Hành trình Olympic qua lăng kính của thế hệ trẻ

06/08/2024 - 06:09

PNO - Tại Olympic Paris 2024, thế hệ trẻ đang truyền cảm hứng cho hàng triệu người theo dõi, đồng thời đón nhận những tác động khổng lồ từ mạng xã hội.

Tự tin thể hiện cá tính

Các vận động viên (VĐV) thể dục dụng cụ Olympic nữ của Mỹ đã có 1 tuần thi đấu thành công. Ngoài việc Simone Biles trở thành nữ VĐV thể dục dụng cụ có nhiều huy chương nhất từ ​​trước đến nay, họ còn giành huy chương Vàng nội dung đồng đội.

Trong khoảnh khắc sau khi giành chiến thắng, 2 thành viên Simone Biles và Suni Lee nói với nhau về những đoạn phim TikTok mà họ muốn chia sẻ. “Tôi muốn làm một video cắn chiếc huy chương” - Biles nói và Lee trả lời: “Được thôi. Tôi cũng muốn làm một video có nội dung “Hãy tưởng tượng nếu chúng ta không giành chiến thắng’”.

Vài giờ sau, cả đội đã phát trực tiếp trên TikTok và những người bình luận bày tỏ niềm vui khi được cùng chia sẻ chiến thắng. Mạng xã hội được gen Z (sinh từ năm 1997-2012) yêu thích và những khoảnh khắc vô cùng truyền cảm hứng, vui tươi như của Simone Biles cùng đồng đội đều được ghi lại trực tuyến.

Simone Biles kết thúc bài biểu diễn giữa tiếng hò reo của khán giả tại vòng chung kết  đồng đội thể dục nghệ thuật nữ ở Olympic Paris 2024, Pháp - Nguồn ảnh: AP
Simone Biles kết thúc bài biểu diễn giữa tiếng hò reo của khán giả tại vòng chung kết đồng đội thể dục nghệ thuật nữ ở Olympic Paris 2024, Pháp - Nguồn ảnh: AP

Trong một cuộc họp báo, Biles nói về sự tự do mà cô cảm thấy đội đã đạt được trong những năm gần đây. Nữ VĐV sinh năm 1997 chia sẻ: “Họ từng cố gắng nhốt chúng tôi vào những khuôn khổ. Nhưng giờ đây, chúng tôi có thể vui vẻ thể hiện cá tính. Một khi chúng tôi bước ra sàn đấu, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình và gặt hái thành quả”.

Chuyên gia truyền thông xã hội và người sáng lập OutThink Media (Mỹ) - Cindy Marie Jenkins - cho biết, cách sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của Biles và đồng đội rất đặc trưng thế hệ: “Bằng cách ghi lại những trải nghiệm riêng tại một trong những sự kiện quốc tế được chú ý nhiều nhất, họ đã chào đón những người theo dõi vào câu chuyện của mình và chia sẻ góc nhìn của họ trước khi một phương tiện truyền thông lớn hơn đưa tin. Biles và các đồng đội của cô mang đến cho mọi người cái nhìn thú vị về cuộc sống của VĐV thể dục dụng cụ”.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Censuswide (Anh), 62% người Anh trong độ tuổi từ 25-34 sử dụng mạng xã hội thường xuyên hơn trong thời gian diễn ra các sự kiện lớn như Thế vận hội, đối với những người trong độ tuổi từ 16-24, con số này là 53%.

Vận động viên trẻ chịu nhiều áp lực

Olympic không giới hạn độ tuổi đối với tất cả 32 môn thể thao. Thay vào đó, cơ quan quản lý của từng môn riêng lẻ sẽ quyết định về giới hạn độ tuổi. Các môn thể thao như trượt ván, nhảy breakdance, lướt sóng, leo núi nhân tạo được đưa vào Olympic Paris 2024 và các VĐV trở thành người có sức ảnh hưởng.

Thể thao không chỉ là các sự kiện cạnh tranh mà còn là sự mở rộng của lối sống gen Z. Tuy vậy, cũng có những câu hỏi về tác động từ mức độ cạnh tranh cao đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của VĐV. Michael Bergeron - chuyên gia nghiên cứu kiêm cố vấn của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) về phát triển thể thao trẻ - cho biết: “Tuổi vị thành niên là giai đoạn rất dễ thay đổi về mặt thể chất, sinh lý, nhận thức và tâm lý xã hội. Do đó, khi kết hợp cùng áp lực từ những môn thể thao cạnh tranh ở đẳng cấp thế giới, thật khó để các VĐV trẻ điều hướng cuộc sống”.

Rosemary Purcell - giáo sư chuyên về sức khỏe tâm thần trong các môn thể thao tại Đại học Melbourne (Úc) - nhận định, bức tranh tâm lý của các VĐV trẻ không hề đơn giản. Giáo sư Purcell cho biết: “Có sự khác biệt khá rõ rệt giữa những gì chúng ta thấy trong cộng đồng và ở những VĐV trẻ ưu tú.

Một số môn thể thao đi cùng tỉ lệ rối loạn ăn uống và rối loạn cảm nhận hình ảnh cơ thể cao hơn. Tuy vậy, những người trẻ tuổi có nhận thức rất cao về các vấn đề sức khỏe tâm thần. Họ muốn được nhìn nhận theo cách toàn diện hơn và sẽ góp phần thay đổi suy nghĩ về vấn đề tâm lý trong thể thao”.

Vào tháng Năm, IOC thông báo rằng một hệ thống AI tiên tiến sẽ giúp chặn và xóa các bài đăng lăng mạ nhắm vào các VĐV và quan chức tại Olympic Paris. Ủy ban Olympic Nhật Bản cũng yêu cầu người hâm mộ chú ý đến cách cư xử của mình trên internet.

Shinichi Yamaguchi - phó giáo sư chuyên về truyền thông xã hội tại Đại học Quốc tế Nhật Bản - cho biết: “Chỉ vì ai đó chọn một nghề nghiệp khiến họ được công chúng chú ý không có nghĩa là họ phải chịu đựng việc bị tấn công trên mạng xã hội. Nếu bạn không thể nói bất cứ điều gì tốt đẹp thì tốt nhất đừng nói gì cả”.

Linh La

(theo Fast Company, DW, Japan Times, AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI