong hệ thống đường ống dẫn xăng dầu dài 4.990km từ Móng Cái vào đến Bù Gia Mập (hệ thống di tích đặc biệt đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh).

Để đăng ký tham quan, du khách liên hệ theo số điện thoại: 0978.768.578 (gặp Lê Quang Hợi). 

Nếu bạn muốn trở thành tình nguyện viên cứu hộ động vật hoang dã ở VQG Cát Tiên và VQG Bù Gia Mập thì đăng ký theo đường dẫn sau: https://forms.gle/tgt56UXYShZgZiFE9.

Hà Nguyễn Đông Y

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI