Nỗ lực nhờ học bổng của báo
|
Những suất học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó của Báo Phụ nữ TPHCM đã giúp em Nguyễn Thị Khánh Linh nuôi giấc mơ trở thành bác sĩ - Ảnh: Thiên Ân |
Chỉ còn vài tháng nữa thôi, Nguyễn Thị Khánh Linh - ở phường 7, quận Phú Nhuận, TPHCM - sẽ tốt nghiệp đại học, trở thành bác sĩ. Khánh Linh xúc động: “Trong hành trình theo đuổi ước mơ, em đã nhận được rất nhiều sự trợ giúp từ Báo Phụ nữ TPHCM. Những suất học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó của báo qua từng năm vừa giúp em có điều kiện tài chính, vừa tiếp thêm động lực để em cố gắng học hành”.
Năm lên 10 tuổi, cha của Khánh Linh mất do bệnh ung thư đại tràng. Chính từ lúc đó, Linh ước sau này mình trở thành bác sĩ. Nhưng, đường học của cô chông chênh sau sự ra đi của trụ cột gia đình. Học bổng hằng năm của Báo Phụ nữ TPHCM đã tiếp bước cho cô. Hiện tại, Khánh Linh học năm cuối đại học, đang thực tập ở Bệnh viên Nguyễn Tri Phương.
Khánh Linh kể, mỗi lần trực cấp cứu ở Khoa Chấn thương chỉnh hình, cô đều tận mắt chứng kiến nạn nhân tai nạn giao thông không qua khỏi hoặc bị cưa chân, tay. Cô cảm thấy rất xót xa nhưng cũng phải giấu đi cảm xúc để động viên bệnh nhân, người thân vượt qua cú sốc. Bà Loan - mẹ Linh - tâm sự với chúng tôi: “Thấy con gái học ngày học đêm, chị cũng xót xa. Nhưng để đi đến thành công, thực hiện được ước mơ thì đâu phải dễ dàng. Chị chỉ biết ở bên cạnh, động viên con mỗi ngày”.
12 năm qua, bà Loan cũng ngày đêm miệt mài ngồi bên chiếc máy, may hàng gia công. Mỗi ngày, bà ráng thêm một chút. Với thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, bà gói ghém cho con ăn học, trả tiền thuê nhà trọ và chi dùng cho cả mẹ con. Nhìn thấy mẹ ngày đêm vất vả, chỉ mới gần 50 tuổi mà đã sớm mắc chứng đau xương khớp của người già, Linh thương mẹ nhiều hơn. Cô nói rằng, mình đã chọn học đúng ngành để có kiến thức và điều kiện chăm sóc mẹ nhiều hơn.
Tiếp nối ân tình
Là nhân viên nhân sự trong một công ty của Nhật Bản ở TPHCM, ngày ngày, hơn 18g, Hồ Thị Kim Hiếu (26 tuổi) mới về đến nhà ở khu phố 3, phường Thạnh Xuân, quận 12, TPHCM. Việc đầu tiên mà Hiếu làm là ngồi bệt bên chiếc bàn thấp, kiểm tra bài rồi hướng dẫn bé Trịnh Đức (12 tuổi) làm toán, tiếng Anh.
|
Kim Hiếu xem việc làm “chị hai”, làm 1 người đỡ đầu cho bé Đức là cách cô đáp lại những ân tình đẹp đẽ đã dành cho mình - Ảnh: Mẫn Nhi |
Đức là đứa trẻ lanh lợi, luôn tươi cười và chăm chỉ phụ mẹ bưng bê ở quán ăn nhỏ nằm trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp mà Hiếu hay ghé đến. Hiếu không ngờ có ngày, đứa trẻ ấy lại sống với mình dưới cùng một mái nhà, gọi mình là “chị Hai” và mẹ mình là “má Dung”.
Tháng 9/2022, đúng 2 tháng sau khi mẹ Đức qua đời do bệnh nan y, Hiếu đến thăm nhà cậu bé với dự định hỗ trợ tiền mua bảo hiểm y tế và 500.000 đồng/tháng.
Thế nhưng, chứng kiến cảnh bà nội Đức đau bệnh triền miên và cha Đức bị di chứng đột quỵ hành hạ, không còn khả năng lao động, Hiếu đã đổi ý. Ngày nhận giấy ủy quyền giám hộ Đức, Hiếu và mẹ - bà Huỳnh Thị Dung, 50 tuổi - hứa chắc chắn mỗi cuối tuần sẽ chở cậu bé về thăm bà nội và cha. Chị đã thực hiện đúng như vậy.
Kim Hiếu tâm sự: “Mỗi khi nhìn Đức, tôi thấy lại mình lúc còn nhỏ. Tôi may mắn còn có mẹ. Trước đây, mẹ con tôi nhận giúp việc nhà theo giờ. Có lần, đang lau dọn phòng cho chủ, tôi bật khóc, nghĩ sao mình nghèo quá, không biết có trụ nổi hết đại học hay không. Chính lúc đó, Báo Phụ nữ TPHCM đã giúp đỡ tôi; những chủ nhà mà mẹ con tôi nhận giúp việc cũng thường cho rau, cá đem về nấu. Ân tình của bao người đã góp phần làm nên Kim Hiếu hôm nay. Nên tôi mong Đức cũng sẽ cảm nhận được ân tình đó thông qua những việc làm nhỏ của tôi bây giờ”.
Cái nghèo quấn riết mẹ con Hiếu kể từ ngày cuộc hôn nhân của vợ chồng bà Dung đổ vỡ. Phải lao động sớm để mưu sinh, Kim Hiếu may mắn được trao học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó của Báo Phụ nữ TPHCM suốt 4 năm học ngành kinh doanh quốc tế, Trường đại học Mở TPHCM, khóa 2015-2019. Cô nói: “Món quà của báo những năm đó quý lắm, không chỉ giúp tôi trang trải phần nào học phí mà còn động viên tinh thần cho tôi rất nhiều. Tôi biết mình không đơn độc”.
Nối dài những ân tình đẹp đẽ mà Báo Phụ nữ TPHCM đã trao, ngoài nhận đỡ đầu bé Đức, 3 năm nay, mỗi năm, Hiếu đều ủng hộ 1 suất học bổng cho nữ sinh nghèo hiếu học và thường cùng mẹ, các dì, các chị trong xóm làm bánh mì, bún xào chở tới các khu nhà trọ tặng bà con lao động nghèo.
“Cảm ơn báo đã hết lòng”
Trưa 9/5, cầm 21,6 triệu đồng từ phòng tiếp bạn đọc của Báo Phụ nữ TPHCM bước ra, bà Ngô Thị Lệ Yên - 68 tuổi, quê ở thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên - không cầm được nước mắt.
|
Bà Ngô Thị Lệ Yên xúc động khi nhận được số tiền bạn đọc Báo Phụ nữ TPHCM hỗ trợ - Ảnh: Nguyễn Quang |
Bà là nhân vật trong bài Mong cộng đồng hỗ trợ để hoàn thành nốt 3 toa thuốc ung thư đăng trên Báo Phụ nữ TPHCM ngày 10/1/2023. Khi đó, bà Yên đang chật vật chiến đấu với căn bệnh ung thư vú giai đoạn 3B, không đủ tiền để tiêm toa thuốc tiếp theo. Rất may, nhờ có bài báo, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến địa chỉ nơi bà tạm trú để trợ giúp. Trong đó, có một bạn đọc giấu tên đã cho bà đủ số tiền của một toa thuốc, nhiều nhà hảo tâm khác tặng thực phẩm, sữa dinh dưỡng để bà ăn tết.
Bà Yên kể: “Nhờ vậy mà tôi duy trì được mạng sống. Các con tôi vẫn đang làm thuê làm mướn để phụ mẹ trả tiền nợ thế chấp đất để đi trị bệnh. Ngày khỏe, tôi vẫn đi bán hạt sen dạo, kiếm thêm tiền để tự trang trải sinh hoạt. Nay có số tiền lớn này, tôi sẽ dành cho các đợt tiếp hóa chất để có sức khỏe phụ các con trang trải nợ nần”.
Cũng trong ngày 9/5, từ ấp 4, xã An Xuyên, TP Cà Mau, chị Nguyễn Thị Cẩm Ly kết nối với chúng tôi qua cuộc gọi video. Trong căn nhà trống hoác ở miền quê nghèo, chị nằm trên gường bệnh với 1 chân đã bị tháo khớp, đầu không còn tóc do tác dụng phụ của thuốc điều trị ung thư. Bằng giọng yếu ớt, chị cảm ơn vì đã nhận được số tiền do Báo Phụ nữ TPHCM gửi tặng qua tài khoản ngân hàng: “Mấy hôm nay, tôi yếu lắm, mà ráng cầm cự để sống với con. Cảm ơn báo đã hết lòng”.
Trước đó, chúng tôi nhận được lá đơn cầu cứu của chị Cẩm Ly. Theo đó, để có tiền lo cho vợ thuốc thang, anh Lê Văn Lên - chồng chị - phải để lại 2 đứa con nhỏ cùng người vợ đau ốm ở nhà, còn mình đến tỉnh Bình Dương làm phụ hồ. Đến ngày hẹn gặp vợ để tái khám, chủ thầu công trình xây dựng đột ngột biến mất, trong túi anh Lên không còn đủ tiền để mua vé xe về lại TP Cà Mau.
“Một mình tôi đi xe mấy trăm cây số tới Bệnh viện Ung Bướu TPHCM tái khám và vô thuốc, cuối cùng, tôi ngồi bệt xuống sàn bệnh viện rồi nghĩ thôi về nhà chờ chết. Nhiều người thương tình, bày tôi viết đơn cho Báo Phụ nữ TPHCM. Tôi không biết chữ nên phải nhờ người khác viết giùm” - chị Cẩm Ly kể về cơ duyên đưa chị đến với chúng tôi.
Ngày nhận đơn chị, chúng tôi kết nối với chị và chồng chị qua điện thoại để nắm tin ban đầu. Nhưng trân trọng những đồng tiền đóng góp từ bạn đọc, chúng tôi đã yêu cầu phóng viên thường trú ở TP Cà Mau xác minh thông tin. Phóng viên đến nhà, tận mắt chứng kiến hoàn cảnh đáng thương của gia đình chị, đã kêu gọi người thân, bạn bè và cộng đồng ở TP Cà Mau chung tay hỗ trợ ngay cả khi bài báo của chúng tôi chưa được đăng. Trong những cuộc gọi sau này, chị Cẩm Ly tâm sự, chính tấm lòng của các nhà hảo tâm đã động viên chị gắng sống, tiếp tục theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
Ân - Nhi - Lê - Chi