Một bộ phim, 8 năm, 27 bản dựng, 7 quay phim và 89 ngày quay (vì mỗi ngày chỉ quay ba tiếng). Đằng sau những con số khô khan dài đằng đẵng đó là cả thời tuổi trẻ của người anh - đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy và quãng đời hoa niên tươi đẹp của người em - diễn viên chính Trần Anh Khoa, người vào vai Ròm.
Phá lệ đưa người nhà đóng phim
Chỉ còn ba tuần nữa, phim Ròm sẽ chính thức trình chiếu tại Việt Nam (ngày 31/7). Có thể hình dung được niềm hân hoan của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy trong buổi công chiếu đầu tiên của phim tại quê nhà lẫn khoảng lặng trong anh, khi ngày vui thiếu vắng thằng Ròm trên màn ảnh - diễn viên Trần Anh Khoa - cậu em đồng hành cùng anh trong hành trình đưa Ròm từ phim ngắn 16g30 đến phim truyện dài.
|
Khoa (trái) và Huy (phải) trên phim trường Ròm |
Dịch COVID-19 đã khiến Trần Anh Khoa đang du học tại Canada không thể về nước chung vui, nhưng có lẽ ở bên kia bán cầu, thằng Ròm trong phim cũng hạnh phúc lây, vì rốt cuộc hai anh em đã về đích sau 8 năm dành hết thời gian, sức lực, tâm huyết cho bộ phim mà Huy gọi đó là cả thanh xuân của mình.
Ròm được Trần Dũng Thanh Huy phát triển từ phim ngắn 16g30 là điều ai cũng biết, nhưng ít ai biết Trần Anh Khoa không phải là lựa chọn ban đầu cho vai chính. Vốn dĩ Huy đã mời 5-7 diễn viên nhí vào vai cậu bé bán vé dò khi làm 16g30 - tác phẩm tốt nghiệp của anh - nhưng lần lượt đều bận việc vào hai ngày cuối tuần - thời điểm quay phim. Không thể chờ đợi vì sắp hết hạn nộp bài, Huy bất đắc dĩ “đẩy” đứa em duy nhất của mình lên phim, bất chấp lời răn đe của các thầy cô trong trường: “Cấm đưa người nhà đóng phim”. Thời điểm đó, Khoa vừa thi học kỳ II xong, khá rảnh rang, nghe lời anh trai “dụ” liền ưng ngay, bởi bản thân từ lâu cũng mê công việc quay phim, chụp ảnh.
Ai từng xem 16g30 cũng đều không tin đây là lần hóa thân đầu tiên của một cậu nhóc 12 tuổi. Bởi trong diễn xuất, khó nhất là biểu cảm ánh mắt, nhưng Khoa đã lột tả xuất sắc, đặc biệt cảnh nhắm bắn lon bia trong phần mở đầu và cảnh giương ná nhắm bắn “đối thủ” đoạn gần cuối phim.
Huy nói giọng tự hào, vừa có ý khoe con mắt chọn diễn viên tinh đời của mình vừa khen cậu em: “Trước ống kính, tay chân Khoa lọng cọng, thừa thãi lắm, nhưng lại là đứa có nội lực diễn xuất, nhất là đôi mắt biết diễn”. Ỷ diễn viên là người nhà nên chàng đạo diễn tương lai tha hồ “hành hạ” thằng nhỏ, có lần cậu còn “lừa” em ăn đạn ná để có được phản ứng nhân vật chân thật nhất trong cảnh cậu bé giơ ná bắn nhưng lại bị đạn bật ngược vào trán.
16g30 hoàn thành, những tưởng thằng em đã “thoát” khỏi tay ông anh, nhưng bốn năm sau, Khoa tiếp tục bị Huy “dụ dỗ” vào dự án Ròm. Khoa lại lăn lộn sống đời thằng Ròm tiếp hai năm, vì ông anh khó tính chỉ canh trời có nắng mới quay, nên mỗi ngày chỉ quay ba tiếng. Bởi vậy, nếu gọi Ròm là thời tuổi trẻ của Huy, thì Ròm cũng là thời hoa niên của Khoa - người đã sống với nhân vật từ năm 12-18 tuổi.
|
Thế mạnh diễn xuất của trần anh khoa nằm ở đôi mắt |
Đường anh đi luôn có em theo cùng
Trong làng phim, chuyện anh em, vợ chồng làm chung phim không hiếm, nhưng hành trình lận đận của Ròm càng khiến người ta ấn tượng hơn cái cách anh em Huy - Khoa đã tựa vào nhau để cùng làm nên một bộ phim về tầng lớp xuất thân của họ - những người dân lao động nghèo ở Sài Gòn. Từng ấy năm Huy trăn trở với Ròm bằng con chữ, cũng là từng ấy năm Khoa giúp anh sống trọn vẹn đời của Ròm trên màn ảnh.
Huy kể, nhiều đêm chuẩn bị đi ngủ, anh lại nảy ra ý tưởng quay thêm cảnh này cảnh kia nên không cho Khoa đọc trước kịch bản hay lời thoại, chỉ cho biết về tính cách nhân vật, và một tuần trước cảnh quay sẽ trao đổi về nội dung sắp quay. Còn với Khoa, dù tính chất và quy mô của 16g30 và Ròm khác nhau, nhưng khi đóng Ròm, em như gặp lại cảm xúc từ những ngày đầu đóng 16g30, và thấy vui vì thêm lần nữa được sống lại với nhân vật này.
“Giữa em và Ròm có nhiều điểm giống nhau, chẳng hạn tính em thương người, hay nghĩ cho người khác, sợ mọi người buồn nên luôn tươi cười và giữ sự tích cực dù có áp lực hay mệt mỏi. Em và Ròm đều dành nhiều tình cảm cho gia đình. Từ nhỏ em thường đi ra chỗ làm cùng ba và bán hàng với mẹ, hiểu được sự vất vả của ba mẹ nên rất thương họ. Em cũng là người thích khám phá, hay rong ruổi ngoài đường nên biết mọi ngóc ngách ở Sài Gòn - hệt như Ròm. Em cũng giống nhân vật này ở chỗ dám dấn thân để làm một việc gì đó dù không thành công” - Huy nói.
Trailer phim Ròm:
Có thể hiểu những cảm xúc của hai anh em dành cho Ròm một phần cũng bởi những gì trong phim chính là hình ảnh tuổi thơ của họ - những người trưởng thành trong xóm lao động với cha làm nghề sửa xe, mẹ buôn bán kiếm sống. Nếu phim Ròm khắc họa chân dung những người nghèo kiên cường, thì nói những người sáng tạo ra Ròm là hiện thân của sự kiên cường ấy cũng không ngoa. Bởi điện ảnh là cuộc chơi tốn kém, nhưng hai anh em vẫn đeo đuổi đến cùng để có được một bộ phim Việt làm nên kỳ tích với giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019.
Ròm cuối cùng cũng về đích, nhưng hành trình làm phim của Huy và Khoa chắc chắn sẽ không dừng ở đây. Trong tương lai, sự kết hợp của hai anh em có thể không còn ở vai trò đạo diễn - diễn viên mà sẽ chuyển sang đạo diễn - quay phim, hoặc đạo diễn - nhà sản xuất. Bởi như Khoa chia sẻ, dù vai Ròm được khen, nhưng diễn viên không phải là công việc em muốn gắn bó. Quay phim mới là đam mê thực sự của em. Huy “kể công” nhưng nghe đầy tình cảm: “Khoa đang theo học ngành sản xuất phim ở Canada được hai năm, và hai năm nữa mới ra trường, nên tôi phải cày ít nhất là hai năm nữa để nuôi nó…”.
Hương Nhu