|
Theo Will Burrard-Lucas, “từ “báo đen” chỉ chung những cá thể mang sắc tố lông đen do đột biến gen thuộc họ Mèo lớn. Trên thực tế, hình thái đột biến này chỉ từng được quan sát thấy ở báo đốm Mỹ và báo hoa mai” |
Sau cùng, nỗ lực kiên định đã giúp vị nhiếp ảnh gia nổi tiếng hoàn thành mơ ước tưởng chừng bất khả ấy. Bài viết được lược dịch từ tự truyện The Black Leopard của Will Burrard-Lucas, phát hành vào tháng 3/2021. Sách thuật lại cuộc du hành kỳ thú đến miền trung Kenya để săn ảnh báo đen của ông.
Khởi hành vào sáng sớm từ trung tâm thủ đô Nairobi để tránh kẹt xe, tôi đến thị trấn Nanyuki tại chân núi Kenya sau bốn tiếng. Mất hai tiếng nữa tôi mới tiếp cận được Trại bảo tồn Thiên nhiên hoang dã Laikipia. Lúc đầu, tôi nhờ ứng dụng Google Maps trợ giúp đường đi. Thế nhưng, sâu trong vùng cao nguyên Laikipia hoang vắng, chỉ dẫn đường sá sơ sài bắt đầu khiến tôi lo ngại. Phòng khi bị lạc, tôi chuẩn bị thêm nước và bánh quy.
Hy vọng mong manh
Trên xe, ngẫm nghĩ về mục tiêu trước mắt, tôi không khỏi tự hỏi bản thân: Rốt cuộc tôi định làm gì? Chụp ảnh một loài báo đặc biệt mà ngay cả những hướng dẫn viên tại trại bảo tồn Laikipia cũng chỉ thoáng thấy vài lần những năm gần đây? Càng nghĩ, tia hy vọng trong tôi càng mờ nhạt. Nhiều khả năng, tôi sẽ tiêu tốn lượng lớn công sức, thời gian một cách vô nghĩa.
Nhưng tưởng tượng mà xem, nếu tôi có được một tấm ảnh về con vật đó - một loài vật biểu tượng, quý hiếm như báo đen ở mảnh đất châu Phi này, nơi chúng vô cùng hiếm thấy và gần như chưa từng được chụp ảnh… Cả khi cơ hội thành công rất mong manh, tôi phải thử.
Chí ít, đây có thể là chuyến đi thăm dò bổ ích. Tôi sẽ có cơ hội nói chuyện với những nhân chứng từng nhìn thấy báo đen, có cái nhìn sơ lược về nơi chúng cư trú. Mang theo thiết bị bẫy camera và camera dò đường (hai loại máy ảnh chuyên dụng của thợ săn ảnh và giới nghiên cứu động vật hoang dã, được gắn cảm biến chuyển động hoặc cảm biến nhiệt độ nhằm tự động ghi hình mọi vật thể di chuyển trước ống kính mà không cần sự có mặt của người chụp), tôi dự tính dành sáu tháng tiếp theo quanh khu vực này, tìm hiểu xem liệu báo đen còn ở đây. Tôi không kỳ vọng gì nhiều. Một tấm ảnh mờ nhạt từ camera dò đường cũng đủ khiến tôi vui rồi.
Sau Nanyuki, tôi đi tiếp qua hàng loạt ngôi làng nhỏ. Đường lát đá nhường chỗ cho đường đất. Chẳng mấy chốc, tôi đã đắm mình vào khung cảnh đời sống hoang dã với những chú hươu cao cổ Somali, ngựa vằn Grevy, linh dương cổ dài Gerenuk, linh dương sừng cao và voi. Chặng đường càng quanh co, cảnh vật càng đẹp hơn. Đến một đoạn vách đá dựng đứng hiểm trở, có những cây long huyết (dracaena) mọc rải rác, tôi chợt nghĩ, đây hẳn là địa bàn cư trú lý tưởng của báo đen: nhiều khe nứt để trú ẩn cùng những con mồi phong phú như chuột đá và linh dương Klipspringer.
Tôi kết thúc chuyến xe dài ở trại bảo tồn Laikipia và gặp gỡ ba đồng sự: Steve Carey, người vận hành cơ sở tại đây; Stephen Leshorono, một hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm và Jasper Maberly, một trợ lý hướng dẫn viên quốc tịch Anh. Mọi người hồ hởi thảo luận về báo đen. Đã dành hơn mười năm làm việc cho khu bảo tồn, Carey tiết lộ chỉ từng thấy báo đen đôi lần ở một vài địa điểm khác nhau. Leshorono và Maberly cũng thế. Họ nói, ngay cả người dân bản địa cũng hiếm khi nhìn thấy chúng.
Có vẻ vài con báo vẫn đang sống quanh khu vực vách đá hiểm trở, nhưng vì sao chưa từng có hình ảnh nào mới về chúng được ghi nhận? Phải chăng tôi là nhiếp ảnh gia đầu tiên thử chụp ảnh báo đen tại vùng đất này? Hay đơn giản vì chúng khó bắt gặp đến mức gần như không thể được ghi hình?
Cuộc gặp từ quá khứ
Ngày thứ hai tại trại, Carey dẫn tôi đến gặp Luisa Ancilotto, hàng xóm của anh. Gần đây, bà bắt gặp một con báo đen lảng vảng quanh nhà, vốn cũng nằm trong một khu vực núi đá cheo leo. Giữa đường, nhóm chúng tôi bất chợt nhìn thấy những dấu chân báo còn mới. Dấu vết dẫn đến một khe suối nhỏ. Cả nhóm đồng tình rằng đây sẽ là địa điểm tuyệt vời để đặt chiếc bẫy camera đầu tiên nhưng trước hết, chúng tôi cần tiếp tục chuyến thăm Ancilotto.
Ancilotto, một phụ nữ gốc Ý đôn hậu đã gắn bó nhiều năm với vùng đất này, chia sẻ, bà có cuộc “chạm mặt” đầu tiên với báo đen cách đây 18 tháng. Khi ấy, Ancilotto cùng một người bảo vệ đang lái xe về nhà từ hướng con sông. Vừa tiến vào đoạn đường dốc dẫn đến ngôi nhà, họ trông thấy một sinh vật màu đen kỳ lạ xuất hiện bên đường, đi sau một con báo đốm lớn. Lúc sau, bà nhận ra, đấy là một con báo đen non đang theo chân mẹ.
Nơi cư trú của chúng cận kề nhà Ancilotto. Vì thế, bà có cơ hội quan sát con báo nhỏ vài lần nữa, chứng kiến nó lớn lên. Là người am hiểu tự nhiên, Ancilotto tin rằng con vật này có thể đã hai năm tuổi và vẫn còn quanh quẩn tại đây.
Thông tin ấy nhen nhóm lại tia hy vọng trong tôi. Thế nhưng Carey đưa ra một nhận định đáng băn khoăn. Nếu thật sự hơn hai năm tuổi, đạt tới mốc trưởng thành, con báo có khả năng sẽ thay đổi lãnh thổ săn mồi. Hoang mang và nóng ruột, tôi muốn lắp đặt hệ thống camera càng sớm càng tốt.
Hôm sau, theo lời giới thiệu từ Ancilotto, chúng tôi đến gặp nhóm hai nhà khoa học nhiệt tâm đang biên soạn một dự án tài liệu về báo đen: Ambrose Letoluai - chuyên gia nghiên cứu từng làm việc cho vườn thú San Diego và nhà sinh vật học người Mỹ Nick Pilford. Letoluai đưa tôi xem loạt dữ liệu video họ thu thập một năm qua, ghi lại hình ảnh báo đen trong môi trường tự nhiên. Quả là một sinh vật tuyệt đẹp. Tôi vui mừng hơn khi biết đoạn băng tư liệu mới nhất được ghi lại vào
tháng trước.
Trước công trình của Letoluai và Pilford, báo cáo khoa học sau cùng về báo đen châu Phi được thực hiện tại Ethiopia năm 1909. Nghe tôi chia sẻ về mục tiêu săn ảnh, họ đề nghị được cộng tác. Letoluai muốn sử dụng những tấm ảnh của tôi để minh họa cho dự án nghiên cứu. Vì mục đích khoa học, tôi vui vẻ đồng ý. Nhưng đấy là trong trường hợp tôi thật sự chụp được một bức ảnh ra trò.
Chạm đến ước mơ
Tiến trình lắp camera đặc biệt gây “đau đầu”. Tôi cần những vị trí bối cảnh vừa phù hợp để đảm bảo chụp được chủ thể tôi muốn, vừa mang tính nghệ thuật. Cuối cùng, tôi quyết định đặt một chuỗi camera gần nhà Ancilotto và khe suối nhỏ tôi từng cùng Carey khảo sát. Nhóm chúng tôi làm việc miệt mài đến chiều muộn để hoàn tất việc lắp đặt.
Vài ngày đầu, quả nhiên chưa có “thu hoạch” gì. Chúng tôi ghi được ảnh linh cẩu, thỏ rừng… nhưng không có con báo nào. Qua một tuần thấp thỏm chờ đợi, tôi quyết định kiểm tra tất cả máy một lượt. Thất vọng nối tiếp thất vọng, cho đến khi, trên màn ảnh chiếc camera cuối, tôi trông thấy dáng hình một sinh vật lông đen với đôi mắt sáng hiện ra giữa màn đêm. Tôi ngỡ ngàng. Thứ tôi tìm kiếm bao năm đây ư? Thế nhưng, để chắc chắn về chất lượng bức ảnh, tôi cần xem nó trên máy tính. Trong căn lều, tôi hồi hộp chờ laptop khởi động. Và ít phút sau, trên màn hình máy tính, tôi đã được chiêm ngưỡng khoảnh khắc ước mơ của mình vừa thành hiện thực. Một con báo đen đứng oai vệ giữa những vệ cỏ trên khe đá. Tấm ảnh đẹp đến mức khiến tôi choáng ngợp…
Như Ý (theo Atlas Obscura)
Ảnh: Will Burrard-Lucas